Đánh giá kết quả học tập cuối năm, chuyện "H" và "T" ở cấp Tiểu học

18/05/2017 06:44
Nguyễn Cao
(GDVN) - Những em học thêm, có cha mẹ “quan tâm” thầy cô trong các ngày lễ, hoặc có cha mẹ thân quen với thầy cô… bao giờ cũng là một “lợi thế” trong việc xếp loại.

LTS: Chia sẻ nỗi khó xử của một thầy giáo dạy tiểu học, thầy giáo Nguyễn Cao phản ánh thực tế đang xảy ra ở các trường học hiện nay.

Theo đó, mỗi khi đến dịp đánh giá kết quả học tập cuối năm, thầy cô giáo chủ nhiệm lại phải vất vả xin các thầy cô giáo bộ môn để nâng điểm cho học trò.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Cứ vào dịp cuối học kì I và cuối năm học, thầy H. lại được nhiều đồng nghiệp mời nước liên tục. 

Chuyện đồng nghiệp mời nhau uống li cà phê hay li nước sau mỗi tiết học, hoặc trong giờ ra chơi cũng chẳng có gì là lạ. Bởi đồng nghiệp cùng trường, thân quen với nhau cả mà.

Thế nhưng, sự thật đằng sau những li nước được mời ấy là cả một câu chuyện dài.

Là giáo viên Âm nhạc của một trường tiểu học, đóng trên địa bàn một thành phố, nên thầy H. khá hiểu mục đích của những li nước của đồng nghiệp mời mình vào những ngày mang tính “nhạy cảm” này . 

Vì thế, mỗi khi ra chơi thầy rất ngại xuống căng tin của nhà trường. Bởi, xuống căng tin thì bao giờ cũng có đồng nghiệp mời nước hoặc mình có gọi nước thì cũng có người khác trả tiền. 

Nhiều thầy cô muốn nâng điểm cho học trò của mình để có thánh tích cao. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Nhiều thầy cô muốn nâng điểm cho học trò của mình để có thánh tích cao. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Nhưng, có những hôm ngồi trong thư viện vẫn được đồng nghiệp đem nước đến mời uống. 

Không uống thì không đành mà uống vào kiểu gì cũng được đồng nghiệp nhờ vả, xin chú ý em này, em kia để các em không phải xếp ở mức hoàn thành (H). 

Nhiều em học không tốt nhưng thầy vẫn được đồng nghiệp đề nghị xếp hoàn thành tốt (T) để cuối kì, hoặc cuối năm đề nghị khen thưởng.
     
Thầy H còn cho biết thêm, không chỉ đối với môn Âm nhạc mà các môn còn lại như Mĩ thuật hay Thể dục cũng được một số giáo viên chủ nhiệm gợi ý, xin chiếu cố. 

Nhiều khi, giáo viên chủ nhiệm còn cầm hẳn danh sách học sinh để giáo viên môn chuyên có “định hướng” vào những học sinh này để các em này đủ điều kiện khen thưởng.

Đánh giá kết quả học tập cuối năm, chuyện "H" và "T" ở cấp Tiểu học ảnh 2

Thỏa hiệp là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng bệnh thành tích

Hiện nay, khi cấp Tiểu học đang áp dụng Thông tư 22 nên việc khen thưởng cuối năm có nhiều thay đổi.

Ngoài việc các em học tốt các môn học của thầy, cô chủ nhiệm trên lớp thì trong kì thi cuối kì phải đạt từ  9 điểm trở lên. 

Các môn chuyên (Âm nhạc, Mĩ Thuật, Thể dục) phải được xếp loại “hoàn thành tốt”.

Em nào ở mức “hoàn thành” thì không được khen thưởng. 

Vì thế, nhiều giáo viên chủ nhiệm luôn có chủ ý em nào khen thưởng cuối năm mà sức học các môn chuyên không tốt thì đành phải nhờ vả. 

