Ngày 6/10, tại Trung tâm hội nghị quốc gia lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Lương Thế Vinh chính thức diễn ra với sự góp mặt của nhiều thế hệ thầy cô, học sinh đã công tác, học tập tại ngôi trường này.
Đây là dịp để các thế hệ thầy và trò cùng nhau ôn lại kỉ niệm với niềm tự hào, yêu quý và trân trọng về những năm tháng đẹp đẽ của tuổi thanh xuân tươi đẹp.
Ngày 6/10, tại Trung tâm hội nghị quốc gia diễn ra lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Ảnh: Ban tổ chức) |
Năm 1989, thầy Văn Như Cương là người “đặt những viên gạch đầu tiên” cho giáo dục ngoài công lập Việt Nam, là người tiên phong mở đường xây dựng hệ thống giáo dục tư thục, nơi đề cao giáo dục dân chủ với tinh thần độc lập và tư duy phản biện, nơi đề cao nhân cách con người hơn kiến thức sách vở, nơi mà học sinh được học làm người tử tế trước khi học để thành công trên đường đời.
Dấu ấn 30 năm của hệ thống trường Lương Thế Vinh cũng đánh dấu 3 thập niên hình thành hệ thống trường dân lập phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng giáo dục.
Lễ kỉ niệm 30 năm là dịp để các thế hệ thầy và trò cùng nhau ôn lại kỉ niệm với niềm tự hào, yêu quý và trân trọng về những năm tháng đẹp đẽ của tuổi thanh xuân tươi đẹp. (Ảnh: Ban tổ chức) |
Có dịp gặp thầy Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Qúy Đôn (Hà Nội) tại lễ kỉ niệm, chia sẻ với chúng tôi, thầy Bình nói:
“Trường Lương Thế Vinh ra đời là dấu mốc hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục Việt Nam, khởi đầu một mô hình giáo dục mới –“ngoài công lập”.
Qua 30 năm, mô hình giáo dục này ngày càng chứng tỏ vị trí, vai trò trong nền giáo dục quốc dân. Từ những ngày đầu thành lập mô hình này rất khó khăn, nhỏ bé thì đến nay hệ thống giáo dục ngoài công lập đã đem đến nhiều kết quả đáng ghi nhận, đánh dấu sự phát triển không ngừng của giáo dục Việt Nam, san sẻ gánh nặng ngân sách với hệ thống trường công lập.
Đặc biệt đó là niềm tin của xã hội đối với khối trường ngoài công lập ngày càng lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ”.
Thầy Bình đánh giá, mô hình giáo dục này ngày càng phát triển đa dạng, đến nay mỗi ngôi trường ngoài công lập có một mục tiêu theo đuổi khác nhau nhưng tựu chung lại là đều mong tạo ra sản phẩm giáo dục hoàn hảo.
Khi nói đến 3 thập niên phát triển của trường Lương Thế Vinh, thầy Bình nói: “Với vai trò là người tiên phong mô hình giáo dục này, thầy Văn Như Cương đã tạo niềm tin của phụ huynh, xã hội đối với thầy cô, mái trường ngoài công lập để nhiều người dám từ bỏ suy nghĩ lạc hậu để bước vào làm mô hình chưa từng có tiền lệ.
Đến nay hệ thống trường ngoài công lập đã phát triển không ngừng, chứng tỏ tầm nhìn, suy nghĩ của người khởi đầu – THẦY VĂN NHƯ CƯƠNG hết sức quan trọng”.
Theo cô Đào Kim Oanh - người vợ của thầy Văn Như Cương có chia sẻ ấn tượng rằng: “30 năm trường Lương dạy tôi rằng hãy biết yêu thương học trò”.
Được biết mối tình đẹp và lãng mạn của giáo sinh thực tập và nữ sinh Hà Thành từng khiến bao nhiêu người ngưỡng mộ, từ khi còn cùng nhau dạy học ở cùng thành phố Vinh, rồi mở trường Lương Thế Vinh với ước mong cải cách giáo dục, cho tới những năm tháng thầy Cương nằm trên giường bệnh, thầy Văn Như Cương và cô Đào Kim Oanh luôn đồng hành cùng nhau trên những chặng đường chông gai của nghề giáo.
Học trò cũ đến chia sẻ niềm chung vui với cô Đào Kim Oanh (áo vàng) - người vợ thảo hiền, người đồng nghiệp, cũng là “hậu phương vững chắc” của thầy Văn Như Cương về 30 năm hình thành và phát triển của nhà trường Ảnh: Ban tổ chức) |
Trước đó, bên lề hội thảo “Thầy Văn Như Cương – Người mở đường” do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam và Nhà trường tổ chức diễn ra ngày 1/10, cô Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh cũng chia sẻ:
“Một trong những triết lý giáo dục tạo nên sự khác biệt của trường Lương Thế Vinh so với nhiều trường dân lập khác luôn có sự đổi mới, chính là trong khi không ít trường chọn khẩu hiệu Tiên học lễ hậu học văn, thì thầy Văn Như Cương lại chọn khẩu hiệu Có chí thì nên.
Theo đó, lễ với văn phải được giáo dục song hành. Bên cạnh đó, giáo dục phải kích động được ngay vào nhân tố của tư tưởng có tính động lực đối với thế hệ trẻ là ý chí.