Nhiều gợi ý nguồn minh chứng chẳng liên quan gì đến chuẩn giáo viên

05/04/2018 06:08
Nhật Duy
(GDVN) - Dự thảo đưa ra rất nhiều “nguồn minh chứng” trùng lặp, thậm chí có những gợi ý về minh chứng chẳng liên quan gì đến tiêu chuẩn, tiêu chí đã đề cập trong chuẩn.

LTS: Trước những bất cập trong gợi ý nguồn minh chứng cho Dự thảo Chuẩn giáo viên phổ thông mới, thầy giáo Nhật Duy đã có bài viết chia sẻ.

Từ đó, thầy Nhật Duy mong muốn rằng, khi ban hành chính thức Chuẩn giáo viên phổ thông thì Bộ cũng cần đánh giá lại thấu đáo những bất cập trong bản Dự thảo.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt dự thảo của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã được công bố để lấy ý kiến đóng góp của công luận.

Chúng tôi cho rằng đây là một việc làm thể hiện sự cầu thị của Bộ trước khi ban hành một văn bản chính thức nhằm hướng tới sự phát triển cho ngành giáo dục.

Tuy nhiên, điều dư luận thấy băn khoăn, lo lắng là một số văn bản dự thảo mà Bộ đã công bố chưa có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, xa với thực tế, khó thực hiện và nếu khi đưa vào thực hiện chắc cũng chẳng thay đổi được nội dung của vấn đề.

Nhiều nguồn gợi ý minh chứng chưa liên quan đến nội dung chuẩn (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).
Nhiều nguồn gợi ý minh chứng chưa liên quan đến nội dung chuẩn (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).

Dự thảo chuẩn giáo viên phổ thông vừa công bố là một ví dụ khi hướng dẫn nguồn minh chứng vô cùng rối rắm, chồng chéo và không cần thiết.

Trước khi phân tích sự bất cập trong gợi ý nguồn minh chứng cho Dự thảo Chuẩn giáo viên phổ thông mới, chúng tôi xin điểm lại Chuẩn giáo viên phổ thông hiện hành đang thực hiện trong những năm qua.

Bộ Chuẩn giáo viên phổ thông hiện nay được thể hiện qua 6 tiêu chuẩn và 25 tiêu chí, ban hành từ năm 2009 và thực hiện từ đó cho đến nay.

Gần chục năm qua, cũng chừng ấy tiêu chuẩn, chừng ấy tiêu chí và cũng đánh giá về một con người. Thử hỏi cái chuẩn đó liệu có phải là “chuẩn” không?

Hàng năm, khi đánh giá chuẩn giáo viên thì bắt buộc giáo viên phải photo cả đống giấy tờ để làm minh chứng. Nhưng, chúng tôi tin rằng chẳng có ai đọc nó làm gì.

Ngay cả những người photo các loại giấy tờ minh chứng cho mình cũng chẳng ai đọc.

Rồi nộp cho tổ trưởng, tổ trưởng tập hợp lại và nộp cho Ban giám hiệu để cất vào hồ sơ lưu của cá nhân. Vậy mà cứ phải làm, cứ phải tự xếp loại, họp hành hết cấp này đến cấp khác.

Bây giờ, Bộ Giáo dục lại công bố Dự thảo chuẩn giáo viên mới với 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí. Nhìn chung, cũng na ná như cái cũ, chỉ khác lần này thêm yêu cầu ngoại ngữ và tin học đối với giáo viên.

Điều chúng tôi vẫn thấy là ở phần gợi ý nguồn minh chứng của Dự thảo đưa ra rất nhiều “nguồn minh chứng” trùng lặp, thậm chí có những gợi ý về minh chứng chẳng liên quan gì đến tiêu chuẩn, tiêu chí đã đề cập trong chuẩn.

Nhiều gợi ý nguồn minh chứng chẳng liên quan gì đến chuẩn giáo viên ảnh 2Tiêu chuẩn giáo viên phổ thông mới không sát thực tế

Sở dĩ chúng tôi muốn dẫn ra những bất cập của nguồn minh chứng bởi vì việc đánh giá chuẩn giáo viên thì minh chứng được xem là công cụ để để đánh giá.

