Chưa thống nhất được phương án, ngày thi Quốc gia năm 2016

17/12/2015 07:16
Phương Thảo
(GDVN) - Trong Hội nghị trực tuyến 63 Sở GD&ĐT để xin ý kiến về công tác thi THPT Quốc gia năm 2016, mọi vấn đề chưa được thống nhất.

Tại hội nghị, Bộ GD&ĐT cũng phát phiếu lấy ý kiến của các Sở GD&ĐT về các nội dung như phương án 2 cụm thi hay 1 cụm thi do trường đại học chủ trì ở mỗi tỉnh. Phương án lịch thi, chế độ cộng điểm ưu tiên, ngày thi…

Trong thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ lấy ý kiến góp ý từ các cơ sở và dư luận xã hội về phương án tổ chức thi. Dự kiến, trước Tết nguyên đán Bộ sẽ công bố phương án thi.

Trở lại buổi trực tuyến, đã có nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia 2015 được tổ chức thành công, kết quả khách quan và tin cậy. Các trường đề nghị bộ tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016. 

Ảnh minh họa của Xuân Trung
Ảnh minh họa của Xuân Trung

Nhưng bên cạnh đó cũng có những ý kiến đề nghị Bộ cần phải thay đổi khâu tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016. Đặc biệt là phương án thi, phần mềm hỗ trợ thi…

Đối với ngày thi, các đại biểu cho biết nên tổ chức trong 4 ngày như năm 2015 trong khi một số khác đề nghị rút xuống trong 3 ngày, thậm chí chỉ có 2 ngày. 

Vấn đề cộng điểm ưu tiên trong khâu xét tuyển kết quả tốt nghiệp và tuyển sinh cũng được các địa phương nêu lên. Theo đó, với mức phân loại trong đề thi THPT quốc gia 2015 không cao, trong khi thí sinh có điểm ưu tiên cao nhất lên đến 3,5 điểm, là quá thiệt thòi cho thí sinh không có ưu tiên. 

Về tổ chức cụm thi, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT nên tiếp tục tổ chức cụm thi tỉnh cho thí sinh chỉ thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT như năm 2015. 

Chỉ cần điều chỉnh cho thí sinh ở vùng giáp ranh giữa các cụm thi lựa chọn. Các tỉnh có điều kiện khó khăn, có thể đặt các điểm thi, kể cả các điểm thi do các trường đại học chủ trì.

Lãnh đạo của một Sở Giáo dục cho rằng, những nơi có điều kiện không khó khăn như vùng núi Tây bắc, Tây nguyên, vùng sâu vùng xa chỉ nên có một loại cụm thi do đại học chủ trì để đỡ tốn kém.

Đối với vùng sâu vùng xa, vị này cho rằng nên có cụm thi tỉnh để các em dự thi thuận lợi. 

Riêng hai tỉnh Hòa Bình và Kiên Giang đề xuất tổ chức cụm thi (do trường đại học chủ trì) tại địa phương. 

Liên quan tới đề thi, các ý kiến bày tỏ nên chăng bỏ phần thi tự chọn trong đề thi ngoại ngữ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, tất cả các ý kiến đều thống nhất tổ chức thi như năm trước như duy trì 2 loại cụm thi: do trường đại học chủ trì và cụm do Sở GD&ĐT chủ trì. 

Đối với đề xuất tổ chức thêm cụm thi do trường đại học chủ trì ở hai tỉnh Hòa Bình và Kiên Giang, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét thêm.

Phương Thảo