Có học sinh thực sự...không muốn học

22/01/2019 06:45
THANH AN
(GDVN) - Chỉ khi nào học sinh cảm thấy thích, thấy việc học là thiết thực với mình thì các em sẽ có động lực học tập tốt nhất.

Hiện nay, bên cạnh một bộ phận các em học sinh luôn có thái độ chủ động học tập, phấn đấu thì cũng có nhiều em thờ ơ với việc học, với tương lai của chính mình.

Vì vậy, trong quá trình đứng lớp, điều mà thầy cô giáo bây giờ cảm thấy buồn nhất không phải là số lượng học sinh yếu kém, không phải là những em thường xuyên vi phạm nội quy nhà trường mà chính là những em học sinh không có động lực phấn đấu, rèn luyện.

Bởi, với vai trò là người thầy- người  trực tiếp dạy dỗ các em học sinh hàng ngày mà trong lớp có những học sinh không có động lực học tập thì buồn, nản vô cùng.

Có điều, tỉ lệ những em không có động lực học tập hiện nay ở các nhà trường phổ thông lại tương đối nhiều.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một số học sinh mất động lực học tập ( Ảnh minh họa: Báo Nhân dân)
Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một số học sinh mất động lực học tập ( Ảnh minh họa: Báo Nhân dân)

Ngày 17/1/2019 vừa qua, Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị định hướng nghiệp vụ công tác xã hội trong trường học. 

Tại Hội nghị này, đại diện Phòng Chính trị tư tưởng của Sở đã công bố kết quả khảo sát tại 74 trường Trung học phổ thông, 34 trường Trung học cơ sở, 8 trường Tiểu học và 34 cơ sở giáo dục khác về một số vấn đề mà học sinh đang gặp phải trong học tập.

Điều mà chúng tôi đặc biệt lưu tâm là có tới 53,8% học sinh được khảo sát thể hiện không có động lực học tập.

Nhìn vào số liệu khảo sát, chắc chắn dư luận xã hội sẽ giật mình với số lượng học sinh không có động lực học tập bởi đây là con số ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.

Tuy nhiên, đối với những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy thì con số này không phải là điều bất ngờ.

Bởi vì, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có điều kiện phát triển về mọi mặt tốt nhất cả nước. Môi trường học tập, sự đầu tư của địa phương, của gia đình cho giáo dục cũng cũng đầy đủ hơn các địa phương khác.

Có học sinh thực sự...không muốn học ảnh 2Học trò ghét tiết học nào nhất?

Vậy mà đã có tới 53,8% học sinh không có động lực học tập thì các tỉnh khác, các tỉnh thuộc "vùng trũng" của giáo dục sẽ như thế nào?

Có lẽ, nhiều tỉnh có lượng học sinh không có động lực học tập còn cao hơn so với thành phố Hồ Chí Minh.

Là một giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại một trường phổ thông, hàng ngày tiếp xúc, dạy dỗ học trò nên chúng tôi rất đồng cảm với con số mà Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh đưa ra.

Việc học sinh không có động lực học tập hiện nay có nhiều nguyên nhân khác nhau.

Bây giờ, đa phần các gia đình học sinh có điều kiện kinh tế, nhà không có điều kiện thì cha mẹ cũng thường đầu tư cho con em mình tốt nhất có thể.

Vì thế, các em được đầu tư nhiều thứ cho học tập nhưng cũng chính vì được đầu tư nhiều mà một số em học sinh sao nhãng dần việc học để lao vào những trò chơi vô bổ.

Có những em ngoài những giờ học ở trường cứ cắm cúi bên điện thoại, máy tính bảng hay chiếc laptop để mải mê với những trò chơi trực tuyến.

Trong lúc, nhiều khi cha mẹ luôn bận rộn đi làm bên ngoài nên chưa có thời gian bên con em của mình hàng ngày. Sự lơ là của cha mẹ đã khiến cho nhiều em thờ ơ trong học tập.

Thậm chí, có những bậc cha mẹ lại quá kỳ vọng, tạo áp lực cho con em mình trong học tập đẩy các em đến mức quá tải.

Một nguyên nhân nữa là nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ của ngành giáo dục hiện nay còn bất cập.

Chẳng hạn, tại Khoản 3, Điều 37 Điều lệ Trường Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (Ban hành kèm theo Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3 /2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), thì học sinh không được lưu ban quá 2 lần trong một cấp học.

Có học sinh thực sự...không muốn học ảnh 3Tại sao học trò lại hò reo, hoan hô khi được báo cho nghỉ học?

Chính vì vậy, dù dở cỡ nào thì sau một lần ở lại lớp, thầy cô cũng phải “vớt” học sinh lên. Nhiều khi giáo viên muốn cho học sinh thi lại, ở lại cũng không được bởi nó vướng mắc rất nhiều quy định.

Chính từ nhiều ràng buộc của ngành mà nhiều giáo viên cứ đẩy cho học sinh lên lớp để rồi cuối cùng là các em cứ tưởng mình học tốt.

 Bởi, một số em học sinh học rất yếu mà vẫn “không có cửa” để lưu ban. Từ đó, dẫn đến việc học cầm chừng, vừa học vừa chơi.

Vậy nên, học sinh dở cũng cứ lên lớp bình thường, thậm chí còn được khen thưởng nữa thì đương nhiên là động lực học tập của các em sẽ sa sút.

Để thay đổi thái độ học tập của các em học sinh không có động lực trong  học tập dù khó nhưng cũng không phải là không làm được nếu có sự chung tay phối hợp của gia đình, nhà trường.

Nếu cha mẹ các em học sinh biết dành những khoảng thời gian nhất định trong ngày để ở bên con em mình. Biết động viên, nhắc nhở thậm chí là nghiêm khắc trong việc học tập của các em hàng ngày sẽ tạo cho các em thói quen học tập.

Nhưng, cha mẹ cũng cần thiết phải biết lắng nghe những chia sẻ, đồng cảm những điều mà con em mình mong muốn.

Đối với nhà trường, cần dẹp bỏ các bệnh thành tích để khích lệ các em học tập, tham gia vào các hoạt động giáo dục trên lớp, ngoài giờ.

Thầy cô cần gần gũi với học trò để cùng chia sẻ với nhau những lúc học sinh gặp khó khăn, vướng mắc. Hạn chế tối đa những hành vi chửi bới, xúc phạm học trò, hay ghi những vi phạm của học trò vào sổ đầu bài quá nhiều sẽ khiến các em càng thêm chán nản.

Chỉ khi nào học sinh cảm thấy thích, thấy việc học là thiết thực với mình thì các em sẽ có động lực học tập tốt nhất.

Tuy nhiên, làm thế nào để các em cảm thấy thích, biết được giá trị của việc học và biết hướng tới một tương lai tốt đẹp lại là sự định hướng, kèm cặp của gia đình và nhà trường.

Rõ ràng, việc nhiều học sinh không có động lực trong học tập là điều đáng lo ngại thực sự của người lớn.

Vì vậy, thay vì tạo áp lực, người lớn chúng ta cũng cần thiết lắng nghe những chia sẻ của các em để tạo cho các em có thêm động lực để học tập và phấn đấu.

Tài liệu tham khảo:

https://thanhnien.vn/giao-duc/538-hoc-sinh-khong-co-dong-luc-hoc-tap-1044490.html

THANH AN