Điều này cũng đã được thể hiện rõ trong Điều 13, Công cụ đánh giá của Dự thảo Chuẩn giáo viên như sau:

“1. Bảng mô tả các mức theo tiêu chí và yêu cầu về minh chứng đối với giáo viên tiểu học (Phụ lục 01);

2. Bảng mô tả các mức theo tiêu chí và yêu cầu về minh chứng đối với giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông và giáo viên các trường trực thuộc Bộ (Phụ lục 02).

Vì thế, việc xếp chuẩn giáo viên lấy căn chứ nguồn minh chứng làm công cụ quan trọng nhất để đánh giá. Tuy nhiên, chúng ta sẽ thấy bất cập rất rõ trong việc hướng dẫn nguồn minh chứng của bản Dự thảo.

Nội dung của chuẩn và gợi ý nguồn minh chứng còn “vênh” nhau

Ngay tại Tiêu chí 1. Mẫu mực với học sinh: Lối sống lành mạnh, văn minh, chuẩn mực, tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc, ứng xử thân thiện với học sinh”.

Ở tiêu chí này nếu xếp ở mức Đạt thì cần có 4 minh chứng sau: “Minh chứng 1.1. Thư khen/giấy khen phản ảnh tích cực về những việc làm, tác phong, lối sống của giáo viên; Minh chứng 1.2. Bảng theo dõi/chấm công nề nếp lên lớp;

Minh chứng 1.3. Biên bản kiểm điểm bên chính quyền, chi bộ, tổ đảng nơi cư trú/ kết quả xếp loại Đảng viên đủ tư cách đạo đức, phẩm chất chính trị (nếu là Đảng viên), Các biên bản khác có liên quan; Minh chứng 1.4. Kết luận của các đợt thanh tra, kiểm tra các cấp (nếu có)”.

 Nếu xếp ở mức Khá thì thêm 2 minh chứng nữa là: “Minh chứng 1.5. Phiếu dự giờ/Biên bản họp tổ chuyên môn/Biên bản họp cha mẹ học sinh/Biên bản họp hội đồng nhà trường;

Minh chứng 1.6. Thư khen/giấy khen phản ảnh tích cực về những việc làm của giáo viên thể hiện lối sống, phẩm chất vì học sinh (nếu có)”.

Xếp ở mức Tốt thì thêm 1 minh chứng nữa: “Minh chứng 1.17. Biên bản họp Cha mẹ học sinh/họp tổ chuyên môn/họp hội đồng nhà trường”.

Nhìn vào phần gợi ý minh chứng ở tiêu chí 1 này, chúng ta dễ dàng nhận thấy là yêu cầu quá nhiều nguồn minh chứng.

Nhiều gợi ý nguồn minh chứng chẳng liên quan gì đến chuẩn giáo viên ảnh 3Thầy cô khốn khổ vì...minh chứng!

Nhưng, trớ trêu ở chỗ là phần lớn trong 7 minh chứng này lại chẳng liên quan đến nội dung của tiêu chí 1.

Và, đã hàng chục năm công tác trong ngành giáo dục, chúng tôi cũng chưa thấy cấp giấy khen để khen thầy cô giáo như những nội dung mà tiêu chí 1 đề cập. Nhưng, muốn được xếp loại tốt thì yêu cầu phải có đầy đủ minh chứng.

Ở Tiêu chí 13 có nội dung: "Năng lực xây dựng mối quan hệ với học sinh: Hợp tác, hỗ trợ học sinh phát triển, thúc đẩy hoạt động giáo dục và đào tạo”.

