Có những học trò cả tháng trời dạy 2 chữ cái không nhớ nổi, làm sao để vượt qua?

06/05/2021 06:54
PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là những chia sẻ của cô giáo Lưu Thị Nguyệt trong hành trình “gieo chữ" cho những búp măng non của trường Tiểu học Lê Văn Tám (Hải Phòng).

Vốn là một trong những giáo viên gạo cội của trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Lê Chân, Hải Phòng), cô Lưu Thị Nguyệt (sinh năm 1968) vẫn luôn kiên trì, nhiệt huyết và nỗ lực đặt nền tảng vững chắc đầu tiên cho bao thế hệ học sinh lớp 1 của nhà trường.

Cô giáo Lưu Thị Nguyệt, giáo viên gạo cội của Trường Tiểu học Lê Văn Tám (Hải Phòng) (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô giáo Lưu Thị Nguyệt, giáo viên gạo cội của Trường Tiểu học Lê Văn Tám (Hải Phòng) (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sau 29 năm công tác tại trường Lê Văn Tám, cô giáo Nguyệt đã được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ giảng dạy các khối lớp 1, lớp 2 và lớp 3.

Tuy nhiên, với sự kiên trì và thấu hiểu, cùng các phương pháp giảng dạy phù hợp nên nhiều năm qua cô Nguyệt luôn đồng hành cùng học sinh khối lớp 1 nhà trường.

Luôn kiên trì và tâm huyết với học sinh

Theo cô giáo Nguyệt, trong giảng dạy, bản thân cô luôn nắm chắc nội dung chương trình và đưa ra nhiều phương pháp giảng dạy đa dạng, phù hợp với lứa tuổi học sinh.

“Theo quan điểm của bản thân, dù đang giảng dạy ở khối lớp nào, hiểu được tâm lý độ tuổi cũng là điều quan trọng giúp mình đồng hành với học trò để đạt hiệu quả cao.

Khi mình tìm hiểu, mình phải đặt bản thân mình vào người trò, thấy được sự khó khăn khi tiếp cận kiến thức, lường trước những phản ứng của trẻ.

Đặc biệt, với học sinh lớp 1, đặc trưng là lớp học đầu tiên các con bước vào giai đoạn chuyển đổi từ nhiệm vụ chơi là chủ yếu sang nhiệm vụ học tập. Giai đoạn này, các con có hạn chế về vốn sống, vốn hiểu biết, các kĩ năng để tiếp thu kiến thức. Theo đó, để tất cả học sinh trong lớp đi từng bước từ biết đọc, biết viết rồi đến biết làm toán đòi hỏi bản thân giáo viên phải kiên trì và nỗ lực” cô giáo Nguyệt cho biết.

Từ mẫu giáo lên lớp 1 là một trong những bước ngoặt lớn trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ. Khi chuyển đổi một môi trường học tập mới, học sinh lớp 1 thường gặp nhiều khó khăn, biến đổi tâm lý.

Luôn kiên trì và nỗ lực truyền thụ kiến thức cho học sinh (Ảnh: giáo viên cung cấp)

Luôn kiên trì và nỗ lực truyền thụ kiến thức cho học sinh (Ảnh: giáo viên cung cấp)

Đặc biệt, các em thường bối rối khi phải làm quen với những phương pháp học tập mới, phải học nhiều môn khác nhau mà trong đó có những môn các em không thích học. Nắm bắt những biến đổi tâm lý của học sinh, cô giáo Nguyệt lựa chọn kiên trì, nỗ lực và không để một em học sinh nào bị tụt lại phía sau.

Cô giáo Nguyệt chia sẻ câu chuyện của bản thân: “Có những con dạy cả tháng trời có 2 chữ cái a, c cũng không sao nhớ được mặc dù cháu hoàn toàn bình thường. Mặc dù đã thử nhiều phương pháp như mô tả, viết, vật thật, hình vẽ,… nhưng con vẫn không nhớ được mặt chữ cái. Để giúp con, cuối mỗi buổi học, tôi phải kèm 1-1 với con, vượt qua được 2 chữ cái a, c rồi dần cô và trò chinh phục những âm khó hơn.

Khi con học, tôi luôn dành cho con sự động viên, gần gũi để con cảm nhận được và nỗ lực cùng với cô giáo. Những câu nói như: con đã làm được rồi, con rất giỏi, cô yêu con lắm luôn,… khiến đứa trẻ mạnh mẽ hơn sau mỗi buổi học.

Qua biết bao thế hệ học sinh, tôi rút ra rằng, bản thân giáo viên phải kiên trì, không nản chí mới có thể lan tỏa và truyền tải kiến thức cho học sinh”.

Cũng theo cô giáo Nguyệt, để giúp học sinh nào cũng thích đi học, có trách nhiệm làm bài, hiểu bài cần sự tận tâm của giáo viên từ việc giảng chung cả lớp đến giảng riêng từng bạn.

“Trong lớp, tôi tận dụng hết thời gian giảng bài, chia sẻ chung cả lớp, chia sẻ riêng với từng bạn và luôn truyền cảm hứng đến học sinh.

