Cô giáo Liệu, người truyền cảm hứng cho học sinh yêu môn Lịch sử

28/10/2018 06:26
LÃ TIẾN
(GDVN) - Say mê với nghề, luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, gần gũi với học sinh, giúp các em đam mê học môn Lịch sử và hiểu biết được lịch sử hào hùng của dân tộc.

Đó là những nhận xét của đồng nghiệp và học sinh dành cho cô giáo Phan Thị Liệu, Tổ trưởng bộ môn lịch sử, Trường Trung học cơ sở Đại Yên (phường Đại Yên, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh).

Tốt nghiệp ngành Văn - Tiếng Việt (Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh), cô Phan Thị Liệu đến với bộ môn lịch sử bằng cái duyên và đến nay đã gắn bó với bộ môn này 28 năm.

Môn lịch sử với nhiều sự kiện, số liệu, thời gian khô khan nên không ít học sinh ngại học.

Thế nhưng, bằng cái tâm của nhà giáo, cô Liệu luôn tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy để “truyền lửa” kiến thức môn học cho học sinh.

Theo cô giáo Liệu, để học tốt bất cứ bộ môn nào, quan trọng nhất vẫn là sự say mê.

Chính vì vậy, mỗi giờ dạy lịch sử, cô Liệu đều tạo cho học sinh sự hứng thú, yêu thích, đam mê môn học.

28 năm gắn bó với nghề dạy học, cô Liệu luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học giúp học sinh đam mê học môn Lịch sử. (Ảnh: CTV)
28 năm gắn bó với nghề dạy học, cô Liệu luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học giúp học sinh đam mê học môn Lịch sử. (Ảnh: CTV)

Cô Liệu chia sẻ: “Giảng dạy lịch sử, giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn giáo dục các giá trị truyền thống, nhân cách con người và vận dụng trong cuộc sống.

Để làm được điều này đòi hỏi giáo viên phải là người có kiến thức lịch sử sâu rộng, phấn đấu để trở thành người nghệ sĩ kể chuyện lịch sử tạo hứng thú cho học sinh...”.

Với kinh nghiệm cũng như tình yêu nghề, cô Liệu luôn đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với điều kiện của nhà trường để “thổi hồn” vào mỗi bài giảng, tạo sự say mê cho học trò.

Đồng thời, phát huy sở trường của mỗi học sinh để tư duy, sáng tạo, hiểu biết đầy đủ về những kiến thức được học.

Với sự am hiểu lịch sử địa phương, cô đã gắn kết các địa danh lịch sử, như: Đình cổ làng Yên Cư, sông Hốt, chùa Lôi Âm... với bài học để tạo điều kiện cho học sinh học tập trực quan.

Từ đó tạo hứng thú cho học sinh với bài học và giáo dục lịch sử truyền thống, ghi nhớ công lao đóng góp của các thế hệ cha ông địa phương.

Cô giáo Phan Thị Liệu cùng học sinh học tập ngoại khóa tại đình làng Yên Cư (phường Đại Yên). (Ảnh: CTV)
Cô giáo Phan Thị Liệu cùng học sinh học tập ngoại khóa tại đình làng Yên Cư (phường Đại Yên). (Ảnh: CTV)

Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ đắc lực cho đổi mới phương pháp dạy học, cô Liệu đã vận dụng các hình thức tổ chức lớp học kết hợp với phương pháp dạy học linh hoạt.

Ngoài ra, cô còn sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại để giúp học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo và lĩnh hội kiến thức, phát hiện những học sinh có tư chất, năng khiếu và đam mê môn học.

Cô Liệu cũng đổi mới cách soạn bài giảng, phương pháp quản lý, kiểm tra đánh giá học sinh.

Bên cạnh đó, cô còn tạo cơ hội cho học sinh được tiếp cận, sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại, trực tiếp nghiên cứu các tài liệu, tư liệu, hình ảnh trực quan... để có được kiến thức, kỹ năng từ nhiều chiều, góp phần giúp học sinh nhận thức, hình thành ý thức và kỹ năng sống.

Cô Hiệu trưởng hơn 6 năm miệt mài chăm sóc, dạy dỗ trẻ câm điếc

30 năm đứng trên bục giảng, cô Phan Thị Liệu đã có trên 20 năm bồi dưỡng học sinh giỏi.

Từ năm 2007 đến nay, thông qua lớp cô bồi dưỡng đã có 135 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp thành phố, 76 học sinh đoạt giải cấp tỉnh.

Đây là động lực giúp cô không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, trở thành “người dẫn đường tin cậy” cho học sinh.

Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, cô Phan Thị Liệu nhiều năm vinh dự đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, được nhận bằng khen, giấy khen các cấp.

Mặc dù đã bước sang tuổi 53, nhưng cô Liệu vẫn nỗ lực không ngừng để đem kiến thức, hiểu biết, say mê về lịch sử của mình truyền đạt cho học sinh.

Qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức của học sinh về môn học, giúp các em hiểu biết được lịch sử hào hùng của dân tộc.

Từ đó phát huy tinh thần yêu nước, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

LÃ TIẾN