“Cha mẹ bạn ấy buôn ma túy đi tù, tụi con không chơi cùng đâu”

27/03/2016 08:12
T.P
(GDVN) - Tôi chợt nghĩ, ở lứa tuổi các em, lứa tuổi đang hình thành và phát triển nhân cách, sự giáo dục đúng đắn là vô cùng quan trọng và cần thiết.

LTS: Để góp phần giáo dục trẻ đạt hiệu quả cao, phát triển đúng hướng, một cô giáo Tiểu học (xin được giấu tên) kể một câu chuyện với mong muốn gửi lời nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh, thế học học trò và tới những người làm trong ngành giáo dục lời tâm huyết nhất.  

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Tiếng trống trường gióng giả báo giờ ra chơi đã đến. Học sinh reo hò, ùa ra như ong vỡ tổ. Đã mấy hôm nay, tôi mới để ý thấy học sinh B. vẫn ngồi lại một mình trong lớp với vẻ mặt buồn buồn trông thật tội. 

Lại gần, tôi hỏi: “Sao con không ra ngoài chơi cùng các bạn?” Nghe cô hỏi, B. ngước cặp mắt tròn xoe lên trả lời: “Dạ, không bạn nào cho con chơi cùng ạ”. 

“Cha mẹ bạn ấy buôn ma túy đi tù, tụi con không chơi cùng bạn ấy đâu” (Ảnh: phunuvietnam.vn)
“Cha mẹ bạn ấy buôn ma túy đi tù, tụi con không chơi cùng bạn ấy đâu” (Ảnh: phunuvietnam.vn)

Chưa kịp hiểu ra chuyện gì, mấy bạn nam đang chơi gần đó nhanh nhảu lên tiếng: “Cha mẹ bạn ấy buôn ma túy đi tù rồi cô. Buôn ma túy là độc ác lắm đấy. Tụi con không chơi cùng đâu”. 

Có em còn nói: “Mẹ con nói, cấm chơi với những đứa như vậy. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. 

Tôi thấy choáng nhiều hơn là bất ngờ bởi những đầu óc non nớt kia, những tâm hồn vô tư trong sáng của những học trò mới tròn 8 tuổi đã bị sự nhỏ nhen vô cảm của người lớn làm vẩn đục.

“Cha mẹ bạn ấy buôn ma túy đi tù, tụi con không chơi cùng đâu” ảnh 2

Đừng nghĩ trẻ không biết gì

(GDVN) - Trong gia đình, vợ chồng nào cũng không tránh khỏi những lúc va chạm những lần cãi vã nhưng điều cấm kị là không nên cãi nhau trước mặt con.

Nghe các bạn nói, B. càng cúi gầm mặt sát bàn hơn, hai dòng nước mắt em lăn dài ướt cả trang vở. Lúc này, tôi mới hỏi rõ em: “Các bạn không cho con chơi lâu chưa?”. Em nói từ đầu năm học đến giờ. 

Tự nhiên, tôi thấy mình cũng thật đáng trách vì quá vô tâm. So với những lời răn dạy của các bà mẹ kia, một giáo viên chủ nhiệm như tôi cũng chẳng hơn gì. 

Không phải tôi không biết hoàn cảnh gia đình em. Hôm nhận lớp chủ nhiệm, cô bạn đồng nghiệp cũng đã nhắn nhủ: “Chị quan tâm đến em B. một chút vì cha mẹ em đó buôn ma túy đang đi tù, B. ở với ông bà ngoại nhưng cũng nghèo lắm. Chuyện học cũng bết bát vì không có ai chăm lo”. 

Cứ nghĩ quan tâm là tận tình chỉ dạy cho em những kiến thức để em theo kịp bạn bè vì lực học của em còn yếu.

