Cô giáo Bích Nguyên và những nhịp cầu du học nối dài văn hóa Việt - Nga

26/05/2020 06:10
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Suốt những năm gắn bó với Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú, cô giáo Nguyên luôn được biết đến như người truyền lửa, truyền nhiệt huyết cho học sinh.

Đồng nghiệp tại Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú và ngành giáo dục thành phố Hải Phòng gọi cô giáo Nguyễn Bích Nguyên là “cô giáo già” bởi chỉ còn ít tháng nữa là cô về nghỉ hưu.

Ấy thế nhưng được gặp cô, trò chuyện cùng cô mới cảm nhận được nhiệt huyết của một nhà giáo đã gắn bó với học trò, một người luôn“truyền lửa” cho học sinh và các giáo viên.

Đi tiên phong trong công nghệ

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng cô giáo Nguyễn Bích Nguyên đã gắn bó cả tuổi thanh xuân của mình với thành phố Hoa Phượng Đỏ, với ngôi Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú.

Theo đánh giá của các đồng nghiệp , cô luôn đi đầu trong học tập công nghệ, say mê với chuyên môn, kết nối để mang đến cho học trò những hiệu quả tốt nhất trong học tập tại trường và định hướng con đường tương lai cho học sinh.

Cô giáo Nguyễn Bích Nguyên luôn đi đầu trong việc sử dụng công nghệ trong dạy học (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô giáo Nguyễn Bích Nguyên luôn đi đầu trong việc sử dụng công nghệ trong dạy học (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thời gian qua, học sinh được nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, cô Nguyên thường xuyên trao đổi tin tức, dặn dò, trò chuyện với học sinh và phụ huynh trên nhóm Facebook, Zalo của lớp.

Những ngày nghỉ dài, cả cô và trò đều rất muốn gặp nhau, cô đã tìm hiểu và dùng phần mềm Hangouts Meet để dạy học trực tuyến.

Mỗi tuần, cô Nguyên hẹn lịch học, cô trò gặp nhau qua những bài giảng thú vị, hấp dẫn.

Khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng triển khai phần mềm Microsoft Office 365 dạy học trực tuyến toàn thành phố, cô Nguyên đã bắt nhịp rất nhanh và thực hiện các bài giảng qua công cụ Microsoft Teams.

Bên cạnh sự động viên học trò, cô còn có những hướng dẫn học sinh và phụ huynh lưu ý, khắc phục khi đường truyền mạng bị lỗi, cài đặt máy tính thế nào cho phù hợp.

Cô lưu ý các con cách để hình đẹp và chuẩn thì phải để ánh sáng đèn soi phía trước mặt, camera chỉnh cho rõ nửa người, mặt thẳng đối diện.

Khi đang trả lời hay ghi bài thì camera đều chiếu rõ hoạt động của mình, học sinh khi đang học cần bật camera để khi nào giáo viên gọi đến bạn nào thì nhìn rõ hình ảnh của bạn đó...

Cô Nguyên còn nhắc nhở những quy định của nhà trường về quản lý lớp học online để các em thực hiện nghiêm túc.

Sau khi học sinh được trở lại trường đi học, việc làm bài tập trực tuyến vẫn được cô trò duy trì rất hiệu quả.

Người kết nối văn hóa Việt - Nga

Cô Nguyên tâm sự: “Tiếng Nga là một trong những môn học chuyên được giảng dạy trong Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú từ những năm đầu mới thành lập.

Từ sau năm 1991, với sự thay đổi chính trị của Liên bang Nga, môn tiếng Nga trên toàn quốc không còn được phát triển như trước.

Tuy nhiên, tôi cùng tổ giáo viên tiếng Nga của nhà trường vẫn iên trì tiếp tục duy trì dạy môn tiếng Nga như là một môn ngoại ngữ giúp các em học sinh thi đỗ rất cao vào các trường đại học trong cả nước và liên tục đạt các giải cao trong các kỳ thi Olympic Quốc gia.

Với mong muốn học sinh tiếp tục sử dụng tiếng Nga để học đại học và cơ hội việc làm tương lai và duy trì về mối quan hệ hữu nghị với một dân tộc, tôi cùng các đồng nghiệp và nhà trường quyết tâm tạo dựng một thế hệ thứ hai những người yêu tiếng Nga và gắn bó với nền văn hóa Nga”.