Thì Dự thảo gợi ý nguồn minh chứng như sau: “Minh chứng 13.1. Không ghi nhận việc giáo viên bị kỷ luật, tố cáo, vi phạm về thực hiện đầy đủ các qui định, qui tắc văn hóa ứng xử với học sinh, các yêu cầu về tinh thần phục vụ trong các hoạt động dạy học và giáo dục; Minh chứng 13.2. Biên bản họp tổ chuyên môn/Hội đồng nhà trường; Minh chứng 13.3. Biên bản họp cha mẹ học sinh”.

Xếp ở mức Khá thì cần thêm 3 minh chứng nữa là: “Minh chứng 13.4. Biên bản họp tổ chuyên môn/Hội đồng nhà trường; Minh chứng 13.5. Biên bản họp cha mẹ học sinh; Minh chứng 13.6. Thư khen/giấy khen (nếu có)”.

Xếp mức Tốt thì thêm 2 minh chứng nữa: “Minh chứng 13.7. Biên bản họp tổ chuyên môn/Hội đồng nhà trường; Minh chứng 13.8. Giấy khen/Bằng khen xác nhận việc  giải pháp khắc phục với các biểu hiện, hành vi sai trái trong thực hiện các qui định qui tắc văn hóa ứng xử với học sinh, các yêu cầu về tinh thần phục vụ trong các hoạt động dạy học và giáo dục”.

Sang đến tiêu chí 14: “Năng lực xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên: Xây dựng mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ đồng nghiệp và cấp trên, tạo môi trường văn hóa trong trường học” thì gợi ý minh chứng: Đối với giáo viên xếp mức Đạt cần: “Minh chứng 14.1. không ghi nhận việc giáo viên bị kỷ luật, tố cáo, vi phạm trong việc xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên; Minh chứng 14.2. Biên bản họp tổ chuyên môn/hội đồng nhà trường”.

Đối với mức Khá thì thêm 1 minh chứng: “Minh chứng 14.3. Biên bản họp nhóm/Tổ chuyên môn; phiếu đánh giá của lãnh đạo ghi nhận những đóng góp của giáo viên trong việc hợp tác, hỗ trợ đồng nghiệp nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và xây dựng văn hóa nhà trường”.

Mức Tốt thì thêm 2 minh chứng: “Minh chứng 14.4. Các giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen liên quan; Minh chứng 14.5. Báo cáo đề xuất/Biên bản họp nhóm/tổ/hội đồng nhà trường ghi nhận/quyết định/xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp đề xuất”...Các tiêu chí còn lại cũng được gọi ý nguồn minh chứng chung chung như vậy.

Nhiều gợi ý nguồn minh chứng chẳng liên quan gì đến chuẩn giáo viên ảnh 4Yêu cầu về ngoại ngữ trong Dự thảo chuẩn giáo viên là không khả thi

Một số câu hỏi gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ nhất, trong Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH về việc chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường ngày 07/1/2014 do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển kí.

Ở mục 3 của công văn này đã yêu cầu: “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường như sử dụng sổ điểm điện tử, phần mềm quản lý tổng hợp các số liệu, hồ sơ quản lý nhà trường”.

Vậy, hà cớ gì mà những sổ điểm, các kế hoạch, hồ sơ của giáo viên trong 1 năm học đã có, đã lưu rồi mà lại bắt giáo viên phải phô tô thêm một lần nữa để minh chứng chuẩn giáo viên?

Thứ hai, chẳng hạn như yêu cầu của tiêu chí về ngoại ngữ, tin học là “Giấy xác nhận/chứng chỉ trình độ ngoại ngữ đạt mức 2/6 theo khung năng lực ngoại ngữ dành cho Việt Nam” thì khi giáo viên đạt yêu cầu này rồi thì năm nào cũng phải phô tô để đưa vào làm minh chứng để làm gì cho mất thời gian?

