Đã bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, sao Bộ lại yêu cầu giáo viên tải minh chứng?

22/03/2021 06:40
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu lãnh đạo Bộ đã nhìn thấy sự bất cập, mâu thuẫn giữa các văn bản thì sao lại bắt buộc giáo viên phải tải minh chứng để minh chứng cho các tiêu chí để làm gì?

Các Thông tư 02,03,04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học đến trung học phổ thông công lập ngày 02/2/2021 đã bỏ tiêu chí chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên.

Về sự việc này, một số lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã khẳng định là thời điểm này không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên nữa.

Nhưng, việc Bộ đang yêu cầu giáo viên tải minh chứng lên phần mềm tập huấn trực tuyến một lần nữa lại thể hiện sự mâu thuẫn với các Thông tư 02,03,04/2021/TT-BGDĐT.

Vì giáo viên lấy gì để minh chứng cho 2 tiêu chí này nếu không phải là chứng chỉ bởi Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD cũng gợi ý minh chứng cho 2 tiêu chí này là chứng chỉ ngoại ngữ và tin học?

Trên phần mềm trực tuyến cũng được yêu cầu đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo 3 bước (Ảnh: Thanh An)

Trên phần mềm trực tuyến cũng được yêu cầu đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên

theo 3 bước (Ảnh: Thanh An)

Bộ “cởi” chỗ này nhưng lại “trói” chỗ khác

Không phải đợi đến Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông với 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí mà từ năm 2009 thì giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông đã phải đánh giá chuẩn nghề nghiệp theo Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT với 6 tiêu chuẩn và 25 tiêu chí.

Việc xếp chuẩn nghề nghiệp giáo viên hàng chục năm qua luôn khiến cho giáo viên lúng túng khi đi tìm minh chứng cho các tiêu chí bởi có nhiều tiêu chí không biết tìm đâu ra minh chứng.

Hơn nữa, hơn chục năm qua thì năm nào giáo viên cũng chỉ đi tìm chừng ấy minh chứng để minh chứng cho 6 tiêu chuẩn và 25 tiêu chí theo Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT (trước đây) và Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT (bây giờ) để làm gì?

Khi Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT được ban hành cũng chẳng thay đổi được bao nhiêu, vẫn là những minh chứng về bằng cấp, chứng chỉ, kế hoạch, giáo án, biên bản, phiếu dự giờ…

Nhưng, có lẽ chưa bao giờ giáo viên lại vất vả đi tìm minh chứng bằng khi Bộ yêu cầu tải minh chứng lên phần mềm tập huấn trực tuyến trong những ngày vừa qua.

Điều trớ trêu nhất Bộ đã nói bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ nhưng các tiêu chí này vẫn tồn tại, Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT và Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD vẫn còn nguyên hiệu lực.

Giải thích vấn đề này, trên Báo Tuổi trẻ ngày 20/3/2021 đã trích dẫn lời ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) như sau: “Việc điền thông tin theo các tiêu chí (cập nhật dữ liệu lên Temis) chỉ là quy định mang tính kỹ thuật để truy cập vào hệ thống tập huấn trực tuyến.

Nhưng không nhất thiết giáo viên đều phải ghi "đạt" mà có thể ghi "không đạt" nếu thực tế chưa đạt. Còn nếu đã ghi "đạt" thì hệ thống này sẽ yêu cầu cung cấp minh chứng.

Việc điền thông tin theo các tiêu chí chỉ nhằm để biết giáo viên đã đạt mức nào, điểm nào còn chưa đạt. Điều này để giảng viên chủ chốt và giáo viên cốt cán nắm được tình hình giáo viên khi hướng dẫn, hỗ trợ”. [1]

Có lẽ ông Nguyễn Xuân Thành đã quên mất rằng tại mục 2, điều 10 của Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT đã hướng dẫn:

a) Đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức tốt: Có tất cả các tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, tối thiểu 2/3 tiêu chí đạt mức tốt, trong đó có các tiêu chí tại Điều 5 Quy định này đạt mức tốt;

b) Đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức khá: Có tất cả các tiêu chí đạt từ mức đạt trở lên, tối thiểu 2/3 tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, trong đó các tiêu chí tại Điều 5 Quy định này đạt mức khá trở lên;

c) Đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức đạt: Có tất cả các tiêu chí đạt từ mức đạt trở lên;

d) Chưa đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên: Có tiêu chí được đánh giá chưa đạt (tiêu chí được đánh giá chưa đạt khi không đáp ứng yêu cầu mức đạt của tiêu chí đó)”. [2]

Với hướng dẫn này, mà ông Nguyễn Xuân Thành nói rằng: “không nhất thiết giáo viên đều phải ghi "đạt" mà có thể ghi "không đạt" nếu thực tế chưa đạt” thì có phải là mâu thuẫn và làm khó giáo viên hay không?

Bởi, chỉ cần 1 tiêu chí “chưa đạt” cũng đồng nghĩa với việc giáo viên đó “chưa đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên” mà chưa đạt chuẩn nghề nghiệp thì giáo viên đó có xứng đáng được đứng lớp để giảng dạy hay không?

Nhưng rồi, ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cũng đã phải thừa nhận: “bộ tiêu chí này xây dựng từ năm trước và chưa điều chỉnh sau khi có quy định bỏ chứng chỉ ngoại ngữ đối với giáo viên.

Sau khi có phản ảnh của giáo viên, chúng tôi đã yêu cầu bỏ tiêu chí chứng chỉ ngoại ngữ và bỏ luôn phần cập nhật minh chứng đi kèm tiêu chí.