Đơn cử như đối với trẻ con lớp 1 việc đứng lên chia sẻ bài, phát biểu, kể chuyện là to lớn đối với trẻ.

Hiểu như vậy, tôi giúp các em mạnh mẽ, tự tin bằng những tương tác của cô qua ánh mắt, nụ cười, câu nói, sự khích lệ hay phần thưởng.

Khi muốn cá nhân học sinh hay cả lớp làm tốt hơn lần trước một chút, bản thân tôi cũng phải nỗ lực mỗi ngày” cô giáo Nguyệt chia sẻ thêm.

Niềm vui nhân lên mỗi năm khi thấy học sinh tiến bộ

Không riêng việc kiên trì, nỗ lực để rèn dũa nề nếp, mang đến những kiến thức đầu đời cho học sinh lớp 1, cô Lưu Thị Nguyệt còn không ngại đổi mới, áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Cô Lưu Thị Nguyệt chia sẻ: “Nghề giáo gắn bó với tôi gần 30 năm và tôi cũng yêu trẻ nên dù tuổi đã khá cao nhưng tôi vẫn chịu khó cập nhật công nghệ thông tin để sử dụng trong giảng dạy.

Với chương trình mới rất cần sự tác nghiệp nhiều hình thức giảng dạy và cũng để mình chủ động trong các bài giảng, ở trường tôi hay hỏi những giáo viên còn trẻ về cách sử dụng liên kết điện thoại, máy tính, ti vi, các hình thức chụp bài, quay hình.

Thực sự các hình thức, phương tiện đó rất hiệu quả khi giảng dạy chương trình sách mới.

Trong quá trình áp dựng công nghệ thông tin cũng không tránh khỏi việc học xong lại quên, tôi mất nhiều thời gian để cố gắng tự làm và suy luận để nhanh nhớ hơn.

May mắn, các thầy, cô đồng nghiệp luôn sát cánh với tôi, không ngại dạy chị những cái mới”.

Thấy báo thế hệ học sinh tiến bộ bản thân cô giáo Nguyệt nhận lại niềm hạnh phúc vô giá (Ảnh: giáo viên cung cấp)

Thấy báo thế hệ học sinh tiến bộ bản thân cô giáo Nguyệt nhận lại niềm hạnh phúc vô giá (Ảnh: giáo viên cung cấp)

Vừa qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp ở Hải Phòng, học sinh các cấp chuyển sang học trực tuyến. Tuy nhiên, do học sinh lớp 1, 2 còn nhỏ nên không thể triển khai học trực tuyến.

“Không được gặp hay tận tay chỉ dạy cho các con tôi rất lo lắng vì nề nếp và việc học không ngừng để tránh quên rất quan trọng với lứa tuổi lớp 1. Để khắc phục, tôi đã lên một kế hoạch kĩ càng với phụ huynh và học sinh. Về chương trình ôn và học, tôi gửi tới phụ huynh qua zalo, gmail.

Mỗi bài tôi đều quay video phần học sinh dễ quên hay khó để gửi cho phụ huynh xem, học sinh học. Đặc biệt, tôi chú trọng kiểm soát tốt việc các con học tập, hoàn thành bài tập từng ngày.

Tôi cũng đưa ra những khó khăn của các con cần ba mẹ hỗ trợ như: in bài, đọc bài cho con viết chính tả, nộp bài cho cô đúng hạn,…Nắm bắt được khả năng học của từng con, tôi còn gọi video trực tiếp cho một số con để trực tiếp nghe con đọc. Các con còn lại, phụ huynh sẽ tự quay video con đọc rồi gửi cho cô.

Tuy học tập tại nhà và các con không gặp trực tiếp cô nhưng vẫn sẽ nhận được nhiều phần thưởng bằng hình ảnh, bằng lời khen đầy khích lệ và hấp dẫn của cô giáo qua zalo gửi cho bố mẹ.

Nhờ biện pháp đó mà sau đợt dịch, học sinh lớp tôi không bị hổng kiến thức, thậm chí có con còn đọc tốt, viết tốt, làm toán giỏi lên nhiều. Đồng thời, phụ huynh cũng bày tỏ rất ủng hộ phương pháp học tôi đưa ra” cô giáo Nguyệt cho biết thêm.

Cô giáo Nguyệt cũng chia sẻ thêm về niềm vui của bản thân trong hành trình “gieo” chữ cho những học sinh tiểu học: “Thấy học sinh tiến bộ mỗi ngày bản thân tôi rất vui. Niềm vui ấy cứ nhân lên sau mỗi năm, vì các năm học sau chị lại được đồng hành với lớp phụ huynh cũ.

Có nhiều phụ huynh nói: ‘Cô ơi, ngày xưa cô dạy con, bây giờ cô lại dạy con của con đấy’. Rồi còn có phụ huynh kể: ‘Cô Nguyệt ơi nhà chị 8 đứa con cháu đều học em’.

Đấy là hạnh phúc rồi em nhỉ!”.

PHẠM LINH