Đáp án ĐH môn Sử của Bộ Giáo dục: Nhiều thí sinh sẽ mất điểm?

15/07/2012 06:02
Hạnh Đức
(GDVN) - Nếu Hội đồng chấm thi của các trường không kịp thời điều chỉnh và linh hoạt trong quá trình chấm, chúng tôi có thể khẳng định: Rất nhiều thí sinh sẽ mất từ 2,0 điểm đến 2,5 điểm của bài làm. Hệ lụy của vấn đề còn lớn hơn khi đó là một trong những yếu tố tác động quan trọng đối với tâm lý, tinh thần học và thi đại học của các em.
Với tư cách là giáo viên giảng dạy môn Lịch Sử ở bậc THPT, đã từng bồi dưỡng HSG Quốc gia và luyện thi vào đại học nhiều năm, thầy Trần Trung Hiếu - Giáo viên Trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) thông qua Báo Giáo dục Việt Nam, góp ý với Bộ GD&ĐT và các Hội đồng chấm thi của các trường về đáp án môn Sử đề thi tuyển sinh đại học năm 2012: 
Thứ nhất là công đoạn trước khi chấm thi

Khi tham gia chấm bài thi môn Sử của các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên Sử, thi chọn HSG tỉnh, thi tốt nghiệp THPT… Hội đồng chấm thi của bộ môn thường đọc kỹ và thảo luận đáp án, thống nhất bằng văn bản gửi Chủ tịch Hội đồng chấm thi. Dù rằng, hội đồng ra đề thi và làm đáp án đều là những chuyên gia, giáo viên cốt cán và rất có kinh nghiệm chuyên môn của nghành cũng có thể khó tránh được những sơ suất, thiếu sót. Với đáp án năm nay, nếu việc Bộ có chủ trương không thảo luận đáp án tại Hồi đồng chấm thi trước khi chấm để điều chỉnh một số nội dung kiến thức và biểu điểm thì một điều chắc chắn là rất nhiều thí sinh dù giỏi vẫn có thể bị mất điểm nhiều, cực khó để đạt điểm cao.
Thứ hai, về nội dung đáp án
Câu 1 (2,0 điểm): “Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp đã tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam”? Đây là câu hỏi không có gì mới (thực chất là trích từ câu hỏi cuối bài trong sách giáo khoa Lịch sử 12 cả chương trình chuẩn và nâng cao) và rất rõ ràng. Kiến thức để trả lời câu này nằm trong phần đầu tiên trong mục 3, bài 12, sách giáo khoa Lịch sử 12 chương trình chuẩn (trang 77): “Những chuyển biến mới về kinh tế và giai cấp xã hội ở Việt Nam”.

Thầy Trần Trung Hiếu - Giáo viên dạy môn Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh - Nghệ An).
Thầy Trần Trung Hiếu - Giáo viên dạy môn Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh - Nghệ An).
Sách giáo khoa chỉ trình bày hơn 6 dòng về những mặt tích cực và hạn chế của kinh tế Việt Nam do tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp, trong đó chủ yếu là mặt hạn chế. Ngay cả sách giáo khoa Lịch sử 12 chương trình nâng cao ở bài 13, mục III, mục 1 “Chuyển biến về kinh tế” (trang 109 ) cũng hơn 6 dòng nói về tác động đó. Đáp án câu này nhiều sự bất hợp lý nhất từ nội dung đến cấu trúc thang điểm của đáp án.
Yêu cầu của đề là trình bày những tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai đối với kinh tế Việt Nam, nhưng đáp án chủ yếu là nêu nội dung cơ bản của chương trình khai thác thuộc địa về kinh tế với 3 ý cơ số điểm là 1,5 điểm. Còn nội dung chính của câu hỏi là phần tác động thì chỉ có một ý là 0,5 điểm. Đó là bất hợp lý thứ nhất mà theo chúng tôi, ý này nên là 1,5 điểm.
Về nội dung kiến thức của câu này, đáp án khi nêu sự tác động chỉ trình bày mặt tiêu cực. Theo chúng tôi, khi trình bày sự tác động thông thường phải nêu được 2 vế là tác động tích cực và tác động tiêu cực của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 đối với kinh tế Việt Nam thể hiện như thế nào, mức độ tác động đó về mặt tích cực thì cái nào là cơ bản, cái nào là không cơ bản.
Về mặt tích cực, sách giáo khoa  khẳng định  cuộc khai thác thuộc địa lần 2 của thực dân Pháp đã tạo ra “sự chuyển biển mới về kinh tế ”, “nền kinh tế có bước phát triển mới” (điều này nằm ngoài ý muốn của bọn thực dân), nhiều nhà máy, xí nghiệp, đồn điền mọc lên, nhiều trung tâm kinh tế - chính trị ra đời gắn liền với quá trình đô thị hoá… Theo sự phản hồi từ nhiều thí sinh sau khi làm xong đề thi môn Sử thì hầu hết các em đều trình bày 2 tác động tích cực và tiêu cực. Nếu giám khảo tuân thủ một cách máy móc theo đáp án để chấm, rất nhiều em sẽ mất điểm lớn ở câu này, đặc biệt là những em có thực lực khá giỏi.