Những quy định cản trở việc tiếp cận vào hệ thống tập huấn trực tuyến của giáo viên sẽ phải điều chỉnh, vì mong muốn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tất cả giáo viên dù đạt hay chưa đạt chuẩn nghề nghiệp đều được tập huấn kịp thời chương trình giáo dục phổ thông mới". [1]

Nên nhớ, các Thông tư 02,03,04/2021/TT-BGDĐT được ban hành ngày 02/2/2021 nhưng mãi sang đầu tháng 3/2021 thì Bộ mới bắt buộc giáo viên phải tải minh chứng lên phần mềm.

Nếu lãnh đạo Bộ đã nhìn thấy sự bất cập, mâu thuẫn giữa các văn bản thì sao lại bắt buộc giáo viên phải tải minh chứng để minh chứng cho các tiêu chí để làm gì? Hơn nữa, thời điểm này thì giáo viên đã hoàn tất việc tải minh chứng lên phần mềm cả rồi.

Nhiều địa phương phải hoãn ngày hoàn thành việc tải minh chứng cho giáo viên

Đầu tháng 3/2021 thì khi giáo viên mở phần mềm tập huấn trực tuyến xuất hiện yêu cầu: “tải minh chứng và hoàn thành nhiệm vụ trước ngày 15/3”. Nhưng, sau đó thì giáo viên được gia hạn đến ngày 20/3 vì dưới cơ sở làm không kịp.

Sự chậm chễ của giáo viên và các nhà trường do những nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất: theo Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD [3] thì mỗi tiêu chí có nhiều minh chứng. Có minh chứng dễ dàng chụp lại nhưng có những minh chứng được hướng dẫn mơ hồ mà căn cứ nhiệm vụ được phân công thì không phải giáo viên nào cũng có được đầy đủ các minh chứng.

Có nhiều thầy cô thấy băn khoăn nên phải lên Ban giám hiệu hỏi về các minh chứng, nhân viên văn thư phải lục lại hồ sơ cá nhân đã đánh giá, xếp loại từ năm trước để cho giáo viên sao chụp lại.

Thứ hai: có nhiều loại hồ sơ của nhà trường cùng minh chứng chỉ 1 tiêu chí nên phải chụp nhiều lần theo số lượng giáo viên trong nhà trường nên việc thực hiện rất lâu.

Thứ ba: Ban giám hiệu nhà trường, tổ trưởng chuyên môn cũng phải tự đánh giá, cũng phải chụp minh chứng để tải lên phần mềm. Ngoài ra, họ còn phải giải thích những băn khoăn cho giáo viên, phải cập nhật các tiêu chí và nhận xét đánh giá từng giáo viên.

Bởi, theo hướng dẫn của Bộ thì quy trình đánh giá chuẩn giáo viên qua 3 bước: giáo viên tự đánh giá; tổ chuyên môn đánh giá và thủ trưởng đơn vị đánh giá.

Thứ tư: có một bộ phận thầy cô chưa thành thạo các thao tác chụp ảnh, sau đó tải ảnh từ điện thoại sang máy tính rồi phải lưu và tải lên phần mềm trực tuyến (vì từ điện thoại không hiển thị phần tải trực tiếp lên phần mềm).

Vì vậy, nhiều thầy cô phải nhờ đồng nghiệp giúp đỡ mới hoàn tất công việc của mình. Trong khi, những ngày qua thì giáo viên phổ thông được yêu cầu góp ý, bỏ phiếu chọn sách giáo khoa và đặc biệt là thời điểm này lại trùng với lịch kiểm tra giữa học kỳ của các nhà trường nên giáo viên vô cùng vất vả…

Rõ ràng, chỉ một đầu công việc mà Bộ yêu cầu, cho dù nó chỉ là “quy định mang tính kỹ thuật để truy cập vào hệ thống tập huấn trực tuyến” – như lời ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học nói nhưng giáo viên cả nước phải mất rất nhiều thời gian để sao chụp và tải lên phần mềm.

Nhưng, tải lên để làm gì khi mà chuẩn nghề nghiệp đã đánh giá từ năm học trước, thậm chí có những tiêu chí ngoại ngữ, tin học thì Bộ đã chủ trương bỏ cho giáo viên nhưng phần mềm lại vẫn yêu cầu…minh chứng? Người viết phần mềm cho Bộ nghĩ giáo viên dưới cơ sở đang nhàn hạ lắm hay sao ấy?

Vấn đề nữa quan trọng hơn là tải minh chứng lên phần mềm tập huấn trực tuyến để làm gì?

Cá nhân, tổ chuyên môn và nhà trường đã đánh giá từ năm học trước, đã lưu hồ sơ và báo cáo kết quả đánh giá, xếp loại giáo viên lên Phòng, Sở Giáo dục. Bây giờ, liệu Bộ Giáo dục có đủ người để đọc minh chứng của hàng triệu giáo viên trên cả nước hay không?

Ngay cả “giảng viên chủ chốt và giáo viên cốt cán” thì cũng chẳng ai đọc mấy thứ minh chứng này làm gì vì họ “hướng dẫn, hỗ trợ” giáo viên thì hỗ trợ về chuyên môn chứ mấy chục cái ảnh minh chứng có ý nghĩa gì đâu!

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/giao-vien-vat-va-voi-minh-chung-20210320090622925.htm

[2] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-20-2018-tt-bgddt-chuan-nghe-nghiep-giao-vien-co-so-giao-duc-pho-thong-166608-d1.html

[3]https://thuvienphapluat.vn/cong-van/giao-duc/Cong-van-4530-BGDDT-NGCBQLGD-2018-huong-dan-thuc-hien-Thong-tu-20-2018-TT-BGDDT-404166.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN