Chọn trường đại học: 7 lời khuyên dành cho phụ huynh

06/06/2015 06:58
Phạm Hiệp
(GDVN) - Chưa bao giờ học sinh cấp ba Việt Nam lại có nhiều lựa chọn cho việc học đại học đến vậy. Không kể trường công lập, thí sinh vẫn còn nhiều sự lựa chọn khác.

Lựa chọn này bao gồm hơn 50 trường ngoài công lập, 2 trường quốc tế, 2 trường đại học xuất sắc và hàng trăm chương trình liên kết quốc tế. 

LTS: Quy định tuyển sinh đại học mới áp dụng trong năm 2015 cho phép phụ huynh và học sinh có nhiều thời gian chọn lựa chương trình đại học.

Tuy vậy, nhiều khi phụ huynh và học sinh không biết đánh giá chất lượng đào tạo và dịch vụ của trường như thế nào. 

Bài viết của Nghiên cứu sinh Phạm Hiệp từ ĐH Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan về giáo dục đại học dưới đây đưa ra một số gợi ý giúp đánh giá chính xác hơn về mức độ phù hợp, về chất lượng đào tạo và phục vụ, cũng như sự hợp lý của học phí dành cho chương trình đào tạo/trường đại học mà phụ huynh và học sinh đang có ý định đăng ký. 

Vấn đề đầu tiên cần quan tâm là mục tiêu đào tạo của trường/chương trình phụ huynh đang quan tâm có phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của con mình hay không?

Tình huống thường gặp là phụ huynh và con chưa xác định được mục tiêu nghề nghiệp của mình, bởi ở độ tuổi 18-19, không phải ai cũng có may mắn để biết chắc chắn mình muốn làm nghề gì trong tương lai và không phải phụ huynh nào cũng định hướng đúng được nghề nghiệp cho con mình ngay. 

Trong trường hợp đó, nên chọn các ngành có mục tiêu đào tạo chung chung để dễ chuyển sang một ngành tương tự hoặc chuyên sâu sau này. 

Ví dụ nếu con bạn có thiên hướng về khoa học tự nhiên nhưng chưa xác định được cụ thể là ngành nào, có thể chọn ngành hoá học, bởi từ hoá học có thể chuyển sang các ngành lân cận trong tương lại một cách dễ dàng thông qua các chuyên ngành hoá – sinh, hoá – lý hay hoá – môi trường. 

Ví dụ khác, con bạn có thiên hướng về kinh doanh, vậy bạn có thể chọn cho con ngành quản trị kinh doanh, bởi từ ngành này, có thể đi vào ngành chuyên sâu như marketing, quản lý nhân sự, phân tích tài chính, quản lý chất lượng hay quản lý hệ thống thông tin trong tương lai. 

Sau khi đã xem xét sự phù hợp của mục tiêu đào tạo với mục tiêu cá nhân, vấn đề tiếp theo cần quan tâm là hãy xem chương trình bạn định theo học đã được hoặc đang áp dụng hệ thống đánh giá/xếp hạng/kiểm định nào? Đánh giá/xếp hạng/kiểm định chất lượng bởi một tổ chức quốc tế uy tính có thể được xem là “tem phiếu” đảm bảo chất lượng của tất cả trường đại học/chương trình đào tạo. 

Tất nhiên việc được một tổ chức quốc tế công nhận kiểm định chất lượng là điều không phải dễ dàng với các đại học ở Việt Nam ở thời điểm hiện nay; tuy vậy, kể cả trong trường hợp một trường/chương trình đại học chưa được đánh giá/xếp hạng/kiểm định chính thức nhưng đã bắt đầu nghĩ đến chuyện áp dụng một chuẩn quốc tế, điều đó cũng phần nào thể hiện quyết tâm và tầm nhìn của lãnh đạo trường/chương trình đó trong việc hướng tới chất lượng thực sự. 

Ảnh minh họa. Nguồn VOV
Ảnh minh họa. Nguồn VOV

Tin mừng là, khoảng 5 năm trở lại đây, các trường đại học Việt Nam có tư tưởng tiến bộ trong giáo dục đã mạnh dạn đi theo các chuẩn quốc tế. Có thể kể đến như chuẩn AUN đã được cấp cho 1 số chương trình tại ĐHQG, chuẩn ABET đang được ĐHQT TpHCM và Trường Đại học Duy Tân áp dụng hay Đánh giá chuẩn 3 sao đã được QS cấp cho Trường ĐH FPT và Trường ĐH Tôn Đức Thắng.  

