Ngày 26/12/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT. Theo đó, năm học 2020-2021 sẽ thực hiện chương trình giáo dục mới, bắt đầu từ lớp 1.
Theo kế hoạch, có 5 bộ sách giáo khoa đã được phê duyệt, các trường tiểu học trên cả nước đã, đang tiến hành chọn bộ sách thích hợp cho trường mình.
Nhìn chung các bộ sách có nhiều điểm mới, có kế thừa sách cũ, in ấn đẹp thế nhưng kiến thức vẫn nặng, đó là nhận xét của rất nhiều hội đồng chọn sách giáo khoa.
Song song với chọn sách, là tâm tư lo lắng của rất nhiều giáo viên trước việc diễn biến dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai sách giáo khoa mới. Nhiều giáo viên mạnh dạn đề nghị lùi lại 1 năm, chưa triển khai lộ trình thay sách giáo khoa mới như kế hoạch.
Nhiều giáo viên đề nghị chưa triển khai lộ trình thay sách giáo khoa mới như kế hoạch. (Ảnh minh họa: VTV) |
Lý do nào để lùi lại, chưa triển khai sách mới?
Một là: Dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, thời gian học sinh đi học lại khó có thể dự đoán trước, năm học 2019-2020 sẽ không thực hiện đúng như kế hoạch, dẫn đến năm học mới 2020-2021 bị ảnh hưởng là điều không tránh khỏi.
Hai là: Để triển khai sách mới, đòi hỏi có thời gian tập huấn cho giáo viên, thời gian nghỉ hè là ưu việt nhất; nay học sinh nghỉ học để tránh dịch, sẽ học bù tịnh tiến, giáo viên sẽ không có thời gian nghỉ hè; như vậy công tác bồi dưỡng giáo viên không thể thực hiện được.
Công tác bồi dưỡng giáo viên vừa trực tiếp và trực tuyến; trong khi dịch đang hoành hành, không thể trực tiếp được là điều chắc chắn; có những vấn đề chỉ có thể trực tiếp triển khai, tương tác với giáo viên mới đạt hiệu quả; nếu không tổ chức bồi dưỡng trực tiếp được khó mà nói công tác bồi dưỡng giáo viên đạt yêu cầu.
Thành bại của đổi mới chương trình phụ thuộc rất lớn vào công tác bồi dưỡng giáo viên; nếu công tác bồi dưỡng giáo viên không chu đáo, chưa đến nơi đến chốn kết quả dạy học sẽ không đạt như mong muốn; đổi mới giáo dục khó đạt kết quả tốt, chưa nói là …thất bại thảm hại.
Sách giáo khoa lớp 1 có điểm mới, song có quá nhiều kiến thức |
Ba là: Lùi lại một năm, Luật giáo dục mới sẽ được triển khai (có hiệu lực từ 1/7/2020), sách giáo khoa sẽ được chọn theo cấp Tỉnh, tránh được sự lãng phí (năm học 2020-2021 mỗi trường 1 bộ sách riêng rẽ, số sách giáo khoa tái sử dụng sẽ ít) của sách giáo khoa.
Cả tỉnh cùng một bộ sách, công tác chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, đánh giá sẽ thống nhất, kịp thời.
Đặc biệt khi cả tỉnh cùng một bộ sách, vấn đề bồi dưỡng giáo viên sẽ thuận lợi hơn; các vấn đề bồi dưỡng sẽ sâu sát, cụ thể, các nội dung sẽ lấy thực tế trên bộ sách đã chọn lựa.
Bốn là: Tất cả các đầu sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã duyệt, bao gồm lần 1 và lần 2 vừa qua và có thể có những bộ sách mới được duyệt, sẽ giúp hội đồng chọn sách chọn lựa được bộ sách thích hợp nhất cho tỉnh mình.
Các nhà xuất bản có thời gian chuẩn bị cho công tác in ấn tốt hơn, không bị Covid-19 tác động đến như hiện nay; giá thành sách giáo khoa có thể giảm xuống, giúp tiết kiệm cho toàn xã hội.
Bên cạnh đó, thời gian hoàn thành bộ sách lớp 2 và lớp 6 sẽ thoải mái, chất lượng sẽ tốt hơn; giúp Bộ chọn được những bộ sách đáp ứng được nhiều nhất các tiêu chí đã đề ra.
Năm là: Khi dịch Covid-19 đã bị loại bỏ, tư tưởng phụ huynh, học sinh, giáo viên an tâm, an toàn; công tác dạy và học sẽ đạt hiệu quả tốt hơn, khởi đầu thắng lợi cho một chương trình mới, điều mà cả xã hội đang mong muốn và chờ đón.
Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi ngóc ngách của cuộc sống, đặc biệt là giáo dục; việc lùi triển khai sách giáo khoa mới để đảm bảo thành công ngay từ đầu là một việc nên làm, rất mong các cơ quan hữu trách xem xét.