"Các bà mẹ VN anh hùng đã 'gần đất xa trời', còn sức đâu mà đi học"?!

12/07/2013 06:24
Xuân Trung
(GDVN) - Trao đổi với giaoduc.net.vn, PGS Văn Như Cương chia sẻ, lúc đầu ông không tin vào tai mình khi nghe tới quy định này, nhiều người cho rằng đó là quy định mang tầm nhìn xa. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu ông cho biết không thể không buồn cười khi phần lớn các bà mẹ Việt Nam anh hùng hiện nay đã “gần đất xa trời”, còn sức đâu mà đi học.
Sau khi dư luận phản ứng mạnh về chính sách ưu tiên cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng khi thi ĐH, CĐ là 2 điểm. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga giải thích, ngày 4/7/2013 Bộ GD&ĐT đã có Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên quy định trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 09/2012. 
Đảm bảo ai cũng được học suốt đời

Trong Thông tư mới quy định: “Sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 như sau: Bổ sung đối tượng ưu tiên vào đối tượng 03, gồm: Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;…”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng cho biết, Thông tư mới được ban hành để cập nhật các đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh nhằm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 77 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó giao Bộ GD&ĐT với nội dung: "Hướng dẫn thực hiện việc ưu tiên trong tuyển sinh, đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ tại các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân".

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa.
Hình ảnh chỉ mang tính minh họa.

“Thông tư này được ban hành trong bối cảnh chúng ta đang triển khai xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Qui chế tuyển sinh ĐH, CĐ không giới hạn tuổi của thí sinh. Do đó mọi người dân có đủ điều kiện qui định và có nguyện vọng đều có thể dự thi (chính qui, liên thông, vừa làm vừa học...)” Thứ trưởng Ga khẳng định.

Được biết, trước đó ngày 22/5/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, văn bản này không có qui định giới hạn tuổi của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, theo quy định về đối tượng được xét tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" tại Điều 2 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP thì không chỉ người trong thời kỳ kháng chiến mà nhiều người trong thời kỳ hiện nay cũng có thể được phong tặng danh hiệu này. 

Vì vậy, Thứ trưởng Bùi Văn Ga kết luận: “Việc bổ sung "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" là một trong đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh là phù hợp với quy định của Chính phủ và để đảm quyền lợi chính đáng của người có danh hiệu nêu trên khi tham gia tuyển sinh cao đẳng, đại học”.

Ngoài ra, theo giải thích của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, việc cập nhật các đối tượng ưu tiên theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ vào qui chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD&ĐT thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần trách nhiệm của xã hội đối với những người có công với nước, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, dù biết rằng đối tượng bổ sung có thể rất ít.
“Quy định ý nghĩa nhưng tôi vẫn thấy buồn cười”

Trao đổi với chúng tôi, PGS Văn Như Cương chia sẻ, lúc đầu ông không tin vào tai mình khi nghe tới quy định này, nhiều người cho rằng đó là quy định mang tầm nhìn xa. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu ông cho biết không thể không buồn cười khi phần lớn các bà mẹ Việt Nam anh hùng hiện nay đã “gần đất xa trời”, còn sức đâu mà đi học.


PGS Văn Như Cương
PGS Văn Như Cương


Theo PGS Cương, giải thích của Bộ GD&ĐT về chính sách với người có công như vậy có thể chấp nhận được, nhưng còn cộng 2 điểm cho những người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 thì quả là hài hước. 

“Những người năm 1945 đi làm cách mạng, lúc đó chỉ mới 15-18 tuổi nhưng bây giờ là bao nhiêu tuổi, bao nhiêu người còn sống mà thi đại học?. Cách giải thích của bộ vẫn chỉ là bao biện” PGS Văn Như Cương thẳng thắn.

Ông nói tiếp, tính chất “buồn cười” của quy định thì không xóa được. Mặc dù đây là một quy định cho cả quốc gia thực hiện, nhưng PGS Văn Như Cương vẫn băn khoăn một điều, dù có sau này đất nước có những bà mẹ Việt Nam anh hùng “trẻ tuổi” thì với quy định như vậy cũng không hợp lí. 

“Quy định việc học tập hay trí tuệ, tôi nghĩ nếu tôi là bà mẹ như thế thì sẽ bảo các con cháu cho tôi tiền sẽ hơn. 2 triệu hay 20 triệu sẽ giúp đỡ bà mẹ Việt Nam anh hùng đỡ khó khăn hơn trong cuộc sống nếu khi người ta không muốn học. Thậm chí ngay cả khi người ta muốn học mà cộng 2 điểm nhưng người ta không học được thì để làm gì? Vậy ưu đãi thì phải nghĩ nên ưu đãi cái gì, ngay cả việc khi người đó muốn học đại học thì có nên ưu đãi bằng cách cộng 2 điểm hay không?” PGS Văn Như Cương đặt câu hỏi.

GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam đồng quan điểm, ông cho rằng số bà mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với cách mạng trước năm 1945 sẽ là rất ít thì việc cộng điểm là không hợp lí. 

Theo GS Dong, các bà mẹ nhiều tuổi nếu muốn đi học cứ tạo mọi điều kiện cho đi học, còn việc cộng điểm sẽ là rất buồn cười. “Quan điểm của tôi nếu còn những người nào như thế, có nhu cầu đi học thì thôi cũng là họ đã hy sinh mất mát, có thể bù lại cho họ bằng cách tạo một ưu tiên, một ưu đãi nào đó thay cho cộng điểm.

Ai muốn học ở đâu thì ưu đãi cho họ học. Tôi nghĩ những bà mẹ Việt Nam anh hùng đâu có cần bằng cấp, họ đã già rồi, họ chỉ cần chế độ ưu đãi đặc biệt. Điều đó vừa để thể hiện lòng tôn kính của chúng ta với họ, vừa tạo điều kiện để họ có thể tham gia học suốt đời” GS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.
Xuân Trung