Bởi thực tế, có mấy em học tốt cả các môn đâu nên chuyện nhờ vả đồng nghiệp “nương tay” bắt đầu manh nha trong các nhà trường. Những tình trạng tiêu cực cũng bắt đầu từ đây.
   
Mặc dù các địa phương hiện nay đều cấm dạy và học thêm nhưng một số giáo viên vẫn tổ chức dạy thêm tại nhà. 

Đặc biệt là có nhiều phụ huynh vì công việc nên phải gửi con ở nhà thầy, cô những lúc không học ở trường để nuôi dạy. 

Vì thế, những học sinh mà thầy cô nuôi học cả năm nên không thể không đề nghị khen thưởng vào cuối kì hoặc cuối năm học.

Tuy nhiên, vì một số em trong số đó chỉ học “giỏi” những môn của thầy cô chủ nhiệm mà không giỏi ở các bộ môn khác. 

Vì vậy, nếu không nhờ một số thầy cô môn chuyên thì không thể được khen thưởng. 

Và nếu không khen thưởng cho các em này thì thầy cô chủ nhiệm cũng khó ăn nói với các phụ huynh đã gửi con theo học thêm ở nhà mình suốt cả năm trời.

Cũng vì thế, “uy tín” của thầy cô chủ nhiệm cũng sẽ bị giảm sút… trong các năm tới.
   
Trong khi đó, các Ban giám hiệu khen thưởng học sinh thì không thể khen hết toàn bộ học sinh trong trường bởi do thiếu kinh phí. 

Vì thế, nhà trường sẽ ấn định mỗi lớp bao nhiêu em để khen thưởng và từ đó nảy sinh tình trạng giáo viên chủ nhiệm phải nhờ cậy giáo viên chuyên “chung tay” giúp đỡ.
    
Từ thực trạng như đã nêu ở trên ở một số trường Tiểu học hiện nay cho chúng ta thấy rằng dù đây không phải là chiếm số lượng nhiều và không phải ai cũng xin và cũng cho nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì tình trạng này không hiếm gặp trong các nhà trường. 

Đánh giá kết quả học tập cuối năm, chuyện "H" và "T" ở cấp Tiểu học ảnh 3

Thầy cô truyền tay nhau bí kíp để học sinh thi đạt điểm cao cuối năm

Vì thế, mỗi một người thầy cần thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc đánh giá và nhận xét học sinh cuối năm. 

Bởi một lẽ đương nhiên, nếu giáo viên môn chuyên không cả nể, không vị tình cảm để nâng đỡ một số em chưa xứng đáng thì chắc chắn những em khác học tốt hơn sẽ có cơ hội. 

Người đời thường nói: “Hạnh phúc của con người như một tấm chăn nhỏ, người này đắp thì người khác phải lạnh”. Số lượng có hạn nên khen em này rồi thì còn đâu cơ hội cho em khác.
    
Phải nói rằng một số giáo viên ở một số trường hiện nay vẫn chưa khách quan trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh. 

Những em học thêm, những em có cha mẹ “quan tâm” thầy cô trong các ngày lễ, những em có cha mẹ thân quen với thầy cô… bao giờ cũng là một  “lợi thế” trong việc xếp loại học tập. 

Kiểu đánh giá “ngoại giao” này đang  làm mất đi tính thiêng liêng của việc phát thưởng cuối năm học, làm giảm đi niềm tin đối với một số bậc phụ huynh học sinh.
    
Thiết nghĩ, khi đã làm thầy thì mỗi thầy cô không chỉ dành cho học sinh sự yêu thương, lòng nhiệt huyết đối với trò trong từng giờ học. 

Mà, quan trọng hơn nữa là việc đánh giá, xếp loại học sinh cần khách quan, trung thực để tạo được động lực học tập trong sáng cho học trò.

Đừng vì một động lực nào đó mà tự đánh mất mình trong mắt đồng nghiệp và những học sinh của mình.

Nguyễn Cao