Với đáp án môn Lịch sử năm nay theo thầy Hiếu học sinh giỏi cũng khó có điểm 8. Ảnh minh họa Xuân Trung
Với đáp án môn Lịch sử năm nay theo thầy Hiếu học sinh giỏi cũng khó có điểm 8. Ảnh minh họa Xuân Trung

Câu 2: (2,0 điểm ): “Từ năm 1919 đến năm 2000, lịch sử Việt Nam đã trải qua những thời kỳ nào? Khái quát nội dung chính của thời kỳ lịch sử diễn ra sự kiện quân và dân ta đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của Pháp”.
Nội dung kiến thức của câu hỏi này nằm trong sách giáo khoa Lịch Sử Việt Nam 12, bài 27 “Tổng kết lịch sử Việt Nam từ 1919 đến năm 2000” (chương trình chuẩn). Để trả lời ý này, thí sinh phải nắm vững những kiến thức cơ bản và xâu chuỗi 5 thời kỳ lịch sử của Việt Nam. Chúng tôi thiết nghĩ, đây là câu hỏi hay, đòi hỏi kỹ năng tổng hợp và khái quát hoá kiến thức của thí sinh. Nếu các em có thói quen học “tủ” sẽ không làm được câu này. Tuy nhiên, phần nội dung kiến thức cũng như cơ số điểm đáp án giành cho ý này (0,5 điểm) là chưa đủ.
Ngoài việc thí sinh phải trình bày 5 thời kỳ (1919-1930, 1930-1945, 1945-1954, 1954-1975, 1975-2000), đáp án nên yêu cầu thí sinh phải trình bày ngắn gọn nội dung hoặc nhiệm vụ cơ bản nhất của cách mạng Việt Nam từng thời kỳ và tương xứng với nội dung như thế thì số điểm giành cho ý này là 1,0 điểm sẽ phù hợp hơn.

Câu 3 (3,0 điểm): “Cuối tháng 3/1975, Bộ Chính trị TW Đảng đã có quyết định gì để hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam? Quyết định đó được đề ra dựa trên những cơ sở nào? Tóm tắt diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh (5/1975)”.
Câu hỏi này được tách thành 3 ý rõ ràng: Quyết định gì, cơ sở nào và tóm tắt diễn biến.

Theo tôi, đây là câu đòi hỏi thí sinh xác định đúng kiến thức về các mốc thời gian, bối cảnh lịch sử của sự điều chỉnh chủ trương kế hoạch giải phóng miền Nam trước sự chuyển biến mau lẹ tình hình cục diện trên các chiến trường.
Ở vế thứ hai, câu hỏi “Quyết định đó đã được đề ra trên những cơ sở nào” sẽ khác với câu hỏi “Căn cứ vào điều kiện lịch sử nào để Đảng đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam”.
Đề thi đã xác định rõ mốc thời gian là “cuối tháng 3/1975” nên theo chúng tôi không thể đòi hỏi thí sinh trình bày sự kiện Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng cuối 1974 - đầu 1975 như đáp án (0,5 điểm), vì đây không phải nêu cơ sở (điều kiện) đề ra chủ trương giải phóng miền Nam mà là giải phóng Sài Gòn.

