"Chỉ mong dịp hè con kiếm được 3 -5 triệu đỡ bố mẹ tiền học!"

26/07/2011 04:41
(GDVN) - Chưa kết thúc năm học, lại đang là thời gian cấp thiết cho đợt thi cuối kì nhưng nhiều SV đã vạch kế hoạch bám trụ Hà Nội kiếm tiền cho năm học mới.

(GDVN) - "Việc làm thêm thì nhiều không kể hết, nhưng để có được một chân làm chính thức với việc theo ngành học thì không phải dễ, thậm chí phải lên kế hoạch sớm ngay từ khi năm học chưa kết thúc. Những công việc theo đúng ngành học đem lại nhiều kĩ năng thực tế, thiết thực hơn nhiều so với những "mọt sách" ở trường" - Đạt tâm sự.

 Đi vẽ thuê cho xưởng gốm

Vũ Mạnh Đạt, sinh viên năm 4 khoa Mỹ thuật cơ sở, ĐH Kiến trúc Hà Nội nhận công việc vẽ thuê cho các chủ xưởng lò gốm trong mùa hè này. "Thi kết thúc môn là em sang Bát Tràng ngay, vì thời gian làm cả ngày nên dự định ở cùng nhà chủ, tiền công có thể giảm đi chút nhưng mình đỡ phải đi lại nhiều. Bình thường họ trả cả ngày là 140.000đ nhưng ăn ở tại chỗ chỉ được 100.000đ thôi".

Hè này Đạt không về quê để giúp mẹ việc nhà mà vẫn bám trụ Hà Nội đi vẽ thuê kiếm tiền cho năm học tới.

Đối với Vũ Mạnh Đạt, những dịp hè là thời gian tất bật nhất trong năm, thậm chí, còn ngốn thời gian hơn cho cả việc học hằng ngày. Đã 2 mùa hè trôi qua, năm nào Đạt cũng bám trụ nơi phồn hoa để tìm công việc nào đó, một phần thêm kinh nghiệm sống, thứ nữa lấy tiền trang trải cho năm học mới.

Nhà Đạt ở huyện Gia Viễn, Ninh Bình, quanh năm làm ruộng, nhưng núi đá nhiều, khô cằn nên cây cối heo hắt kéo theo cuộc sống người dân cũng khó khăn hơn, bố  mẹ Đạt cũng phải đi làm thuê, nên việc có chút tiền đỡ đần cha mẹ trong năm học mới, nhất là năm cuối, mọi chi phí đều tăng là điều nên làm.

DỊp hè, sinh viên làm thêm ngày một nhiều. Ảnh Xuân Trung
Dịp hè, sinh viên làm thêm ở Bát Tràng ngày một nhiều. Ảnh Xuân Trung

Đạt chia sẻ với chúng tôi, công việc này em giành được là do đã có thời gian tao chữ tín, dựng quan hệ với các nghệ nhân nơi đây. Đối với những nghệ nhân làng gốm Bát Tràng, họ rất khó tính, chỉ cần sơ suất chút mà sản phẩm của họ không đạt là mình bị đuổi việc ngay. Cũng có khi chắc chân rồi mà vẫn bị đi chỗ khác làm vì họ thuê được thợ lành nghề hơn.

"Hè năm trước em phải chạy tới 3 chủ mới được công việc dịp hè, nhưng làm được 15 hôm thì họ bảo hết việc rồi, thực ra họ không muốn mình làm nữa vì tay nghề còn non. Năm nay, em đã có thời gian làm lâu hơn, kinh nghiệm hơn nên hè này làm có khi không hết việc ở 1 cơ sở gốm sứ mỹ thuật  thủ công.

Dự định của Đạt sẽ làm khoảng hơn 1 tháng lấy tiền cho năm học mới, trừ hết chi phí Đạt nhẩm tính cũng bỏ ra được từ 3 đến 3,5 triệu. Như vậy, cũng đỡ được một khoản cho bố mẹ vào đầu năm học. Với số tiền đó, như sinh viên cũng cầm chừng được 1 tháng bao gồm mọi sinh hoạt.

Đóng vai "Thỏ láu"

Khác với Đạt, Nguyễn Khắc Huy, năm 3 Đại Học Sân Khấu điện ảnh Hà Nội có ngoại hình khá chuẩn, cứ cuối tuần là lên kế hoạch đi đóng các nhân vật game show truyền hình. Đã hơn 1 tháng nay, Huy làm thêm tại hãng truyền thông Việt Ba, nơi tổ chức và làm kịch bản chương trình "Chúc bé ngủ ngon".

