Đáp án ĐH môn Sử của Bộ GD: Vừa thừa, vừa thiếu, bất lợi cho thí sinh?

12/07/2012 06:05
Đỗ Quyên Quyên
(GDVN) - PGS.TS Đặng Thanh Toán đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Trước khi chấm, Bộ cần tham khảo ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, sư phạm và nhân dân để có một đáp án thật chuẩn, công bằng".
Đề nghị khi chấm, Bộ GD tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, sư phạm, nhân dân.
Từ xưa đến nay, câu chuyện “vênh” trong cách trả lời các câu hỏi, nhất là về khoa học xã hội là chuyện “như cơm bữa”. Bởi thế trước khi có “ba chung” (chung đề, chung ngày thi, chung kết quả), bao giờ cũng có chuyện thảo luận đáp án trước khi chấm. Phải nói rằng những người được chọn ra đề và làm đáp án là những chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn của ngành. Tuy nhiên cũng nhiều khi đề thi và đáp án không thực sự phù hợp và gây tranh cãi nhiều.

Từ khi thực hiện “ba chung”, để tránh tình trạng đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương không thảo luận đáp án. Khi hỏi về vấn đề này, PGS.TS Đặng Thanh Toán cho biết: "Không biết có đúng không nhưng trường tôi, môn Lịch Sử không còn được thảo luận đáp án. Trước đây điều này nhiều thầy cô Khoa Sử đã phản ánh". Qua đây, PGS.TS Đặng Thanh Toán đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Trước khi chấm, Bộ cần tham khảo ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, sư phạm và nhân dân để có một đáp án thật chuẩn, công bằng". Nếu đáp án còn nhiều sai sót sẽ gây không ít thiệt thòi cho thí sinh dự thi. 

Để có một đề thi lịch sử hay, không mang tính chất bắt thí sinh trả bài cũ, làm bài bằng những kiến thức học thuộc lòng thì đáp án nên có hướng mở để bảo đảm lợi ích cho thí sinh. PGS.TS Đặng Thanh Toán nhắc lại ví dụ trong một câu hỏi đề thi sử những năm trước: “Thắng lợi nào đưa cách mạng miền Nam chuyển từ thế gìn giữ lực lượng sang thế tiến công?". Đề thi này tồn tại hai phương án chấm là: Nêu phong trào Đồng khởi, hoặc nêu trước và sau Đồng khởi.
PGS.TS Đặng Thanh Toán, Giảng viên Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
PGS.TS Đặng Thanh Toán, Giảng viên Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Đáp án lịch sử của Bộ Giáo dục: Câu 1, 2 và 4 đều có sai sót?

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong việc ra đề thi tuyển sinh CĐ, ĐH cũng như chấm thi các cấp, trao đổi về đáp án môn Lịch sử năm 2012, TS. Đặng Thanh Toán nhận định: 3/4 câu trong đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo có sai sót. Để góp thêm tiếng nói vào đề thi, ông có một số ý kiến như sau:

Câu1: Phân chia điểm giữa các ý vô lý

Đề thi môn lịch sử câu 1 có hỏi: "Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp đã có tác động như thế nào đến nền kinh tế Viêt Nam?"

PGS.TS Đặng Thanh Toán nhận định: "Câu này theo tôi trọng tâm là phân tích ảnh hưởng cuộc khai thác thuộc địa chứ không phải là nêu cuộc khai thác thuộc địa. Vì vậy cuộc khai thác thuộc địa chỉ là đặt nền để phân tích tác động của nó". Thí sinh phải khái quát ngắn gọn về cuộc khai thác và nêu những tác động về kinh tế. Phần đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo giống như việc trình bày cuộc khai thác thuộc địa lần thứu hai, tác động kinh tế trong đáp án cũng nêu chưa đầy đủ. Đó là phần thiếu.
Ông cũng cho biết, ngay trong Sách giáo khoa ban nâng cao (trang 111) có câu hỏi: Trình bày cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp và tác động của nó đến tình hình kinh tế và giai cấp xã hội ở Việt Nam? Đó là hai ý khác nhau nên đáp án đề thi chính là trả lời cho câu hỏi này, chỉ bớt về giai cấp xã hội thôi.
Vậy thang điểm cho việc nói về cuộc khai thác chỉ nên chiếm 1/3 số điểm toàn bộ câu 1 là cùng, thế nhưng Bộ Giáo dục lại cho tới 1,5 điểm trên 2 điểm là vô lý. Thêm nữa, trong đáp án có ghi: "Thực dân Pháp còn thi hành các biện pháp tăng thuế, do vậy ngân sách Đông Dương tăng lên". Trong khi đó, chính sách bóc lột về thuế khoá không nằm trong cuộc khai thác thuộc địa. Đó là phần thừa.