Ngoài ra, bạn có thể đánh giá trường/chương trình đại học thông qua bộ chỉ số về kết quả đào tạo và kết quả đầu ra của sinh viên sau tốt nghiệp như tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn, tỷ lệ sinh viên, điểm trung bình GPA của sinh viên, tỷ lệ sinh viên có việc làm (và có việc làm đúng chuyên ngành) 12 tháng sau khi tốt nghiệp; mức thu nhập trung bình của sinh viên sau tốt nghiệp... 

Đây là những chỉ số thông dụng và tất cả các trường/chương trình đại học nào thực sự quan tâm đến chất lượng, quan tâm đến quyền lợi sinh viên đều chú trọng để làm thống kế đầy đủ. Việc một trường/chương trình đại học đạt kết quả cao đối với các chỉ số nào phần nào phản ánh chất lượng của trường/chương trình đại học đó. 

Hình 1. Mức thu nhập trung bình của sinh viên sau một năm tốt nghiệp (khóa 2013) tại Trường Đại học Indiana tại Pennsylvania. Kết quả này cho thấy mức thu nhập theo năm của sinh viên trường này là 43,260 USD, thấp hơn đôi chút so với mức trung bình của toàn nước Mỹ trong năm đó (45,237 USD). Nguồn: website của Đại học Indiana
Hình 1. Mức thu nhập trung bình của sinh viên sau một năm tốt nghiệp (khóa 2013) tại Trường Đại học Indiana tại Pennsylvania. Kết quả này cho thấy mức thu nhập theo năm của sinh viên trường này là 43,260 USD, thấp hơn đôi chút so với mức trung bình của toàn nước Mỹ trong năm đó (45,237 USD). Nguồn: website của Đại học Indiana

Một vấn đề rất quan trọng cần quan tâm là đội ngũ giảng viên. Ngoài các chỉ số thông thường như số lượng, trình độ chuyên môn của giảng viên, tỷ lệ sinh viên/giảng viên, cũng cần xem xét đến phương pháp giảng dạy. 

Mỗi một sinh viên, một ngành học lại có những đặc điểm riêng. Nhưng sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông trong những năm gần đây đã cho phép các nhà sư phạm sáng tạo ra nhiều cách học tiên tiến giúp việc học trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn. Đặc biệt cách học truyền thống thầy giảng - trò chép cần được thay thế bởi các phương pháp mới hiện đại. 

Yếu tố vô cùng quan trọng nhưng đang không được quan tâm đúng mức ở phần lớn các trường đại học Việt Nam là chất lượng phục vụ của hệ thống hỗ trợ và đội ngũ hành chính/quản lý. Trong 4 năm đại học, sinh viên không chỉ học trên lớp mà còn sống, sinh hoạt và giao lưu trong cùng bạn bè trong khuôn viên trường. 

(GDVN) - Đại học Quốc gia Hà Nội đứng đầu danh sách các đại học trong top 20 tổ chức của Việt Nam có nhiều công bố quốc tế nhất.

Vì vậy, không phải tự nhiên nhiều tiêu chí đánh giá/kiểm định trường như của QS Star và một số kiểm định trường khác lại đưa ra các chỉ số rất cụ thể như số lượng câu lạc bộ, số lượng các triển lãm, hoạt động văn hoá được tổ chức, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc chơi thể thao của sinh viên như sân đá bóng, bóng rổ, bể bơi...

Bên cạnh đó, thực tiễn quản trị đại học tiên tiến cũng cho thấy, chất lượng đào tạo ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào chất lượng dịch vụ/phục vụ trong nhà trường. 

Ví dụ, sinh viên sẽ không thể học tốt nếu thiếu đi hệ thống thư viện, nhất là thư viện điện từ  hiện đại, hay tỷ lệ sinh viên có việc làm sẽ không thể cao ngay cả khi sinh viên học rất tốt, nếu như nhà trường không chú tâm đến các chương trình giới thiệu việc làm cho sinh viên. 