Thứ ba là trong gợi ý minh chứng, chúng tôi đọc thấy có rất nhiều cụm từ như: “Không bị khiếu nại, ý kiến phản ánh tiêu cực về phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp”;

Không ghi nhận việc giáo viên bị kỷ luật, tố cáo, vi phạm về quyền dân chủ của học sinh, đồng nghiệp;

Không ghi nhận việc giáo viên bị kỷ luật, tố cáo, vi phạm về thực hiện dân chủ của giáo viên và nhà trường;

Không ghi nhận việc giáo viên bị kỷ luật, tố cáo, vi phạm về thực hiện đầy đủ các qui định, qui tắc văn hóa ứng xử với học sinh, các yêu cầu về tinh thần phục vụ trong các hoạt động dạy học và giáo dục;

Không ghi nhận việc giáo viên bị kỷ luật, tố cáo, vi phạm trong việc xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên”...

Nhiều gợi ý nguồn minh chứng chẳng liên quan gì đến chuẩn giáo viên ảnh 5Tìm đâu ra minh chứng cho việc đánh giá chuẩn giáo viên

Vậy đã “không” vi phạm, không bị tố cáo... nghĩa là tốt, mà tốt mấy tiêu chí này cũng có ai ghi nhận bằng văn bản, bằng giấy khen thì lấy gì làm nguồn minh chứng mà ban soạn thảo lại gợi ý đưa vào làm nguồn minh chứng?

Thứ tư là phiếu dự giờ, biên bản họp tổ, họp hội đồng sư phạm... được đưa vào làm minh chứng nhiều nhất cho các tiêu chí nhưng lại hướng dẫn chung chung.

Phiếu dự giờ là dự giờ của ai?

Phiếu dự giờ của giáo viên được đánh giá, hay phiếu dự giờ của đồng đồng nghiệp dự giờ giáo viên được đánh giá? Hướng dẫn như vậy rất gây hiểu lầm.

Hơn nữa, biên bản họp tổ, họp Hội đồng sư phạm đâu có thể làm minh chứng được nhiều vấn đề như Dự thảo của Chuẩn giáo viên.

Nếu có nội dung như vậy thì chẳng lẽ giáo viên trong trường cứ thay nhau đi mượn để photo sao? Trường có hàng trăm giáo viên thì photo đến lúc nào cho hết?

Thứ năm, trước khi được tuyển dụng thì cán bộ tổ chức của sở (phòng) Giáo dục, sở (phòng) Nội vụ đã nhận và kiểm duyệt hồ sơ.

Khi về trường thì phải làm hợp đồng với hiệu trưởng và nộp hồ sơ viên chức thêm một lần nữa để lưu.

Điều này cũng đồng nghĩa với chuyện bằng cấp, chứng chỉ đã được kiểm duyệt nhiều khâu, nhiều lần. Trong lý lịch cũng khai đi, khai lại nhiều lần.

Hàng năm xếp loại viên chức, xếp loại đảng viên thì nhà trường lưu, các loại hồ sơ sổ sách thì đầu năm tổ trưởng chuyên môn và phó hiệu trưởng chuyên môn kiểm tra và kí duyệt.

Quá trình hoạt động của 1 năm học thì có mấy lần kiểm tra chuyên đề của trường và mỗi khi kiểm tra xong thì trường lại lưu vào hồ sơ gốc cho giáo viên.

Có tiêu chuẩn thì giáo viên mới biết mình đang ở đâu!

Vậy mà khi cuối năm đánh giá chuẩn giáo viên thì giáo viên lại phải đi mượn để photo và làm minh chứng cho các tiêu chuẩn, tiêu chí trong chuẩn giáo viên để làm gì? Vô tình, hồ sơ cá nhân lưu cả bản gốc và nhiều bản sao với nhau.

Rõ ràng, Dự thảo Chuẩn giáo viên có nhiều bất cập, mà điều này thể hiện rõ nhất trong phần gợi ý nguồn minh chứng.

Vì thế, chúng tôi mong muốn khi ban hành chính thức Chuẩn giáo viên phổ thông thì Bộ cũng cần đánh giá lại thấu đáo những bất cập trong bản Dự thảo.

Nếu không, Bộ lại tiếp tục hướng dẫn giáo viên đang đi làm những việc vô bổ mà chẳng có tác dụng gì!

Nhật Duy