Chấm dứt nạn diễn kịch trong giáo dục bằng cách nào?

22/12/2018 08:36
Phan Tuyết
(GDVN) - Bộ trưởng khẳng định phải chấm dứt "diễn" trong giáo dục, nhưng chấm dứt bằng cách nào mới là điều đáng nói. Chấm dứt bằng cách ra thông tư, văn bản ư?

LTS: Đưa ra quan điểm về việc chấm dứt vấn nạn "diễn" trong ngành giáo dục, nhà giáo Phan Tuyết tiếp tục có những chia sẻ về vấn nạn này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong buổi làm việc ngày 17/12 tại tỉnh Yên Bái, Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu:

“Tôi nghe rất nhiều về việc “diễn” trong các cuộc thi không thiết thực, gây phản cảm. Cá nhân tôi không đồng ý. Và tôi đang chỉ đạo các vụ, cục rà soát thật kĩ vấn đề này”, Bộ trưởng đã khẳng định chắc chắn như thế.

Chúng tôi chờ đợi điều này đã lâu, có điều không biết Bộ trưởng sẽ chấm dứt những việc “diễn” trong ngành mình bằng cách nào cho hiệu quả nhất? Trong khi có quá nhiều việc đang diễn ra công khai hàng ngày. 

Diễn trong thao giảng dự giờ

Dự giờ là công việc xảy ra thường xuyên trong nhiều trường học hiện nay.

Thôi thì đủ kiểu dự giờ, dự giờ cá nhân của Ban giám hiệu, dự giờ chuyên đề, dự giờ thanh tra, dự giờ đánh giá tay nghề…đến dự giờ cấp tổ, cấp trường, liên trường, cụm trường, dự giờ những tiết dạy tốt, dạy mẫu chào mừng ngày lễ gì đó, dự giờ đánh giá một phương pháp, một mô hình dạy học mới…

Tất cả những tiết dự giờ ấy giáo viên gần như đều “diễn”. Mức độ diễn nhiều hay ít còn phụ thuộc vào mục đích của tiết dự giờ.

Hình minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại.
Hình minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại.

Ví như dạy cho tổ dự giờ, thầy cô sẽ chuẩn bị khác, dạy cho thanh tra dự hoặc dạy liên trường, cụm trường…sự chuẩn bị sẽ kì công hơn nhiều.

Vì lúc đó, tiết dạy không chỉ phản ánh năng lực, kĩ năng sư phạm của một giáo viên mà đó chính là bộ mặt của toàn trường.

Thế nên các tiết dự giờ đã được giáo viên, thậm chí nhà trường chuẩn bị kĩ đến từng chân tơ kẽ tóc.

Có đồng nghiệp của tôi kể rằng, dạy một tiết tổng kết mô hình dạy học mới cho tỉnh dự, cả nhà trường phải vào cuộc chuẩn bị cho cô từ việc chỉnh sửa thiết kế đến góp ý tiết dạy. Dạy chưa ưng ý, cô phải dạy lại, dạy tới dạy lui đến vài ba lần mới xong.

Diễn trong các hội thi

Giáo dục hiện nay có quá nhiều hội thi như Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp (trường, huyện thị, tỉnh thành phố, quốc gia). Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên tổng phụ trách Đội giỏi. Hội thi sáng tạo trẻ thơ, khoa học kĩ thuật dành cho thanh thiếu niên, kể chuyện theo sách...

Cũng tùy vào cấp tổ chức để việc diễn sâu hay nông. Nếu là thi cấp trường đương nhiên mức diễn sẽ không bằng cấp huyện, cấp tỉnh…

Không ít giáo viên dị ứng với hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi bởi sự giả dối không còn từ nào để nói. Nội dung thi có phần kể lại những kỉ niệm sâu sắc của giáo viên trong thời gian đi dạy.

Chấm dứt nạn diễn kịch trong giáo dục bằng cách nào? ảnh 2Người dự, người dạy cứ tự nhiên, có phải tốt hơn không?