Một yếu tố luôn đóng vai trò quyết định trong việc lựa chọn học một trường/chương trình đại học là vấn đề học phí. Ngoài các trường công có mức học phí tương đối “dễ chịu” vì được trợ giá/đầu tư của Chính phủ, các chương trình liên kết quốc tế hoặc một số trường tư ở nước ta hiện nay không hề rẻ. 

Chúng ta cũng biết quy luật tất yếu trong nền kinh tế thị trường, trong đó có cả giáo dục đại học là “tiền nào-của nấy”, nhưng làm sao để biết được mức học phí ta đang trả là tương xứng với chất lượng mà ta đạt được? Hay nói cách khác, ta sẵn sàng trả học phí cao, nhưng làm sao để biết được ta không bị trả học phí cao quá hơn chất lượng đào tạo của trường/chương trình ta đang theo học? 

Thứ nhất, hãy kiểm tra sĩ số sinh viên của trường/chương trình đại học mà bạn đang xem xét trong một vài năm trở lại; nếu con số này tăng đều hoặc ổn định thì đây là tín hiệu tốt cho thấy đây là trường/chương trình “đáng đồng tiền – bát gạo”.

Nếu mức học phí của trường/chương trình đại học đó đắt quá mức, trong thời gian đủ dài, người học sẽ nhận ra vấn đề và chắc chắn trường/chương trình đại học đó sẽ không giữ hoặc tuyển được nhiều sinh viên. 

Thứ hai, so sánh mức độ biến động học phí của trường/chương trình đại học đó với mức độ biến đổi của chỉ số tiêu dùng CPI (tỷ lệ lạm phát) sẽ cho chúng ta câu trả lời. 

Hình 2: So sánh mức tăng học phí đại học và lạm phát tại Mỹ giai đoạn 1985-2011: (Nguồn: New York Times)

Hình 2: So sánh mức tăng học phí đại học và lạm phát tại Mỹ giai đoạn 1985-2011:  (Nguồn: New York Times) 

Mức học phí ĐH trung bình (đường màu tím) ở nước này tăng nhanh hơn rất nhiều so với các mặt hàng/sản phẩm khác như dịch vụ y tế (đường màu đỏ), gas (đường màu xanh lá) hay tỷ lệ lạm phát (đường màu xanh dương).

Điều này cho thấy dường như trong khoảng 30 năm qua, học phí đại học tại Mỹ đang bị đẩy lên cao quá mức so với các mặt hàng/sản phẩm khác và dường như sinh viên tại Mỹ ngày nay đang bị thiệt thòi nhiều hơn thế hệ đi trước.

Vấn đề cuối cùng, trong tất cả các bước đánh giá kể trên, các phụ huynh cần nhớ rằng trao đổi, thảo luận và thống nhất với con là vô cùng quan trọng.

Việc học và áp dụng kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm trong quá trình học vào công việc sau này như thế nào là việc của các con chứ không phải của phụ huynh. Vì vậy người ra quyết định cuối cùng phải là con bạn. Nhiệm vụ của bạn là hãy lắng nghe, tư vấn và hỗ trợ con trong việc ra quyết định chọn trường. 

Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hoan nghênh quý độc giả, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các nhà quản lý-chuyên gia giáo dục...viết bài cộng tác cùng Tòa soạn. 

Đặc biệt là các bài viết phản ánh, phản biện chính sách giáo dục (chuyện thi cử, tuyển sinh; sách giáo khoa-chương trình; chuyện trên lớp trên trường; mối quan hệ nhà trường-học sinh-phụ huynh...); những tấm gương tốt; những hạn chế cần khắc phục trong công tác giáo dục từ mầm non trở đi. 

Tất cả các bài viết đều được chi trả nhuận bút thỏa đáng, kịp thời và đảm bảo tác quyền. Trong trường hợp tế nhị, tác giả có thể sử dụng bút danh, Tòa soạn cam kết giữ bí mật thông tin tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Bài viết xin gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn hoặc gọi số 0938766888 để biết thêm chi tiết.

Tòa soạn trân trọng cảm ơn!
Phạm Hiệp