Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Sau giờ học, con tôi vẫn đi học thêm

21/07/2020 16:56
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại biểu Quốc hội Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, sau giờ học, con của đại biểu vẫn phải đi học thêm.

Ngày 21/7/2020, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi giám sát tại Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, nhiều vấn đề trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Chương trình mới, học sinh có còn phải đi học thêm không?

Phát biểu tại buổi giám sát, Đại biểu Quốc hội Phan Thị Bình Thuận – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới đã làm giảm việc học hàn lâm, tăng cường các tiết học ngoại khóa, để giảm cho học sinh phải mang vác nhiều khi đi học.

“Khi ngành giáo dục thực hiện triển khai chương trình này, thì có làm giảm được áp lực học tập cho học sinh hay không? Học sinh đã học 2 buổi/ngày, thì ngoài việc học trên trường, việc học sinh phải đi học thêm các môn ở các cơ sở đào tạo khác có giảm được không?”, Đại biểu Phan Thị Bình Thuận nêu.

Sau đó, Đại biểu Phan Thị Bình Thuận đã lấy dẫn chứng từ trường hợp của con mình: “Cháu học cả ngày trên trường. Sau giờ học, cháu phải đi học thêm. Sau khi kết thúc giờ học, cháu ăn uống qua loa rồi lại tiếp tục ngồi vào bàn học đến 12h đêm.

Toàn cảnh buổi giám sát của đại biểu Quốc hội ở Sở Giáo dục thành phố (ảnh: P.L)

Toàn cảnh buổi giám sát của đại biểu Quốc hội ở Sở Giáo dục thành phố (ảnh: P.L)

Tuy nhiên, khi lên lớp, có những môn mà giáo viên nói cháu chưa làm được bài, chưa nắm được bài. Như vậy, thời gian giữa giáo viên và học sinh dành cho việc học trên lớp như thế nào? Vấn đề này cần phải có đánh giá”.

Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh – ông Lê Duy Tân cho hay, cái khác của chương trình mới là cách tiếp cận trong dạy và học để hình thành năng lực và phẩm chất của người học.

Thành phố đã có sự chuẩn bị về mặt tâm lý, kiến thức dành cho người thầy trong chương trình mới này.

Về vấn đề dạy thêm, học thêm, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Ngành giáo dục luôn chỉ đạo giáo viên không được tổ chức dạy thêm, học thêm, nhưng vẫn có quyền tham gia dạy thêm.

Đại diện cho Sở Giáo dục thành phố nói rằng, việc học thêm phải xuất phát từ nhu cầu. Nếu có nhu cầu thì cần phải xem nơi nào được cấp giấy phép hoạt động, giáo viên đủ chuẩn, tham gia dạy thêm đúng quy định, có đóng thuế đầy đủ không.

Dù vậy, ông Lê Duy Tân vẫn khẳng định: Học trò sẽ trưởng thành nếu có khả năng tự học tốt, không dựa dẫm vào kiến thức của thầy cô giáo. Thầy cô phải đổi mới phương pháp dạy học, để các em học sinh có thể tự học, tự nghiên cứu.

Cũng theo ông Lê Duy Tân, ngành giáo dục kiên quyết với tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định, nhưng nếu có nhu cầu mà cơ sở nào đáp ứng đầy đủ quy định thì phụ huynh cứ lựa chọn.

Đổi mới chương trình có làm thiếu giáo viên của thành phố?

Phó trưởng đoàn, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh – bà Văn Thị Bạch Tuyết lo lắng: Trước mắt, đổi mới chương trình thì giáo viên lớp 1 của thành phố có đủ không? Thiếu bao nhiêu? Giải pháp như thế nào?

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết giải thích: Giáo viên chính là người quyết định thành công cho chương trình mới. Giáo viên thay đổi tư duy, phương pháp để đáp ứng chương trình. Điều này cần sự tiếp sức từ ngành, mà cụ thể là từ Sở chứ không phải chờ Bộ.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố (ảnh: P.L)

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố (ảnh: P.L)

Về công tác này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hiếu giải đáp: Với lợi thế đã triển khai giảng dạy tiếng Anh, tin học ở bậc tiểu học từ năm 1998, trước đây thì triển khai theo hình thức xã hội hóa (chương trình tự chọn, học phí thu theo thỏa thuận với phụ huynh).

Nhưng với chương trình giáo dục phổ thông mới, các môn này sẽ triển khai bắt buộc từ lớp 3, và tự chọn các lớp 1,2. Khó khăn lớn nhất ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố hiện nay là việc tuyển dụng giáo viên này, do chưa có quy định trong đề án vị trí việc làm.

Ngoài ra, hiện nay, theo đúng quy định thì phải có bằng cử nhân sư phạm thì mới đủ điều kiện đi dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học. Nên trong năm học 2019 – 2020, một số quận đã gặp khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, như không có ứng viên hay trúng tuyển rồi cũng từ bỏ nhiệm sở.

Thêm nữa, thành phố còn gặp khó khăn trong việc đảm bảo cơ sở vật chất để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trước thực tế đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản, chỉ đạo cụ thể định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện chương trình mới, nhất là đối với hai môn tiếng Anh và tin học.

Việt Dũng