Nhiều thầy cô tâm sự thẳng, mình dạy gần 25 năm nhưng thật tình chưa có kỉ niệm nào đáng nhớ để kể trong hội thi. Có giáo viên mới dạy dăm năm cũng chưa có nhiều kỉ niệm.

Có thầy cô nói rằng, kỉ niệm mình có nhiều nhưng đi thi phải kể được kỉ niệm hay, độc đáo, có tình tiết mới lấy được cảm tình của giám khảo.

Thế nên cách mà nhiều thầy cô chọn nhất là lên mạng kiếm tìm và tải về kỉ niệm của người khác gọt giũa, chỉnh chang lại chút làm kỉ niệm của riêng mình.

Đã có trường hợp “hai tư tưởng gặp nhau” nên kỉ niệm của thí sinh này lại y chang kỉ niệm của thí sinh khác làm người nghe được một phen cười nghiêng ngả, nhưng nghĩ lại mà thấy buồn.

Một hội thi sáng tạo khoa học dành cho thanh thiếu niên được nhiều trường tổ chức hoành tráng như thế nhưng cũng nhuốm màu “diễn” khá khôi hài.

Sản phẩm mang tên của học sinh, lời thuyết trình cũng do các em đọc nhưng chỉ thầy cô trong nghề là hiểu rõ học sinh chỉ là vật thế thân. Tất ý tưởng, sản phẩm đến lời thuyết trình đều là của thầy cô giáo.

Nhân vật đóng thế được vinh danh, tung hô (khi sản phẩm đạt giải) nhưng chính chúng đang “diễn” vì thầy cô của chúng bắt phải làm thế.

Đã có phóng viên tố rằng khi liên lạc với tác giả đạt giải trong hội thi sáng tạo thanh thiếu niên để phỏng vấn, có em ớ người ra rằng vì mình chẳng biết gì chuyện ấy.

Hay như hội thi kể chuyện theo sách vẫn thường được các trường tổ chức. Theo quy định, cán bộ thư viện sẽ đưa chủ đề cho học sinh tự tìm đọc sách ở thư viện rồi viết cảm nhận của mình về những cuốn sách hay truyện ấy.

Chấm dứt nạn diễn kịch trong giáo dục bằng cách nào? ảnh 3Đỉnh cao của “dạy diễn” là tiết học nào?

Đại diện các lớp sẽ lên thuyết trình về những cuốn sách mình đã đọc trong tháng trước toàn trường…Ban giám khảo sẽ chấm và trao giải.

Nhìn là thế nhưng hoàn toàn giáo viên làm tất thảy mọi việc.

Giáo viên viết lời thuyết trình và cho một học sinh đọc. Đọc vanh vách thế nhưng đôi khi các em chưa hề cầm cuốn sách ấy lần nào.  

Chấm dứt diễn trong giáo dục bằng cách nào?

Bộ trưởng khẳng định phải chấm dứt diễn trong giáo dục, nhưng chấm dứt bằng cách nào mới là điều đáng nói. Chấm dứt bằng cách ra thông tư, văn bản ư?

Những thứ này ngành giáo dục của chúng ta đã có quá nhiều, nhưng tình hình vẫn chẳng có gì thay đổi. Rồi thông tư nọ lại đá thông tư kia chẳng biết nào mà lần.

Chẳng có cách nào hiệu quả hơn bằng việc tất cả mọi người phải thay đổi như lời Bộ Trưởng Nhạ:

Để giáo viên thay đổi thì hiệu trưởng phải thay đổi, cán bộ quản lý giáo dục phòng, sở phải thay đổi, tôi và những người làm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần phải thay đổi”.

Giáo viên chúng tôi lại cho rằng, nơi cần thay đổi đầu tiên chính là Bộ Giáo dục. Khi đầu tàu vận hành tốt và chạy đúng hướng thì những toa đằng sau cũng sẽ không bao giờ trật bánh.

Phan Tuyết