Trước nghi vấn hàng ngàn chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế của học sinh Đà Nẵng được mua bán từ các Trung tâm ngoại ngữ đang hoạt động rầm rộ ở địa phương này thì vấn đề đặt ra là trách nhiệm quản lý các trung tâm này thuộc về ai?
Bởi đang có nhiều vướng mắc, bất cập trong chính sách quản lý đối với các trung tâm này.
Đã có nhiều đơn thư tố cáo tiêu cực trong việc thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế gửi đến cơ quan chức năng Đà Nẵng trước khi địa phương này quyết định hủy bỏ môn ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Đơn thư tố cáo tiêu cực
Qúa trình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi có nhận được đơn tố cáo của một giáo viên đang giảng dạy môn ngoại ngữ trên địa bàn tố cáo tiêu cực trong việc thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Các trung tâm ngoại ngữ hoạt động bát nháo, khó kiểm soát. Ảnh: AN |
Theo đơn tố cáo này thì vừa qua, qua báo cáo của học sinh, giáo viên này được biết có hiện tượng tiêu cực trong thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tại Trun tâm G. (quận Hải Châu, Đà Nẵng).
Nhiều học sinh có sức học tiếng Anh rất yếu, có điểm tổng kết tiếng Anh dưới 5.0 vẫn thi đậu chứng chỉ Toefl và được quy ra điểm 9, 10 cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2019.
Phụ huynh phản đối vì Đà Nẵng thay đổi quy định tuyển sinh lớp 10 vào phút chót |
Theo bản tường trình của một số học sinh, có một giáo viên tiếng Anh tên N.V.M. (quận Ngũ Hành Sơn) chiêu sinh ôn tập trong ba buổi với giá 2 triệu đồng cùng lời cam kết học là thi đậu Toefl.
Ông M. đã cho các em một số đáp án đánh trắc nghiệm để làm bài thi. Hơn nữa, trong quá trình thi, các em có thể dễ dàng trao đổi, bàn bạc lẫn nhau cùng làm bài.
Kết quả, tất cả học sinh học tại lớp ông M. đều đạt chứng chỉ Toefl như đã được cam kết. Sự việc này gây dư luận bức xúc trong học sinh và phụ huynh, đồng thời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy chế thi cử cũng như chất lượng tuyển sinh lớp 10 năm 2019 của thành phố.
Do đó, cô giáo yêu cầu tổ chức thanh tra quy trình thi chứng chỉ Toefl của Trung tâm G., đồng thời, rà soát số lượng và chất lượng học sinh đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trên toàn thành phố;
Hủy bỏ quy định quy đổi điểm 9, điểm 10 môn tiếng Anh thi tuyển sinh lớp 10 đối với học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Xử lý nghiêm các cá nhân và tổ chức có biểu hiện gian lận trong thi cử.
Trước thời điểm Đà Nẵng quyết định hủy bỏ thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông đã có tin nhắn tố cáo tiêu cực liên quan đến việc mua bán chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế gửi đến số điện thoại của lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Hiện những đơn thư, tố cáo tiêu cực này đã được chuyển sang cơ quan công an điều tra, làm rõ.
Sở chỉ quản lý trung tâm do mình cấp phép
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, trong số 2.300 chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế do học sinh các trường trung học cơ sở nộp về sở để miễn thi môn ngoại ngữ thì chủ yếu nhận từ hai trung tâm là công ty trách nhiệm hữu hạn Giáo dục Nền tảng và Công ty IIG Việt Nam (chi nhánh Đà Nẵng).
Ngành giáo dục Đà Nẵng đang sửa sai |
Ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, sở này có cấp phép cho một đơn vị tổ chức thi ngoại ngữ quốc tế lấy chứng chỉ Cambrigde là Công ty trách nhiệm hữu hạn Giáo dục Nền tảng.
Còn lại công ty IIG Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng là do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép hoạt động.
“Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Giáo dục Nền tảng thì mỗi lần tổ chức kỳ thi đều có thông báo về Sở để nắm.
Đơn vị này cũng tổ chức các đợt thi với số lượng học sinh rất ít. Sở cũng cấp phép cho một số trung tâm ngoại ngữ nhưng chủ yếu hoạt động đào tạo là chính”.
Ngoài ra, còn một số đơn vị tổ chức thi IELTS, TOEFL theo dạng ai đến thi đậu thì họ cấp bằng.
Hiện nay có nhiều trung tâm ngoại ngữ đang hoạt động bát nháo, không có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.
Một lý do được đưa ra là các trung tâm này hoạt động theo hình thức doanh nghiệp nên việc cấp phép là do Sở Kế hoạch và Đầu tư, còn Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý về mặt chuyên môn.
Chính sự chồng chéo trong quản lý này khiến hoạt động dạy – học ngoại ngữ bên ngoài nhà trường khá phức tạp. Đã có nhiều phản ánh của phụ huynh về việc trung tâm ngoại ngữ quốc tế “treo đầu dê, bán thịt chó”, đào tạo chất lượng kém.