Đã đam mê thiên chức dạy người, mỗi thầy cô hãy tự tìm cho mình triết lý*

03/09/2020 06:24
Nguyễn Xuân Thu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Triết lý giáo dục còn gọi là triết lý sư phạm hay triết lý giảng dạy, gồm có ba trường phái.

Lời nói đầu: Tôi không định viết gì thêm về triết lý giáo dục sau mấy năm không viết bài nào về chủ đề này. Nhưng sau khi đọc bài viết của Tiến sĩ Giáp Văn Dương được đăng trên báo VnExpress, nhiều cảm hứng dâng lên, tôi đành viết bài ngắn này.

Mong muốn duy nhất của người viết là các bạn đọc, đặc biệt là các nhà giáo dục, các thầy cô và cộng đồng xã hội cùng lưu ý về từ triết lý giáo dục, phần mà bài báo của Tiến sĩ Giáp Văn Dương chưa nói rõ trong bài viết của mình.

Giáo sư Nguyễn Xuân Thu (Ảnh do tác giả cung cấp)
Giáo sư Nguyễn Xuân Thu (Ảnh do tác giả cung cấp)

1. Triết lý là gì?

Triết lý có hai nghĩa, thứ nhất, nếu là một ngành học thì gọi là triết học. Triết học trong tiếng Hy Lạp là “yêu thích trí tuệ” (Love of wisdom), chân lý hay sự thật.

Đối tượng của triết học là tìm tòi những quy luật chung nhất, bao quát của tự nhiên như nghiên cứu bản chất chính của tri thức, thực tại và sự tồn tại của nó, và nghĩa thứ hai, triết lý.

Triết lý là một lý thuyết, một chủ trương hoạt động như một nguyên tắc hướng dẫn hành vi của một người, một tổ chức.

Trong bài báo của Tiến sĩ Giáp Văn Dương đăng trên Báo điện tử VnExpress.net ngày 25/8/2020, ông khẳng định “Còn nước còn tát” là triết lý của ngành y, rất chính xác nếu gọi đó là một loại triết lý thực hành, chú trọng vào khía cạnh đạo đức trong ngành y tế, sức khỏe (y đức).

Nhưng cấu trúc của y tế ngày nay là một lĩnh vực rộng lớn và phức tạp, bao gồm nhiều ngành và nhiều lĩnh vực khác nhau, do đó không thể nói “Còn nước còn tát” là triết lý của ngành y.

Tại Việt Nam từ lâu, trong những văn bản pháp quy của các cơ quan nhà nước, từ triết lý rất ít được sử dụng. Thay vào đó, hầu hết mọi nơi đều sử dụng từ nghị định, sắc lệnh, quyết định… Vậy sự khác biệt và giống nhau giữa triết lý và các văn bản pháp quy là gì?

2. Triết lý và các văn bản pháp quy

Trước hết, cả triết lý và các văn bản pháp quy (như sắc lệnh, quyết định, nghị định…) giống nhau ở chỗ hai loại văn bản đều cố gắng tối đa phản ánh sự thật chính xác nhất của mỗi loại hoạt động trong xã hội.

Còn khác nhau giữa triết lý và các văn bản pháp quy có nhiều:

Các tác phẩm triết học (1) có tác giả là các triết gia, nhà tư tưởng, nhà nghiên cứu soạn, in và phổ biến; (2) được ra đời sau một tiến trình lâu dài thực hiện các phương pháp nghiên cứu khoa học; (3) có đối tượng phục vụ phúc lợi của toàn xã hội và không mang màu sắc chính trị và biên giới quốc gia; (4) được giới hàn lâm và đông đảo các cộng đồng trong xã hội công nhận; (5) có đời sống rất lâu dài trong nước và cả quốc tế.

Trong lúc đó, các văn bản pháp quy như luật, sắc lệnh, nghị định, quyết định (1) được ra đời cho một số mục tiêu ngắn hạn hơn; (2) có phạm vi phục vụ không bao phủ hết mọi thành phần dân chúng trong xã hội; (3) mang tính chất chính trị nhiều hơn; (4) ít chú trọng đến các phản biện khách quan của xã hội, hoặc nếu có, thì sự phản biện còn mang tính hình thức; (5) ít tham khảo các công trình nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và trên thế giới; do đó thường xuyên có nhiều sửa đổi, điều chỉnh và chỉ có không gian sống trong nước và rất ngắn.

Chính vì thế có nhiều ý kiến đề xuất, để các văn bản pháp quy (gồm lý thuyết và chương trình hành động) được công chúng thừa nhận rộng rãi, các cơ quan cho ra đời các văn bản pháp quy cần tham khảo thêm các công trình nghiên cứu lý thuyết của các nhà tư tưởng, triết gia, giới chuyên môn và chú trọng thêm các yếu tố đạo đức, môi trường, giới tính và phúc lợi của toàn xã hội.

