LTS: Với học sinh tiểu học, các bài kiểm tra thường được đánh giá bằng nhận xét. Riêng đợt thi cuối kì sẽ được đánh giá bằng điểm số nên cả thầy và trò đều nỗ lực để đạt điểm cao.
Cô giáo Thuận Phương bật mí bí kíp mà các thầy cô truyền tay nhau để học sinh có được điểm cao trong kì thi cuối năm học.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Gần đến ngày thi cả thầy và trò ở các trường tiểu học lại vật vã, căng sức để ôn luyện.
Giáo viên lo chất lượng thi của lớp không đạt sẽ ảnh hưởng đến việc xếp loại của bản thân nên cũng tranh thủ “dốc” toàn lực để ôn luyện cho các em. Ngược lại, học sinh bị dồn ép nên tỏ ra mệt mỏi, buông xuôi.
Có lẽ vì thế nên cứ sau một đề kiểm tra thử, số lượng học sinh thiếu điểm lại tăng lên đáng kể. Giáo viên sốt ruột càng tỏ ra hối thúc một cách ráo riết.
Học sinh căng thẳng lại làm bài ẩu hơn… cái vòng luẩn quẩn ấy cứ kéo dài ngày này qua ngày khác chẳng khác gì cực hình.
Suốt cả năm học, học sinh tiểu học chỉ được đánh giá bằng nhận xét, đợt kiểm tra cuối kì bài kiểm tra sẽ được đánh giá bằng điểm số nên nhiều giáo viên cũng thấy lo.
Các bài kiểm tra trên lớp học sinh thường được đánh giá bằng nhận xét. (Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân) |
Bên cạnh đó, việc ra đề đánh giá theo Thông tư 22 ở 4 mức độ (đặc biệt là mức 3 và mức 4 khi kiến thức không nằm trong sách mà buộc học sinh phải có sự vận dụng sáng tạo nâng cao hơn) cũng gây cho thầy trò không ít áp lực.
Có người nói “Học chơi thi thật”. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, nhiều giáo viên đã vận dụng triệt để những bí quyết với mục đích giúp học sinh lớp mình sẽ đạt điểm cao trong kì kiểm tra cuối năm.
Bí quyết để trò đạt điểm cao
Theo quy định chuyên môn, mỗi giáo viên phải ra một bộ đề nộp về trường để tạo ngân hàng đề.
Để chắc ăn học sinh cả lớp đều làm được, giáo viên thường liên hệ với đồng nghiệp dạy cùng khối trao đổi đề để tập trung ôn tập cho học sinh.
Thế rồi, thầy cô phô tô đề phát cho các em và hướng dẫn cả lớp cách giải đề. Hằng ngày lên lớp, các em lại lao vào giải hết đề này đến đề khác.
Nhiều thầy cô chia sẻ: “Nếu không làm thế, có khi nửa lớp thiếu điểm cũng là điều bình thường, còn học sinh xuất sắc chắc cũng chẳng có mấy em”.
Ngày kiểm tra dù đã được phân công coi chéo lớp, không ít thầy cô cầm đề thi tranh thủ ghé lớp mình chủ nhiệm giảng giải nhanh cho học sinh một số câu khó.
Ghi thêm mấy điểm, có mất gì của em đâu mà em khó khăn thế? (GDVN) - “Em buồn và bất ngờ vì chị Tổ trưởng chuyên môn nói "Có mất gì của em đâu mà em khó khăn thế?" khi chị ngỏ ý muốn xin nâng điểm cho một học sinh”. |
Khi đồng nghiệp chấm bài, một số giáo viên thường nhăm nhe xin điểm cho hai đối tượng học sinh yếu, kém và học sinh giỏi (những đối tượng này chủ yếu giáo viên đang dạy kèm, dạy thêm ở nhà).
Khi được đồng nghiệp trực tiếp xin nâng điểm cho “gà” của mình, khó có đồng nghiệp nào có can đảm từ chối.
Bởi nếu thế, họ sẽ giận dỗi và sinh ra nhiều chuyện khác không vui.
Khi Phó hiệu trưởng lười
Thường thì giáo viên nộp đề về trường, Ban giám hiệu mà cụ thể là Phó Hiệu trưởng xem, có thể chọn mỗi đề vài câu gộp lại hoặc chỉ dựa vào dạng toán để đưa ra một đề mới với các con số hoàn toàn khác.
Nhưng không ít Phó Hiệu trưởng mắc bệnh lười (hoặc chủ ý để học sinh toàn trường làm bài cho tốt để có kết quả đẹp) đã lấy nguyên trang đề thi của giáo viên gửi lên làm đề thi chung cho học sinh toàn khối.
Thế là, do được ôn luyện kĩ càng, các em làm đề kiểm tra cuối kì một cách chóng vánh, ít sai sót.
Lại có Phó Hiệu trưởng lười ra đề nên năm nào cũng cho học sinh khối ấy kiểm tra lại đề cũ của năm trước.
Một số giáo viên đã kịp thời phát hiện ra điều này nên truyền nhau “bí quyết” giữ lại đề để năm học sau dùng lại ôn tập cho học sinh của mình.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc một lớp khoảng 35 học sinh thì có tới 34 em đạt điểm khá, giỏi. Thấy kết quả của con đạt khá cao, nhiều phụ huynh đã thật sự vui mừng.
Có người thật thà phân trần: “Nó học giỏi thế mà thầy cô cứ thường xuyên mời phụ huynh phàn nàn “Em học còn yếu gia đình phải kèm thêm”.
Nghe thế, giáo viên đành làm thinh chứ biết phân bua thế nào cho phải?
Nói về chuyện này, không ít thầy cô biện minh: “Nhà trường chẳng cần biết mình đã nỗ lực dạy dỗ ra sao chỉ cần nhìn vào điểm bài thi cuối năm của trò là đánh giá chất lượng giáo dục của chính thầy cô ấy”.
Có trường còn áp dụng chiêu thức lớp có học sinh yếu giáo viên không thể xếp loại công chức xuất sắc. Số lượng học sinh yếu càng nhiều, xếp loại cuối năm của thầy cô càng thấp.
Vì thế, một số thầy cô giáo sử dụng “bí quyết” giúp trò đạt kết quả tốt trong kì thi, kì kiểm tra cuối năm cũng là cách bảo vệ chính mình dù cho đó là hạ sách?