Quan tâm là dành cho em những phần quà hỗ trợ của trường, của các nhà tài trợ khi có chương trình. Quan tâm là mượn cho em bộ sách giáo khoa, xin cho em mấy bộ đồ cũ, đôi giày thể dục, giúp em chiếc cặp mới tới trường hay xin nhà trường miễn cho em một số khoản tiền phải nộp…

Tôi cứ nghĩ bấy nhiêu sự quan tâm là đủ. Nhưng đâu ngờ, mình vẫn còn quá vô tâm khi bỏ quên sự quan tâm vô cùng cần thiết, đó là sự gần gũi, chia sẻ của một người mẹ, người cô. 

Vì vô tâm nên tôi mới biết sự ghẻ lạnh, tẩy chay của cả tập thể đối với B. muộn đến thế. Có lẽ, nỗi đau của sự cô đơn, cô độc mới là nỗi khổ lớn nhất của em. 

Tiết học hôm ấy, tôi đã không dạy kiến thức bài học mà kể cho cả lớp nghe một câu chuyện về loài Cáo. 

Chuyện kể rằng: “Trong khu rừng nọ có 10 gia đình nhà Cáo sống với nhau. Cáo thủ lĩnh nói với các gia đình: Con người rất ghét loài Cáo chúng ta vì hay đi ăn cắp gà của họ. 

Vì thế, họ gặp chúng ta thường săn đuổi, tìm và diệt một cách không thương tiếc. Để được sống bình yên với con người, chúng ta thề sẽ không ăn cắp gà của con người nữa.

Nhưng ít lâu sau, vì thèm gà quá, gia đình nhà Cáo nâu đã đi trộm gà và bị con người bắt nhốt. 

Lúc đó, hai chú Cáo con mới ra đời khát sữa, đói ăn nhưng bị những gia đình Cáo còn lại căm ghét. Họ đuổi xua, xa lánh hai chú Cáo con mới lọt lòng ít tháng.

Không có ai giúp đỡ lúc khó khăn, vừa đói rét, vừa buồn vì cha mẹ bị bắt, buồn vì bị đồng loại tẩy chay. Chỉ thời gian ngắn sau đó, hai chú Cáo con xinh xắn đã lìa đời trong cô đơn và đói khát”.

“Cha mẹ bạn ấy buôn ma túy đi tù, tụi con không chơi cùng đâu” ảnh 3

Người lớn phải học cách sống tử tế để con cái noi theo

(GDVN) - Muốn dạy con tốt, giáo dục con nên người, trước hết bố mẹ phải là người tốt, sống mẫu mực.

Mới nghe đến đây, nhiều bạn nữ đã sụt sùi đưa tay chấm mắt, nhiều tiếng xì xào nổi lên dưới lớp: “Tội hai chú Cáo con quá”! “Hai con Cáo con đâu có tội gì đâu?” “Sao loài Cáo ác vậy?”…

Để các em tự do tranh luận và bày tỏ cảm xúc, tôi mới nói tiếp: “Phần lớn các em đều đồng ý, hai chú Cáo con thật đáng thương, cha mẹ hai chú Cáo là người có tội đã bị bắt đi. 

Vậy mà loài Cáo không giúp đỡ, động viên chúng lúc khó khăn lại xua đuổi, tẩy chay nên mới xảy ra cái kết đau lòng như thế. 

Cũng giống như chuyện nhà bạn B. lớp mình. Bố mẹ bạn làm điều sai trái đã bị pháp luật trừng trị. Còn bạn B. có làm gì nên tội mà cả lớp mình không chơi với bạn? Các con thấy như thế có bất công với bạn không? Chúng ta đối xử như thế, có tội nghiệp cho bạn không?


Không khí lớp học trầm lắng hồi lâu, một vài bạn mạnh dạn lên tiếng: “Chúng con biết lỗi rồi cô, chúng con sẽ cho bạn chơi cùng và không xa lánh bạn nữa”.

Và những ngày sau đó, tôi để ý thấy B. cũng chơi đùa cùng các bạn, có hôm B. quên không mang viết đã có rất nhiều bạn trong lớp xung phong cho mượn. 

Tôi chợt nghĩ, ở lứa tuổi các em, lứa tuổi đang hình thành và phát triển nhân cách, sự giáo dục đúng đắn là vô cùng quan trọng và cần thiết.

T.P