Cũng theo TS. Đặng Thanh Toán, câu 1 (2 điểm) thì hơi nhiều so với câu 2 bởi vì ở đây chỉ nói đến tác động về kinh tế mà không đi trình bày về cuộc khai thác và tác động về mặt xã hội. 

Nên đặt đề thi là: "Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai đã diễn ra như thế nào?" hoặc "Trình bày cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai" thì sẽ hay hơn.

Câu 3: Cơ sở đề ra quyết định là sau hai chiến dịch Tây Nguyên, Huế- Đà Nẵng

Đề bài nêu ra: "Cuối tháng 3 năm 1975, Bộ chính trị đã có quyết định gì để hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam? Quyết định đó được đề ra dựa trên cơ sở nào? Tóm tắt chiến dịch Hồ Chí Minh?".

Theo TS Đặng Thanh Toán: "Cơ sở này không thể trở lại cuối năm 1974 đầu năm 1975 được. Bởi vì đây không phải nêu cơ sở, đề ra chủ trương kế hoạch giải phóng miền Nam mà là giải phóng Sài gòn. Vì thế cơ sở để đề ra quyết định đó phải là sau hai chiến dịch Tây Nguyên, Huế- Đà Nẵng".

Câu 4a: Đáp án còn thiếu nhiều

Đề thi Đại học nêu lên: "Khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kì chiến tranh lạnh".

TS. Đặng Thanh Toán không tán thành mốc thời gian trong đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 1973- 1989 mà phải là mốc năm 1973-1991 theo đúng lịch sử đã chia. Bởi vì Sách giáo khoa ban nâng cao viết: "Tình trạng chiến tranh lạnh chỉ thực sự kết thúc sau khi Liên bang Xô viết tan rã” (tr.92). Đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa nêu rõ được điều này.

Trong đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu lên: "Tuy vậy, phong trào nhân dân Nhật Bản chống Hiệp ước an ninh Mĩ - Nhật lên cao, phong trào chống chiến tranh của Mĩ tại Việt Nam và các cuộc chiến tranh theo mùa... luôn diễn ra mạnh mẽ". Trong khi đó, TS Toán cho rằng, phong trào đấu tranh của nhân dân Nhật (chính trị) lại không thuộc chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Đó là một ý thừa.
Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản (1978), sự “trở về châu Á” là một nội dung quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản chưa đề cập đến trong đáp án. Đó là những ý thiếu.

Thí sinh cần nêu rõ: Thời kỳ 1973- 1991, với vị thế là một cường quốc kinh tế, Nhật Bản đã có chính sách đối ngoại đa dạng hơn, ngoài Mỹ còn mở rộng ra các nước Tây Âu và các khu vực khác. Với học thuyết Phu - cư- đa năm 1977, đánh dấu sự "trở về châu Á" của Nhật Bản. Tháng 9 năm 1973, Nhật Bản thiết lập quan hệ với Việt Nam. Năm 1978 chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, ký hiệp ước hòa bình hữu nghị với Trung Quốc.

Câu 4b: Đáp án thừa gây bất lợi cho thí sinh

Đề thi nêu lên: "Từ năm 1950 đến năm 2000, vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế của Ấn Độ được thể hiện như thế nào trên lĩnh vực kinh tế, khoa học kĩ thuật và chính sách đối ngoại?"

Trong ý cuối cùng phần đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nêu: "Từ năm 1950, Ấn Độ đã thực hiện nhiều kế hoạch dài hạn, đạt được những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học - kỹ thuật, đối ngoại, đã từng bước nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế".

Tuy nhiên, theo ý kiến của TS. Đặng Thanh Toán cho rằng: "Đáp án ý cuối cùng về đối ngoại của Ấn Độ là thừa mà cho tới 0,5 điểm sẽ không có lợi cho thí sinh (mất điểm). Các em sẽ không nhắc lại bài đã làm".

Đỗ Quyên Quyên