Khi năm học bước vào những tuần cuối của tháng 9 hàng năm là các trường phổ thông chuẩn bị và tiến hành hội nghị cán bộ, viên chức. Đây là công việc thường niên nên trong các nhà trường năm nào cũng đều phải thực hiện.
Có điều, năm nào các tổ chuyên môn cũng đăng ký chỉ tiêu của tổ mình nhưng việc đăng ký cũng chỉ là hình thức bởi Ban giám hiệu nhà trường bao giờ cũng ấn định chỉ tiêu cho các tổ, nhất là những tổ chuyên môn đóng vai trò quyết định đến việc xếp loại học tập của học sinh.
Ảnh minh họa: website trường Trung học cơ sở Tạ Thị Kiều (Bến Tre) |
Trước khi hội nghị cán bộ, viên chức chính thức được tổ chức thì Ban giám hiệu nhà trường và đại diện các đoàn thể, các tổ chuyên môn phải tiến hành họp để đăng ký và bàn về các chỉ tiêu của nhà trường, của các tổ chuyên môn trong năm học.
Sau đó, cũng đội ngũ cốt cán này phải tiến hành hội nghị trù bị để thống nhất các nội dung hội nghị, các chỉ tiêu của nhà trường. Đặc biệt, những gì còn thắc mắc, còn vướng thì hội nghị trù bị phải “gỡ” cho bằng xong để khi tiến hành hội nghị chính thức không còn có những ý kiến bàn ra, bàn vào.
Nếu như có những ý kiến trái chiều của giáo viên thì Ban giám hiệu cũng như các thành viên đã dự hội nghị trù bị phải đồng thanh tháo gỡ. Bởi, ngày hội nghị chính thức sẽ có nhiều lãnh đạo ngành và địa phương tham dự nên các trường phải có sự thống nhất từ trên xuống dưới thì hội nghị mới…thành công.
Chính vì thế mà khi họp để đăng ký chỉ tiêu thường phải làm rất cẩn thận và nhiều khi có phần gay gắt. Các tổ trưởng chuyên môn thì họ phải căn cứ vào chất lượng đào tạo của năm trước, nhìn vào thực tế học sinh năm nay và thực tế giáo viên trong tổ để đưa ra những chỉ tiêu phù hợp đối với tổ chuyên môn của mình.
Tuy nhiên, một số tổ như: Văn, Toán, Anh thường không nhận được sự đồng thuận của Ban giám hiệu và một số tổ trưởng chuyên môn khác vì chỉ tiêu họ đăng ký thường rất thấp.
Tuy nhiên, theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay áp dụng cho cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông thì 2 môn Toán và Ngữ văn có một vai trò quan trọng bởi nó quyết định xếp loại học lực cuối học kỳ, cuối năm cho học sinh.
Điểm các môn khác dù cao nhưng Toán và Văn thấp thì xem như công lao của nhà trường các tổ khác cũng đều bị ảnh hưởng trực tiếp.
Nhất là một số giáo viên chủ nhiệm thì luôn mong muốn học sinh lớp mình sẽ có nhiều em xếp loại học lực giỏi. Nhưng, muốn xếp loại học lực giỏi thì điểm Văn hoặc Toán bắt buộc phải trên 8,0 điểm.
Bởi, trong Thông tư 58 đã hướng dẫn, khi xếp loại cho học sinh, đối với môn dùng nhận xét được xếp loại “đạt” và các môn đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình các môn từ 8,0 trở lên, trong đó có ít nhất 1 môn Toán hoặc Văn đạt 8,0 thì được xếp loại giỏi.
Nếu 2 môn này mà tổng kết dưới 7,9 điểm thì đương nhiên học sinh phải xếp loại khá. Chính vì thế, việc quan trọng nhất là phải giải quyết được điểm Toán và Văn cao thì kết quả giảng dạy của nhà trường mới đạt được mục tiêu đào tạo.
Chính vì môn Toán, Văn có vị trí như vậy, nên trước khi hội nghị cán bộ, viên chức thì các nhà trường phải họp đội ngũ cốt cán trước để đại diện các tổ đăng ký chỉ tiêu.
Tất nhiên, trước cuộc họp này thì các tổ chuyên môn cũng đã phải họp và thảo luận kỹ lưỡng để thống nhất chỉ tiêu của tổ mình nhưng bao giờ thì Ban giám hiệu nhà trường cũng thuyết phục, thậm chí yêu cầu phải nâng chỉ tiêu học sinh khá, giỏi lên cao và hạ tỉ lệ học sinh yếu, kém xuống ở mức thấp nhất có thể.
Chỉ tiêu càng cao, giả dối càng nhiều
Việc đăng ký chỉ tiêu giáo dục luôn tồn tại hai mặt, nó sẽ là mục tiêu cho giáo viên phấn đấu nhưng nó cũng tiềm ẩn rủi ro giáo dục, đó là chất lượng thực thì yếu kém nhiều nhưng thầy cô vẫn phải đẩy lên cao.
Bởi, trong thực tế thì chỉ có những trường chuyên, lớp chọn mới có nhiều học sinh khá giỏi, những lớp đại trà thường có rất ít học sinh khá giỏi nhưng vì chỉ tiêu nhà trường ấn định nên giáo viên phải “nâng” lên càng nhiều học sinh giỏi thì càng tốt.
|
Những em yếu thì nâng lên trung bình, những em khá thì nâng lên loại giỏi.
Muốn nâng điểm thì khi giáo viên ra đề kiểm tra đương nhiên phải ra ở mức độ kiến thức thấp nên dẫn đến tình trạng khi học sinh tham gia các kỳ thi có đề chung như thi tuyển sinh 10 và thi Trung học phổ thông quốc gia thường có điểm rất thấp.
Và, điều này chúng ta vẫn thấy hàng năm khi có quá nhiều học sinh bị điểm 0, điểm liệt trong các kỳ thi do Bộ và Sở Giáo dục tổ chức- dù chỉ trước đó vài tuần thì học sinh lại được thầy cô tổng kết điểm rất cao!
Người thầy đứng lớp luôn mong muốn học sinh của mình đạt được những thành quả cao nhất trong học tập nhưng đạt được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bởi, giữa mong muốn và thực tế không phải lúc nào cũng song hành cùng nhau.
Thực tế vẫn là thực tế và giáo viên hàng ngày vẫn luôn chứng kiến có rất nhiều học sinh có học lực yếu kém, nhiều em không nắm được những kiến thức cơ bản của môn học.
Biện pháp người thầy đưa ra cũng nhiều, trăn trở nhiều, cũng tận tình kèm cặp nhưng nhiều học sinh yếu kém vẫn chẳng khá lên được bao nhiêu. Thôi thì người thầy cũng cố gắng làm hết sức mình còn đạt được như thế nào thì cũng đành phải chấp nhận chứ biết sao bây giờ!
Cấp trên không nhìn vào thực tế của học trò, cứ hướng vào kết quả cuối năm, cứ nhìn vào điểm thống kê của trường này, của địa phương khác để so sánh và đưa ra chỉ tiêu yêu cầu giáo viên thực hiện theo.
Trong khi, lại không nhìn vào thực tế trường mình, không cùng giáo viên trong trường bàn các giải pháp dài hơi để tháo gỡ. Cũng chính vì thế mà nhiều khi chất lượng giáo dục luôn song hành những điều giả dối.
Những người “làm thật thì ăn cháo, người làm láo thì được khen” nên cuối năm học mới loạn học sinh khá, giỏi, học sinh xuất sắc, bệnh thành tích trong giáo dục không được chữa mà ngày càng nặng nề hơn!