3. Triết học giáo dục và Triết lý giáo dục

3.1 Nếu là một ngành học, gọi là triết học giáo dục, là ngành triết học ứng dụng liên quan đến bản chất và mục tiêu của giáo dục, chính xác là nuôi dưỡng và đào tạo con người có tri thức, kỹ năng và phẩm chất để có niềm tin cao nhất nhằm phục vụ con người (bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và nhân loại).

Nghiên cứu triết học giáo dục không thể không biết đến bốn ngành chính của triết học, đặc biệt là rất được tôn trọng cho đến thập niên 50s của thế trước, lúc Triết lý hiện sinh (với các tên Jean Paul Sartre, Albert Camus…) xuất hiện ở châu Âu sau Thế chiến Thứ hai, gồm: Siêu hình học (nêu lên và trả lời các câu hỏi về vũ trụ vật chất và bản chất của thực tại), Nhận thức luận (năng lực hiểu biết của con người đến đâu), Tiên đề học (nghiên cứu các nguyên tắc và các giá trị căn bản) và Logic học (tìm hiểu các quá trình suy luận). Các thầy cô giáo không thể không nghiên cứu đến những ngành triết học này.

3.2 Lúc lĩnh vực học thuật này trực tiếp đến các hoạt động cụ thể của giáo dục (mục tiêu, chương trình, phương pháp và ý nghĩa của giáo dục) thì gọi là triết lý giáo dục.

Triết lý giáo dục còn gọi là triết lý sư phạm hay triết lý giảng dạy, gồm có ba trường phái, tiêu biểu:

(1) Trường phái triết lý giáo dục lấy giáo viên làm trung tâm, nội dung của giáo dục được giảng dạy rất khác nhau giữa các chủ nghĩa: a) theo chủ nghĩa Thiết yếu (Essentialism) dạy những điều cần thiết trong cuộc sống, như trong các trường công lập ở Mỹ hiện nay và b) dạy theo chủ thuyết Lâu năm (Perennialism) mang tính lý thuyết, hàn lâm và học các tác phẩm lớn, rất phổ biến trong các trường phổ thông tư thục ở Anh và ở Mỹ).

(2) Trường phái triết lý lấy học sinh làm trung tâm gồm ba loại: a) theo chủ nghĩa Tiến bộ (Progressivism), tập trung phát triển la bàn đạo đức của học sinh; b) chủ nghĩa Nhân văn (Humanism) bồi dưỡng mỗi học sinh phát huy khả năng cao nhất của mình; c) chủ thuyết Kiến tạo (Constructivism) sử dụng giáo dục để hình thành thế giới quan riêng của học sinh.

(3) Trường phái triết lý giáo dục lấy xã hội làm trung tâm có hai loại: a) chủ nghĩa Tái cấu trúc (Reconstructism) cho rằng giáo dục là phương tiện để giải quyết các vấn đề xã hội và b) chủ nghĩa Hành vi (Behaviorism) tập trung trau dồi các hành vi của học sinh có lợi cho xã hội.

4. Triết lý giáo dục của mỗi giáo viên

Trong đời sống, các yếu tố liên quan đến hoàn cảnh, môi trường, giáo dục, kinh nghiệm sống… hình thành nên mỗi người với một niềm tin riêng, nhân sinh quan riêng, hay triết lý sống khác nhau, và nếu là một nhà giáo, tất nhiên bạn phải xây dựng cho mình một triết lý giáo dục riêng.

Triết lý ấy là phiến đá thử vàng, tài sản riêng trong đời của bạn. Triết lý ấy được tích lũy từ suốt thời thơ ấu của bạn, trong những năm tại các trường phổ thông, ở trường sư phạm, và học suốt đời của bạn. Chính triết lý ấy giúp bạn thắp sáng nghề nghiệp trong đời của mình.

Để trở thành một nhà giáo, bạn phải nghiên cứu tìm trường nào thích hợp rồi nộp hồ sơ xin việc.

Ngoài bản tiểu sử soạn thật cẩn thận phản ánh trung thực nhất triết lý sống và triết lý giáo dục của mình, bạn cần phải chuẩn bị trả lời những câu hỏi cho buổi phỏng vấn xin việc tại trường.

Một số câu hỏi nên chuẩn bị thật kỹ, như sau:

- Quan niệm của bạn như thế nào về những gì bạn muốn phát biểu?

- Mục đích của giáo dục là gì?

- Vai trò của giáo viên là gì?

- Giáo viên phải dạy như thế nào?

- Vai trò của học sinh là gì?

- Những gì nên được dạy?

Lưu ý rằng, nếu là một người đam mê thiên chức dạy học, bạn trả lời những câu hỏi trên bằng kinh nghiệm sống với trái tim và khối óc của mình.

Tài liệu sao chép vội trên mạng xã hội không làm nên mùa xuân của sự nghiệp giáo dục trong đời bạn.

(*) Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Nguyễn Xuân Thu