Đại học Y và Ngoại thương chỉ là trường trung bình trong bảng xếp hạng 49

06/09/2017 20:00
Thùy Linh
(GDVN) - Thứ tự bảng xếp hạng cao thấp của 49 trường này, có thể xem trong bản tin này.

Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, các đại học của Việt Nam được phân thành ba hạng: Hạng 1, tương ứng với 30% số trường có điểm cao nhất; Hạng 2, tương ứng với 40% số trường có điểm cao thứ 2; Hạng 3, tương ứng với 30% số trường còn lại, có mức điểm thấp nhất.

Tuy nhiên, cách phân hạng các trường đại học thành ba loại khác nhau không cung cấp góc nhìn chi tiết về thực trạng của các trường, do đó thiên về phân loại nhóm trường thay vì xếp hạng định lượng các trường như cách làm của các bảng xếp hạng quốc tế phổ biến, do đó không tạo ra động lực để các trường phấn đấu cải thiện chất lượng. Chưa kể, việc phân tầng như vậy đã gây ra nhiều tranh cãi.

Và sau hai năm ban hành Nghị định, bảng xếp hạng phân tầng đại học vẫn chưa thấy được công bố.

Nhận thấy, cho đến nay, đại học Việt Nam chưa được xếp hạng một cách định lượng: trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới như Times Higher Education (THE), World University Rankings (QS), Webometrics..., Việt Nam chưa có trường đại học nào lọt vào danh sách Top 1000. 

Trong bối cảnh như vậy, Nhóm Xếp hạng đại học Việt Nam - một nhóm chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý nhà nước, đã tiến hành đề án xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với kỳ vọng, báo cáo xếp hạng sẽ trở thành nguồn tham khảo khả tín cho xã hội, tạo ra động lực cải cách cho các trường, đồng thời mở ra phương pháp và tiền lệ đánh giá xếp hạng đại học cho các năm tới. 

Đến chiều 6/9, tại Hà Nội, Nhóm Xếp hạng đại học Việt Nam phối hợp với Tạp chí Tia Sáng tổ chức buổi tọa đàm công bố Bảng xếp hạng đại học Việt Nam đầu tiên do nhóm tiến hành.

Được biết, thành viên của nhóm gồm 6 thành viên: 

- Tiến sĩ Lưu Quang Hưng - nhà nghiên cứu làm việc tại Melbourne, Australia (chủ biên báo cáo xếp hạng); 

- Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Anh - Giám đốc và nhà kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách DEPOCEN (đồng chủ biên báo cáo); 

- Tiến sĩ Giáp Văn Dương, nhà nghiên cứu độc lập, Chủ tịch Công ty GiapGroup (đề xuất dự án xếp hạng); 

- Tiến sĩ Ngô Đức Thế, nhà nghiên cứu đang làm việc tại Đại học Manchester, Anh; 

- Thạc sĩ Trần Thanh Thủy, nhà nghiên cứu tại DEPOCEN; 

Và Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, nghiên cứu sinh tại Đại học East Angila, Anh."

Trong lần đầu công bố, Nhóm Xếp hạng đại học Việt Nam đã xếp hạng 49 trường đại học có đầy đủ thông tin nhất trong số dữ liệu hơn 100 trường mà nhóm thu thập được từ năm 2014.

Kết quả bảng xếp hạng cho thấy, 2 Đại học Quốc gia với quy mô lớn đều nằm trong top đầu.

Đứng đầu tiên trong bảng xếp hạng là Đại học Quốc gia Hà Nội, vị trí thứ 4 là Đại học Đà Nẵng và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thứ ở vị trí số 5.

Điều đáng lưu ý, một số trường đại học nổi tiếng, thậm chí là sự lựa chọn đầu tiên của nhiều học sinh giỏi lại có xếp hạng trung bình như trường Đại học Y Hà Nội đứng thứ hạng 20, Đại học Ngoại thương đứng thứ 23, Đại học Kinh tế quốc dân đứng ở vị trí 30…

Theo nhóm nghiên cứu, bảng xếp hạng đại học độc lập chỉ mang tính chất tham khảo cho xã hội, tạo ra động lực cải cách cho các trường đại học Việt Nam, đồng thời mở ra phương pháp và tiền lệ đánh giá xếp hạng đại học cho các năm tới.

Danh sách xếp hạng tổng thể của 49 trường đại học như sau: 

Độ tin cậy, tính đúng đắn và các ý kiến với bảng xếp hạng này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ thông tin đến bạn đọc qua các số báo sau.

Thùy Linh