Công việc của Huy là hóa thân vào nhân vật Thỏ láu, cùng các em thiếu nhi xây dựng chương trình "Chúc bé ngủ ngon" mỗi tối trên VTV3. Để có được chân làm công việc này, Huy nhờ một người bạn cùng lớp có chị gái làm truyền thông ở đó xin hộ. Huy cho biết, dịp hè này không về quê như  mọi năm nữa mà ở lại làm thêm, cũng là có cơ hội thử sức mình và tiền thù lao không phải nhỏ, mỗi 1 giờ làm việc Huy được trả từ 100.000đ đến 150.000đ.

Việc khó khắn nhất là chịu nóng khi mặc trang phục của chú Thỏ láu. "Dịp hè này, Việt Ba có kế hoạch diễn tại một số trường tiểu học, nên khi nhận được thông báo em xin một chân trong đó luôn, mặc dù biết ở lại Hà Nội sinh hoạt trong tháng hè là khá khó khăn. Tuy nhiên, mình được nhiều hơn là mất" - Huy khẳng  định.

Đối với những sinh viên năm 3, năm 4 thì có khi những nơi làm thêm như thế sẽ tạo điều kiện để sinh viên ra trường thêm kinh nghiệm, thậm chí nhiều sinh viên được nhận luôn tại nơi làm thêm sau khi tốt nghiệp.

Đối với công việc của Huy, từ khi nhận kịch bản tới lúc diễn là một quá trình nhớ và học thuộc lòng. Sợ nhất là lúc mặc trang phục để diễn.

Chịu nóng, sinh viên làm thêm để có tiền. Ảnh Xuân Trung
Chịu nóng, sinh viên làm thêm để có tiền. Ảnh Xuân Trung
Đáng nhớ nhất là dịp đi phát quà cho các em nhỏ tại các trường tiểu học dịp 1/6 ở Hà Nội, trời thì nắng mà cứ diễn bộ đồ dầy cộm suốt từ sáng tới trưa, trong người ướt  sũng mồ hôi mà không dám kêu. Vào lúc phát quà mà đúng giờ các em ra chơi thì đủ mệt, không dưới 50 em bủa vây xin chữ kí "Thỏ láu" bằng được, muốn thoát cũng không có cách nào, chỉ còn cách là kí hết bấy nhiêu.

Có lần, đông quá không ra nổi bị các em chen lấn, xô đẩy tuột mất đôi dép da mới mua lúc nào không hay: "Những lần làm thêm như thế khiến em trưởng thành nhiều hơn, vui hơn. Có khi tiền công không lại với một thứ gì đó mình mất, em mất nhiều thứ lắm, đồ đạc để một nơi để diễn, diễn xong quay ra thấy không còn đồ nữa, nhưng mình được nhiều thứ lớn hơn về tinh thần và sự trải nghiệm bản thân" Huy hãnh diện cho biết.

Việc làm thêm của sinh viên muôn hình muôn vẻ, nhiều bạn khó khăn miễn làm gì có tiền là làm, bất chấp nặng nhọc thức khuya dậy sớm để đạt được mục đích. Vũ Trường Sơn, quê ở Lào Cai hiện đang học năm 2 trường CĐ Nghề Công nghiệp Hà Nội  không quên cảnh làm từ 12 h đêm đến 5 giờ sáng. Hè này, Sơn tiếp tục bám trụ ở Hà Nội vì nhà xa, dự định của Sơn vẫn làm bảo vệ cho một cửa hàng nhậu ở phố Đông Tác.

Theo thỏa thuận, Sơn làm từ 12 giờ đêm tới 5 giờ sáng, khi các lái buôn nhỏ vào lấy hàng đi bán buổi sáng, lúc đó mới được về nhà, mỗi đêm như thế được trả 80.000đ tiền công.

Việc làm bán thời gian trong ngày hè không thiếu, tuy nhiên tìm được công việc phù hợp là điều nhiều sinh viên bám trụ Hà Nội băn khoăn, không chỉ giúp cho năng lực, kinh nghiệm của mình được trau dồi mà còn thỏa mãn sở thích của bản thân.

Xuân Trung

Kỳ 1: "Ước gì, con được về quê nghỉ hè như bạn bè!"
Kỳ 2: Nghỉ hè, SV ở lại phố để... ngủ nướng, rượu chè, gái gú
Kỳ 3: Sinh viên nghỉ hè đi làm “phi công trẻ”
Kỳ 4: Nữ sinh đi bán thuốc lá: Phải xinh, bản lĩnh và biết... lả lướt!
Ky 5: Sinh viên ngành Tâm lý đi dạy trẻ tự kỷ