Cuồng thần tượng đến mù quáng là sự lệch lạc về nhân cách

15/07/2012 06:20
Bích Thảo (Thực hiện)
Theo dõi trên Google News
(GDVN) - "Chắc chắn là cách giáo dục con cái ngay từ trong gia đình có thể làm hại giới trẻ. Gia đình nghèo ở nông thôn thì trẻ phải tham gia lao động nên không có nhiều thời gian để thần tượng ai đó. Còn ở thành phố trẻ được chiều chuộng quá, chỉ học - học thụ động, học đối phó, "học hộ" bố mẹ và hưởng thụ thành ra trẻ thấy mình thừa thãi".
Xung quanh đề thi về thần tượng khối D thi ĐH đã nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau. Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Dững - Trưởng Khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền về vấn đề này.

Giới trẻ "vỡ mộng" nên phải tìm đến thần tượng

PGS.TS Nguyễn Văn Dững
PGS.TS Nguyễn Văn Dững

- Ông đánh giá như thế nào về cách ra đề thi văn nghị luận khối D trong kì thi ĐH vừa rồi?


PGS.TS Nguyễn Văn Dững: Tôi rất ủng hộ những đề thi mở như thế này. Đề thi môn Văn khối D dạng nghị luận mở, gắn với thực tế như vậy có thể giúp tránh lối học vẹt, tránh được lỗi chữ nghĩa đơn giản, nhàm chán. Trước đây đề thi Văn của chúng ta có baren đáp án dài hàng 2,3 trang giấy. Không đâu ngoài Việt Nam có kiểu chấm văn như vậy, gạch đầu dòng nọ, gạch đầu dòng kia theo kiểu "đếm củ dưa hành, đo lọ nước mắm", đáp án dài hơn đề toán, dài hơn đề sử. Đề văn như thế làm khổ cả người thi và người chấm. Theo tôi nền giáo dục Việt Nam mấy chục năm vừa rồi và hiện nay thật là quá nhiều vấn đề, xuống cấp và biểu hiện tha hóa.

Năm nay đề thi về thần tượng là những vấn đề đang tồn tại thực tế trong giới trẻ cũng rất hay và gần gũi với các bạn trẻ. Vấn đề này cũng không riêng gì giới trẻ.

- Việc thần tượng theo ông có tác động tích cực và tiêu cực như thế nào đối với giới trẻ? 

PGS.TS Nguyễn Văn Dững: Thần tượng và thần tượng hóa không chỉ của người trẻ mà còn của tất cả mọi tầng lớp, lứa tuổi. Thường thì con người bao giờ cũng có thần tượng của mình. Việc ngưỡng mộ những cái hay cái đẹp là rất đáng trân trọng, vì nó giúp cho chúng ta biết hướng tới những giá trị hoàn hảo hơn, những cái đẹp, cái hay, cái văn hóa hơn. Nói chung là những giá trị cao cả hơn. 

Nếu đam mê đến mê muội, mù quáng thì có thể làm cho tư duy của giới trẻ méo mó, lệch lạc về nhân cách, khủng hoảng về tinh thần. Thậm chí nếu không biết cách giải quyết khủng hoảng cá nhân thì có thể tạo ra nhiều hệ quả xấu hơn ví dụ như tự tử, giết người. 

Giới trẻ đang có biểu hiện ngày càng xa rời hiện thực vì giá trị thực làm cho họ bị sốc, choáng váng và vỡ vụn những giấc mơ. Hệ giá trị mà giới trẻ được cung cấp so với giá trị thực mà hàng ngày giới trẻ chiêm nghiệm có sự va đập, xung đột.

Điều này dễ xảy ra khủng hoảng giá trị và giới trẻ đi tìm thần tượng và giá trị ảo của riêng mình. Tất nhiên là giá trị ảo này sẽ dễ đẻ ra rất nhiều hệ quả đối với  không ít các bạn trẻ như việc học tập, rèn luyện của giới trẻ không nghiêm túc, làm thui chột đi cả thể chất lẫn tinh thần, làm cùn mòn chất xám và như thế tức là làm suy yếu nguồn lực của đất nước. Chúng ta không thể xây dựng đất nước, không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên nguồn lực như thế.

