Chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đang làm khổ giáo viên

12/08/2020 06:47
Vũ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo ông Nguyễn Viết Chức, ngành giáo dục yêu cầu vượt quá khả năng của giáo viên nên họ phải đối phó bằng cách sắm chứng chỉ thật, nhưng kiến thức rởm.

Những lời mời chào hấp dẫn thi chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thi công chức, viên chức cam kết đỗ 100% được mời chào nhan nhản trên mạng xã hội.

Mức chi phí bao gồm phí bao đỗ, ôn thi, cấp chứng chỉ đối với chứng chỉ tin học dao động từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng.

Trong khi đó, chứng chỉ ngoại ngữ theo khung 6 bậc có mức chi phí cao hơn, khoảng 2,5 triệu đồng. Chi phí này đã bao gồm lệ phí ôn thi, thi và bao đỗ.

Còn tại địa phương lại mở lớp theo kiểu trăm hoa đua nở, mỗi nơi có một mức giá khác nhau tùy thuộc vào đơn vị liên kết.

Việc mở các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu hiện nay cho giáo viên ở các trường mầm non và phổ thông rất lớn vì yêu cầu giáo viên thi nâng, giữ hạng phải có 2 loại chứng chỉ này.

Các thông báo chiêu sinh có thể được gửi về trường, về phòng giáo dục, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên của tỉnh, huyện…

Nhiều giáo viên chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam kêu trời về việc phải bỏ ra thời gian, tiền bạc để thi lấy chứng chỉ tiếng Anh, tin học theo chuẩn.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một giáo viên tiểu học tại huyện Gia Lâm cho biết: “Đối với giáo viên có nhu cầu thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì phải có chứng chỉ tin học và ngoại ngữ.

Tôi không phải là giáo viên ngoại ngữ nên việc thi lấy chứng chỉ là điều vô cùng khó và không thể.

Còn chứng chỉ tin học thì có thể thi được vì chỉ kiểm tra phần ứng dụng cơ bản”.

Giáo viên này cũng thẳng thắn cho biết: “Nói chính xác hơn là ghi danh để có chứng chỉ ngoại ngữ, còn thi thực chất thì rất khó khăn và gần như không thể. Chứng chỉ tiếng Anh 2,5 triệu đồng, tin học 800 ngàn đồng.

Tiền này giáo viên phải bỏ tiền túi ra, nhà trường, các cấp đâu có hỗ trợ. Giáo viên nào muốn thăng hạng thì phải sắm cho đủ thôi. Bằng, chứng chỉ thật, nhưng kiến thức đâu có”.

Ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thiếu thực chất đang làm mất thời gian, tiền bạc của giáo viên. Ảnh: VOV

Ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thiếu thực chất đang làm mất thời gian, tiền bạc của giáo viên. Ảnh: VOV

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thẳng thắn cho rằng:

“Ai cũng muốn không chỉ thầy cô giáo biết ngoại ngữ, toàn dân biết ngoại ngữ thì quá tốt.

Yêu cầu giáo viên nào cũng phải biết ngoại ngữ là điều không tưởng.

Giáo viên nào dạy ngoại ngữ thì cần thiết phải nâng cao, còn giáo viên dạy các môn như Toán, Văn… thì chỉ nên khuyến khích còn không nên bắt buộc phải có chứng chỉ nọ, chứng chỉ kia.

Giáo viên đó chỉ cần làm tốt chuyên môn và khuyến khích biết thêm ngoại ngữ chứ không nên bắt buộc”.

“Người quản lý giỏi phải là đưa ra yêu cầu khi xã hội đáp ứng tốt, sản phẩm xuất sắc, có ích cho xã hội. Chứ không phải đối phó rồi đưa ra sản phẩm tệ. Như vậy cần phải xem xét lại”, ông Nguyễn Viết Chức nói.

Ông Nguyễn Viết Chức phân tích: “Nếu như yêu cầu của nhà quản lý vượt quá khả năng thật của giáo viên thì sẽ dẫn đến tình trạng đối phó.

