Còn nước còn tát, Bộ nên giữ kỳ thi quốc gia!

17/03/2020 06:24
Thanh Sơn
(GDVN) - Theo nhiều chuyên gia, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là kỳ thi đánh giá kiến thức phổ thông do đó vẫn cần thi đầy đủ các môn thi, bài thi như hiện nay.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có 2 lần điều chỉnh khung thời gian năm học 2019-2020 và đa phần các địa phương cũng đang cho học sinh từ mầm non đến trung học cơ sở không đến trường thậm chí bậc trung học phổ thông thì cũng đang có nhiều tỉnh (thành) cho học sinh nghỉ đến trường và thay vào đó là học sinh lớp 9, lớp 12 học qua online, qua truyền hình. 

Trước thực tế này, một trong những nội dung thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 đó là Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập.

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, một số ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét việc xét đặc cách tốt nghiệp trung học phổ thông, ngoài ra có một số ý kiến lại cho rằng chỉ nên thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội bởi nếu vẫn thực hiện như mọi năm thì học sinh sẽ rất khó khăn vì năm học đã kéo dài thêm 2 tháng rưỡi so với kế hoạch ban đầu.

Theo nhiều chuyên gia, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là kỳ thi đánh giá kiến thức phổ thông do đó vẫn cần thi đầy đủ các môn thi, bài thi như hiện nay. (Ảnh minh họa: Dương Hà)
Theo nhiều chuyên gia, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là kỳ thi đánh giá kiến thức phổ thông do đó vẫn cần thi đầy đủ các môn thi, bài thi như hiện nay. (Ảnh minh họa: Dương Hà)

Nghiên cứu đề xuất này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hồ Cảnh Hạnh – Hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần hứa với phụ huynh, học sinh là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2020 về cơ bản giữ ổn định như năm 2019 do đó theo tôi không nên thay đổi phương thức thi mà thay vào đó là nên giảm bớt hàm lượng kiến thức”. 

Theo đó, thầy Hạnh cho rằng, với tinh thần Thủ tướng đã có chỉ đạo “giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học” thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giảm bớt hàm lượng kiến thức học và trong đề thi để kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vẫn diễn ra đầy đủ các môn thi, bài thi, khi đó các trường đại học, cao đẳng vẫn ổn định trong khâu tuyển sinh. 

Kiến nghị Bộ trưởng Giáo dục, Chủ tịch Hà Nội bớt môn thi tốt nghiệp, vào lớp 10
Kiến nghị Bộ trưởng Giáo dục, Chủ tịch Hà Nội bớt môn thi tốt nghiệp, vào lớp 10

Hơn nữa, ngoài giảm bớt hàm lượng kiến thức thì Bộ cần chỉ đạo rõ học gì sẽ thi nấy giống như bài test của kỳ thi SAT hay bài thi đánh giá năng lực mà 2 Đại học Quốc gia đã triển khai. 

Đồng tình với quan điểm này, cô Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng, Thủ tướng đã có chỉ đạo “giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học” thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có kịch bản, phương án ứng phó với tình hình thực tế. 

“Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là kỳ thi đánh giá kiến thức phổ thông do đó vẫn cần thi đầy đủ các môn thi, bài thi tuy nhiên với tình hình dịch bệnh khi thời gian năm học bị ảnh hưởng, thậm chí bị rút ngắn thì Bộ cần tinh giản nội dung dạy học, thi cử.

Nội dung nào không cần thiết thì lược bỏ, chứ không phải bỏ nội dung khó, chỉ học nội dung dễ là hoàn toàn sai lầm”, bà An nhấn mạnh. 

Liên quan đến việc dạy học online, trên truyền hình, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, việc học online đáng ra phải áp dụng lâu rồi để tận dụng tất cả điều kiện có thể. Bởi cách học này là tiết kiệm thời gian mà vẫn cung cấp được kiến thức cho mọi người.

Bà An cho rằng: “Cái quan trọng nhất là đánh giá kiến thức học sinh, thu lượm từ nhiều nguồn không chỉ trên ghế nhà trường.

Không kể học bằng hình thức nào, cái quan trọng nhất là đánh giá kiến thức nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu để đưa ra phương pháp đánh giá.
Bộ Giáo dục cần nghiên cứu để kiến nghị với Chính phủ có thể có điều chỉnh, thay đổi để cấp bằng được cho những người học online.

“Trong trình độ công nghệ thông tin đã phát triển thì có thể áp dụng cách dạy học này do đó cần có giải pháp để khuyến khích phát triển. Đáng lẽ chúng ta đã tạo điều kiện hành lang pháp lý cho học sinh có điều kiện học online từ lâu”.

Cuối cùng, bà Bùi Thị An đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp để đánh giá được thực chất kiến thức học qua online và đề nghị Chính phủ cấp bằng cho những học sinh đạt chuẩn khi theo học chương trình này.

Thanh Sơn