Cứ viết sai so với trong sách là 0 điểm nên học trò rất sợ, thậm chí ghét môn Sử

03/12/2021 06:40
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Muốn học trò yêu thích môn Lịch sử thì cả xã hội hãy chung tay cùng ngành giáo dục làm sao để các em được sống lại với diễn biến của lịch sử.

Lâu nay không ít học sinh ngại môn Lịch sử, cho đó là môn phải học thuộc lòng với quá nhiều kiến thức về sự kiện, số liệu, nhân vật, nguyên nhân, diễn biến, kết quả... với bao nhiêu giai đoạn, thời kỳ.

Vì thế với môn Lịch sử, các em cảm thấy thiếu hứng thú, học một cách thụ động.

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội diễn ra tháng 11/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa nhận môn Lịch sử rất quan trọng nhưng thực tế có tình trạng học sinh không ham thích môn Lịch sử, học đối phó, điểm thi thấp.

"Môn học đó cho chúng ta những hiểu biết xã hội, lịch sử, những kinh nghiệm sống, giúp cho việc tu dưỡng và phát triển con người, hiểu biết về đất nước, bồi dưỡng tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc.

Lịch sử đất nước hào hùng, có rất nhiều điều mà các thế hệ sau tự hào nhưng tại sao học sinh không hứng thú, điểm thì thấp, điều đó có lẽ nằm ở việc tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá", Bộ trưởng thừa nhận.

Để hiểu rõ hơn về câu chuyện dạy và học môn Lịch sử, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang- Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam đưa ra quan điểm rằng, cuộc đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo lần này dưới tinh thần của Nghị quyết 29 đòi hỏi chúng ta phải chuyển mạnh từ cách tiếp cận theo phương thức truyền đạt kiến thức sang tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực – tức là dạy cho người học chủ yếu phương pháp, cách nghĩ, lối tư duy và khả năng tìm kiếm thông tin nên đó phải là những kiến thức căn bản, tối thiểu chứ không chăm chăm dạy theo kiểu “nhồi nhét” thật nhiều kiến thức cụ thể nữa.

Nếu chúng ta đang cần lắm sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì môn Lịch sử còn cần hơn thế.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang- Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam (ảnh: NVCC)

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang- Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam (ảnh: NVCC)

“Với cách tiếp cận nội dung lâu nay nặng về kiến thức cụ thể, đánh đố hơn là kỹ năng, phương pháp phân tích, đánh giá nên việc kiểm tra và đánh giá cũng thiên về “trả bài” hơn thông hiểu, vận dụng, liên hệ thực tế.

Điều đó, vô hình chung làm cho các em hiểu lịch sử đơn giản chỉ là nhớ những gì xảy ra trong quá khứ, những chuyện đã qua từ lâu, không liên hệ gì đến hiện tại và càng không có liên quan gì đến tương lai khiến cho các em sợ, chán thậm chí ghét môn Lịch sử”, Giáo sư Vũ Minh Giang nêu quan điểm.

Nguyên nhân nào khiến học trò chán môn Lịch sử?

Giáo sư Vũ Minh Giang chỉ ra những nguyên nhân khiến học trò chán môn Lịch sử. Đó là do cách tiếp cận nội dung nên giáo viên bắt học sinh nhớ quá nhiều thông tin trong khi Lịch sử là môn học có quá nhiều thứ để nhớ khiến các em sợ hãi.

Vì bắt học sinh nhớ quá nhiều kiến thức nên thi cử cũng không thoát khỏi việc đánh đố, cái này là cái gì?.

Theo Giáo sư Vũ Minh Giang, nếu thi trắc nghiệm mà câu hỏi vẫn “đố cái này là cái gì” thì đây mới chỉ là đổi mới phương thức thi, thay đổi cái vỏ mà thôi chứ phần quan trọng nhất của đổi mới phải là nội dung câu hỏi.

