Chọn tác phẩm văn học khó như mời khách dự đám cưới

26/03/2018 07:05
Thùy Linh
(GDVN) - "Theo tôi, các tác phẩm càng lớn, càng dễ đi qua cổng trường để đến với học sinh. Vì vậy, cần tăng phần bắt buộc lên, không quá ít ỏi như hiện nay".

Vào ngày 19/1/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông trong đó có môn Ngữ văn để xin ý kiến toàn xã hội trong 2 tháng.

Theo kế hoạch, sau khi tiếp thu ý kiến các cấp, ngành, các nhà giáo, giới chuyên môn và toàn xã hội, chương trình sẽ được điều chỉnh, hoàn thiện và ban hành để chuẩn bị cho việc thay sách giáo khoa dự kiến bắt đầu từ năm 2019.

Theo dự thảo chương trình môn học mới, môn ngữ văn trung học phổ thông dự kiến chỉ còn 6 tác phẩm bắt buộc gồm: Bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần giuộc và Tuyên ngôn độc lập.

Đóng góp ý kiến cho môn Ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới về việc tăng các tác phẩm bắt buộc và giảm tác phẩm tự chọn, đồng thời tác phẩm tự chọn cần được ban soạn thảo tìm và đưa ra, Phó giáo sư Lê Quang Hưng - Trường Đại học sư phạm Hà Nội cho rằng, việc lựa chọn các tác phẩm để đưa vào giảng dạy khó như khách mời đám cưới.

Tuy nhiên, cần có quy định về phần “cứng” và phần “mềm”, trong đó quy định cụ thể chẳng hạn các em phải đạt trình độ gì đó ở khoảng bao nhiêu tiết, khoảng bao nhiêu tiết còn lại sẽ lựa chọn trong số các tác phẩm nào. Như thế theo vị giáo sư này, sẽ hợp lý hơn.

Chọn tác phẩm văn học khó như khách mời đám cưới (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)
Chọn tác phẩm văn học khó như khách mời đám cưới (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Còn theo Giáo sư Lã Nhâm Thìn - Trường Đại học sư phạm Hà Nội nhận định, năng lực thẩm mỹ gắn với văn chương, nên việc lựa chọn văn bản nào để dạy là rất quan trọng.

“Hiện tác phẩm bắt buộc đang quá ít trong khi văn bản tự chọn lại quá nhiều. Do đó, giáo viên có thể chọn các tác phẩm “làng nhàng” mà bỏ qua các tác phẩm kinh điển, quan trọng.

Theo tôi, các tác phẩm càng lớn, càng dễ đi qua cổng trường để đến với học sinh. Vì vậy, cần tăng phần bắt buộc lên, không quá ít ỏi như hiện nay”, ông Thìn cho hay.

Chọn tác phẩm văn học khó như mời khách dự đám cưới ảnh 2Nhà thơ Trần Đăng Khoa muốn có thêm tác phẩm về biển đảo trong môn văn mới

Trong khi đó, theo Phó giáo sư Nguyễn Bá Thành – Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nêu ý kiến: Nếu chỉ chọn 6 tác phẩm là bắt buộc học, còn lại là tự chọn thì sẽ tạo nguy cơ loạn về sách giáo khoa.

Mỗi trường, mỗi địa phương sẽ lựa chọn và biên soạn theo cách của mình. Các kỳ thi quốc gia về môn Ngữ văn sẽ khó đạt được sự thống nhất về định hướng đề thi.

Là người có nhiều năm nghiên cứu về văn học thiểu số, Phó giáo sư Trần Việt Trung, Đại học Thái Nguyên đề nghị:

“Dự thảo chương trình Ngữ văn mới hiện không có bóng dáng của các tác giả là người dân tộc thiểu số. Cần bổ sung một số tác phẩm văn học thiểu số ưu tú từ văn học dân gian đến hiện đại để đảm bảo sự cân đối giữa các dân tộc, vùng miền”.

Liên quan đến việc quy định 6 tác phẩm bắt buộc, Phó giáo sư Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn cho rằng, nếu chương trình chỉ học mỗi 6 tác phẩm này thì đúng đây là một điểm cần băn khoăn.

Nhưng như đã nói với hơn 4.000 giờ Ngữ văn, giáo viên sẽ phải giới thiệu thêm rất nhiều văn bản, gấp rất nhiều lần 6 tác phẩm này, vì thế sẽ có nhiều tác giả, tác phẩm lớn, có giá trị khác các em sẽ được học trong chương trình...

Thùy Linh