Lúc đó sẽ nảy sinh ra một thứ hàng giả tức chứng chỉ thật nhưng kiến thức giả. Về chứng chỉ ngoại ngữ chẳng hạn, giáo viên họ không có khăng thi thì họ phải tìm đến những nơi cấp chứng chỉ dễ, thẩm chí chứng chỉ rởm.

Thực tế không ít người có chứng chỉ nọ, chứng chỉ kia, bằng A, bằng B ngoại ngữ, nhưng có thực chất đâu, nói một vài câu ngoại ngữ còn khó.

Có người còn làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài về nước một thời gian còn quên luôn ngoại ngữ, chỉ những trường hợp học thật sự sau nhiều năm vẫn sử dụng được.

Nói như vậy để thấy vấn đề chứng chỉ, bằng cấp ngoại ngữ hiện nay nhiều người có nhưng không thực chất”.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng: “Kể cả trong trường hợp giáo viên có học ngoại ngữ chăm chỉ, thực chất để lấy bằng B, bằng C, chứng chỉ… nhưng không dùng đến một thời gian sẽ rất dễ quên.

Bởi vậy nói gì đến giáo viên dạy các môn Toán, Văn, Lịch sử…đặc biệt giáo viên ở những địa phương vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa hàng năm không dùng gì đến ngoại ngữ mà yêu cầu họ phải có ngoại ngữ là khó khả thi”.

Nhiều giáo viên kêu trời vì phải chạy chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để thi thăng hạng. Ảnh minh họa/TTXVN.

Nhiều giáo viên kêu trời vì phải chạy chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để thi thăng hạng. Ảnh minh họa/TTXVN.

Cũng theo ông Nguyễn Viết Chức, việc yêu cầu giáo viên có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đang đâu đó gây lãng phí tiền bạc, thời gian của giáo viên.

Yêu cầu giáo viên phải thực chất, chứ không phải yêu cầu những chứng chỉ thiếu thực tế, vượt khả năng dẫn đến tình trạng bằng, chứng chỉ thật nhưng khiến thức giả. Thầy cô mà còn vậy thì còn dạy được ai.

Ông Nguyễn Viết Chức cũng đánh giá, ngành giáo dục đã có những chuyển biến tích cực, bắt đầu nhìn thẳng vào sự thật.

“Cần phải quản lý chất lượng thật, chứ không phải đưa ra nhiều yêu cầu xa thực tế khiến thầy cô không thực hiện được.

Chứng chỉ tin học hay ngoại ngữ đều cần đối với giáo viên, nhưng phải đặt vào địa vị, khả năng của họ trước khi đưa ra yêu cầu.

Ngành giáo dục phải hết sức thận trọng, cân nhắc khi đặt ra những yêu cầu đối với giáo viên”, ông Nguyễn Viết Chức nói.

Theo ông Nguyễn Viết Chức, mục đích yêu cầu giáo viên có ngoại ngữ, tin học là hướng đến cái tốt, nhưng cần xem xét hoàn cảnh, điều kiện thực tế để có lộ trình đạt tới mục tiêu tốt đẹp đó.

Còn việc yêu cầu giáo viên có chứng chỉ, trình độ ngoại ngữ, tin học như thời gian qua là không hiệu quả, nếu không nói là quyết định không thuyết phục.

Đối với giáo viên thuần túy dạy chuyên môn thì cũng chỉ nên khuyến khích hơn là bắt buộc.

Còn đối với những vị trí cán bộ, lãnh đạo như hiệu trưởng, hiệu phó thì yêu cầu ngoại ngữ, tin học ở trình độ nào đó là cần thiết.

Còn giáo viên bình thường thì không nên bắt buộc mà chỉ khuyến khích. Giáo viên nào biết cả tin học, ngoại ngữ thì tốt quá.

“Trong giáo dục phải thực học, có thực học mới thành công, còn không sẽ thất bại. Rất đau lòng nếu giáo viên cũng sử dụng những chứng chỉ, bằng cấp, nhưng lại không thực chất, không đúng với khả năng của mình”, ông Nguyễn Viết Chức nói.

Vũ Phương