- Ông có thể lí giải tại sao ngày càng có nhiều hiện tượng cuồng thần tượng ấy xảy ra ở giới trẻ?

PGS.TS Nguyễn Văn Dững: Tại sao có hiện tượng giới trẻ thần tượng đến mê muội, đó là vấn đề xã hội khi cuộc sống ngày càng có nhiều giá trị ảo hơn là những giá trị thật. 

Những giá trị trong cuộc sống đôi khi là trái ngược, xung khắc, mẫu thuẫn nhau, thậm chí là hạ bệ nhau, thành ra giới trẻ phải đi tìm những thế giới ảo khác thả hồn vào giá trị ảo đó. Tại sao ngày càng có nhiều vụ án giết người dã man hơn… xu hướng "tự xử" gia tăng, bởi vì người ta dần không tin vào cách ứng xử của không ít những người có trách nhiệm, không tin vào ngay cả cách hành xử theo pháp luật. 

Sở dĩ nó xảy ra ở giới trẻ vì giới trẻ mơ mộng hơn, lãng mạn hơn, năng động hơn do đó khủng hoảng giá trị ở giới trẻ thường dễ bị vỡ. Giai đoạn này nhiều người gọi là giai đoạn nhạy cảm. Tất cả mọi vấn đề đều do xã hội đẻ ra. 

Giáo dục cứng nhắc làm trẻ xa rời thực tế

- Theo ông với những lệch lạc trong suy nghĩ lối sống của giới trẻ như vậy thì vai trò của gia đình và nhà trường đến đâu?

Nhiều bạn trẻ bỏ học, bỏ gia đình vì thần tượng
Nhiều bạn trẻ bỏ học, bỏ gia đình vì thần tượng

PGS.TS Nguyễn Văn Dững:
Chắc chắn là cách giáo dục con cái ngay từ trong gia đình có thể làm hại giới trẻ. Gia đình nghèo ở nông thôn thì trẻ phải tham gia lao động nên không có nhiều thời gian để thần tượng ai đó. Còn ở thành phố trẻ được chiều chuộng quá, chỉ học - học thụ động, học đối phó, "học hộ" bố mẹ và hưởng thụ thành ra trẻ thấy mình thừa thãi, thấy cuộc sống của mình nhàm chán nên chúng phải tìm đến những thế giới khác mà theo chúng là thú vị hơn.

Cách giáo dục cứng nhắc, đọc chép, dạy cho trẻ em nói dối và khuôn mẫu cứng nhắc ngay từ khi học tiểu học thì làm sao mà trẻ có thể phát triển tư duy tốt lên được. Đây là hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện nay. 

Môi trường sống, môi trường giao tiếp truyền thông, nhất là truyền thông mạng internet cũng có nhiều vấn đề tác động tiêu cực tới giới trẻ. Cách ứng xử giữa người lớn với nhau và cách chúng ta ứng xử với hệ giá trị vốn dĩ được đề cao hoặc chí ít được đề cao trên lời nói… cũng góp phần tạo nên khủng hoảng giá trị ở giới trẻ.

- Với những lệch lạc đó thì liệu rằng đề văn năm nay tác động như thế nào đến giới trẻ, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Dững: Trước mắt, các lứa học sinh đi sau sẽ quan tâm hơn về cách tiếp cận các vấn đề xã hội và vận dụng kiến thức văn học để  giải quyết nó; giúp học sinh chủ động mở mang tìm kiếm thông tin, kiến thức để tự làm giàu kho tàng văn học - văn hóa của mình.

Đề văn năm nay hay vì giúp giới trẻ nhìn nhận lại quan điểm của cá nhân, thừa nhận cái gì, phê phán cái gì, chọn lọc lại được những cái gì để giúp hình thành nhân cách. Vấn đề thần tượng, bất cứ cái gì thần tượng hóa cũng là sai lầm, vì trên đời không có gì là hoàn hảo cả. Thần tượng là vấn đề xã hội chứ không riêng gì giới trẻ.

Bích Thảo (Thực hiện)