Người ra đề thi cần đánh giá năng lực phải theo hướng các kiến thức cơ bản được trộn vào nhau, ra đề là để đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc của thí sinh.

Các năng lực như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lí số liệu, giải quyết vấn đề phải được vận dụng do đó để trả lời được câu hỏi dạng này thì người học phải có khả năng phân tích, nhận định, tổng hợp và chắc chắn không phải học trò nào cũng đáp ứng được.

Đó mới là cách để tuyển chọn thí sinh vào học đại học, đủ điều kiện tham gia vào quá trình sáng tạo tri thức mới, quá trình nghiên cứu chứ không còn là học những kiến thức có sẵn như học trò phổ thông nữa.

Đề thi mà như vậy thì chắc chắn người học không phải ngày đêm học thuộc ngày tháng, trận đánh, địa danh…. Thậm chí đó còn là những tư liệu cho sẵn để từ đó học sinh tự phân tích, khái quát, tổng hợp, logic.

Chưa kể, cách dạy học hiện nay từ chương trình đến giáo viên khá đơn điệu, khuôn mẫu cứ bắt đầu môn Lịch sử là mở bài, diễn biến rồi bài học kinh nghiệm. Chính điều này khiến học trò không thấy bóng dáng khoa học ở đó mà chỉ thấy phải học thuộc thật nhiều, viết sai sách giáo khoa là 0 điểm, trong khi Lịch sử là một môn khoa học.

Hơn nữa, với cách “tiếp cận nội dung” như hiện nay thì việc thi cử, đánh giá dù ở dạng tự luận hay trắc nghiệm đều là đánh đố trí nhớ của học sinh, cũng đều bắt học trò phải thuộc nội dung nào đó trong sách giáo khoa. Hậu quả của cách thi cử, đánh giá này đối với môn Lịch sử chúng ta đã thấy rõ. Đạt kết quả cao sẽ thuộc về 3 kiểu người.

Thứ nhất, đó là những người chăm chỉ, học thuộc lòng được tất những gì có trong sách giáo khoa, hỏi nội dung nào thuộc nội dung đó nên họ đạt điểm cao nhất trong kỳ thi. Đây chính là những “con vẹt” siêu đẳng.

Thứ hai, đó là những học trò đạt điểm cao nhưng không chăm chỉ như tuýp trên mà rất giỏi “học tủ”. Nếu gặp may đề ra trúng tủ thì họ sẽ đạt điểm rất cao. Còn ngược lại thì chắc chắn nhận điểm 0.

Thứ ba, đó cũng là học trò đạt điểm cao nhưng không có “năng lực và phẩm chất vẹt”, cũng không thèm đoán tủ mà quay cóp, gian lận trong thi cử, nếu trót lọt thì họ cũng nghiễm nhiên đứng trong hàng ngũ “trò giỏi”, đôi khi còn đỗ thủ khoa cũng nên (!).

Liệu chúng ta có cần 3 kiểu người này không? Chắc chắn là không, nhưng với cách học, cách thi như hiện nay thì không loại bỏ được những kiểu người không mong đợi này. Nếu chúng ta không sớm tìm cách ngăn chặn thì đây chính là hiểm họa của xã hội.

Cuối cùng, Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng, chúng ta luôn nói là môn Lịch sử quan trọng mà học sinh lại không coi trọng như một loạt lý do vừa nêu, giờ đây muốn khắc phục thì cần giảm tải những cách dạy và học theo lối “đánh đố cái này là cái gì”, để học sinh thích học và chương trình cần khuyến khích học sinh tự học, tự đọc, tự tìm hiểu và khi thi đừng trói học sinh vào những thông tin phải thuộc.

Do vậy, muốn học trò yêu thích môn Lịch sử thì cả xã hội hãy chung tay cùng ngành giáo dục làm sao để các em được sống lại với diễn biến của lịch sử. Tức là làm sao để từng bài giảng phải gắn liền với không gian, thời gian về thời kỳ đó thông qua bảo tàng, hình ảnh sinh động…

Thùy Linh