Cô giáo Nguyễn Bích Nguyên được biết đến là người kết nối văn hóa Việt - Nga (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô giáo Nguyễn Bích Nguyên được biết đến là người kết nối văn hóa Việt - Nga (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Từ những mong muốn trên, cô Nguyên đã tìm kiếm cơ hội kết nối với các cơ sở giáo dục ở Liên Bang Nga.

Năm 2012, Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú hợp tác với trường phổ thông công lập tại thành phố Matxcơva.

Các nhà trường kết nghĩa thường niên tổ chức trao đổi các đoàn giáo viên và học sinh, trong đó học sinh được học theo thời khóa biểu, nghỉ theo hình thức homestay, tham quan và tìm hiểu khu văn hóa lịch sử hai nước.

Ngoài ra các nhà trường còn kết hợp tổ chức các hoạt động như thi trực tuyến online, tìm hiểu văn hóa, trao đổi các sản phẩm sáng tạo của học sinh…

Hiệu quả cao nhất nhà trường thu được là tạo cầu nối hữu nghị bền vững giữa hai nước Việt Nga, thông qua sự hiểu biết văn hóa của thế hệ trẻ hai nước và tạo điều kiện cho học sinh Việt Nam được tiếp nhận nền giáo dục tiên tiến của nước bạn.

Hoạt động hữu nghị Việt - Nga tại trường chuyên Trần Phú thực sự đã có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng học sinh cả những lớp không học tiếng Nga và cha mẹ các em.

Nhiều học sinh quan tâm, tham gia các kỳ thi giành học bổng Nga và không chỉ ở trường Trần Phú mà ở cả các trường phổ thông trung học khác trong thành phố.

Số học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia đăng ký nhận học bổng Liên bang Nga tăng nhanh.

Riêng năm 2019, Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú có 37 em đăng kí học bổng theo diện hiệp định tại liên bang Nga trên tổng số 200 suất học bổng dành cho khối phổ thông trung học.

Trong bối cảnh phát triển của Việt Nam hiện nay và sự hồi sinh của Liên bang Nga thì việc khôi phục và giảng dạy tiếng Nga thực sự là một thành công và góp phần giúp thế hệ trẻ Việt Nam có được thêm cơ hội để hội nhập với thế giới đa phương đa chiều.

Chương trình hợp tác du học Việt - Nga là tâm huyết của cô Nguyễn Bích Nguyên cùng tổ chuyên môn nhà trường để mang lại cơ hội học tập và trải nghiệm cho học sinh.

Chương trình hợp tác du học Việt - Nga là tâm huyết của cô Nguyễn Bích Nguyên cùng tổ chuyên môn Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chương trình hợp tác du học Việt - Nga là tâm huyết của cô Nguyễn Bích Nguyên cùng tổ chuyên môn Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú có từ 15 tới 20 em học sinh được nhận học bổng của chính phủ Nga và học bổng của Liên hai chính phủ Việt Nga theo diện hiệp định đi học tại các trường đại học hàng đầu của Nga.

Các em học sinh đang du học theo nhiều ngành nghề tại Nga đang có những phản hồi tích cực về việc học tập, đời sống sinh hoạt cũng như các hoạt động giao lưu văn hóa với các các sinh viên Nga và sinh viên quốc tế.

Mới đây, cuộc thi Olympic du học Nga lần thứ 12 (cuộc thi thường niên do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Việt Nam phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trong khuôn khổ Hiệp định về hợp tác lĩnh vực giáo dục giữa Việt Nam và Liên bang Nga) được tổ chức thi trực tuyến từ xa.

Qua 2 vòng thi sơ khảo và chung khảo, 25 thí sinh đã giành học bổng của Chính phủ Nga, trong đó có các học sinh môn Tiếng Nga của cô Nguyên cùng đồng nghiệp và các môn Toán, Vật lý đến từ 3 trường trung học phổ thông của Hải Phòng.

Thí sinh đạt học bổng sẽ được ưu tiên tuyển chọn vào 25 trường Đại học hàng đầu của Liên bang Nga tham gia dự án “Các Trường Đại học Nga” tại Việt Nam.

Thành tích đó là niềm vui, là kết quả những nỗ lực của cô trò cùng với sự đồng hành, tạo điều kiện của nhà trường và thành phố Hải Phòng.

LÃ TIẾN