Vì vậy, cơ sở của quyết định “giải phóng miền Nam trước mùa mưa” (trước tháng 5/1975 ) sẽ là sau thắng lợi của chiến dịch Tây nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng và đến ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Câu 4a (chương trình chuẩn): “Khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh lạnh”.
Thứ nhất, đáp án xác định mốc thời gian kết thúc Chiến tranh lạnh đến năm 1989 là chưa chặt chẽ theo cách phân kỳ về Lịch sử thế giới hiện đại của nhiều nhà khoa học và sách giáo khoa. Sách giáo khoa Lịch sử 12 chương trình nâng cao ở bài 10, trang 92 khẳng định “tình trạng Chiến tranh lạnh chỉ thực sự kết thúc sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, trật tự hai cực không còn nữa” (1991 ).
Thứ hai, đáp án xác định thời gian kết thúc Chiến tranh lạnh là năm 1989, nhưng vẫn nêu Học thuyết Kaiphu (1991) là chưa chuẩn.
Thứ ba, khi trình bày chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, bên cạnh sự duy trì quan hệ với Mỹ và Tây Âu, đường lối đối ngoại quan trọng của Nhật là “sự trở về châu Á” (đặc biệt là đối với Đông Nam Á) là một nội dung cơ bản lại không được đề cập trong đáp án.
Thứ tư, ý thứ tư trong đáp án của câu này nêu “Tuy vậy, phong trào nhân dân Nhật Bản chống Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật lên cao, phong trào chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và các cuộc đấu tranh theo mùa… luôn diễn ra mạnh mẽ ” (trích nguyên văn sách giáo khoa Lịch sử 12 chương trình chuẩn, trang 55). Theo chúng tôi là không thuộc vào chính sách đối ngoại của Chính phủ Nhật Bản mà kiến thức này nằm trong ý tình hình chính trị - xã hội.
Câu 4b: (Chương trình nâng cao): “Từ năm 1950 đến năm 2000, vị thế ngày càng nâng cao trên trường quốc tế của Ấn Độ được thể hiện như thế nào trên lĩnh vực kinh tế, khoa học - kỹ thuật và chính sách đối ngoại”.
Đáp án nêu ở ý thứ 2 về chính sách đối ngoại của Ấn Độ là “Từ năm 1950, Ấn Độ đã thực hiện nhiều kế hoạch dài hạn, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học - kỹ thuật, đối ngoại, đã từng bước nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế ”.

Theo chúng tôi, đáp án của ý này (0,5 điểm) là lộn xộn và thừa. Thí sinh sẽ mất 0,5 điểm trong ý này của đáp án.
Như vậy, với những lỗi sơ suất, sai sót về đáp án môn Lịch sử, nếu Hội đồng chấm thi của các trường không kịp thời điều chỉnh và linh hoạt trong quá trình chấm, chúng tôi có thể khẳng định: Rất nhiều thí sinh sẽ mất từ 2,0 điểm đến 2,5 điểm của bài làm. Hệ lụy của vấn đề còn lớn hơn khi đó là một trong những yếu tố tác động quan trọng đối với tâm lý, tinh thần học và thi đại học của các em.
Dẫu biết rằng, việc ra đề thi và đáp án cho kỳ thi tuyển sinh vào đại học là một nhiệm vụ khó với nhiều áp lực.Thiếu sót có thể khó tránh khỏi, đặc biệt là khâu làm đáp án. Song, nếu có nhiều sai sót về đáp án sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và kết quả bài làm của thí sinh. Vì quyền lợi của thí sinh, vì chất lượng của kỳ thi tuyển sinh vào đại học khối C nói chung và môn Sử nói riêng, một lần nữa chúng tôi xin được chia sẻ và góp ý xây dựng.

ĐÁP ÁN CHÍNH THỨC CỦA BỘ GIÁO DỤCTOÀN BỘ ĐÁP ÁN ĐH KHỐI B 2012 -TOÀN BỘ ĐÁP ÁN ĐH KHỐI A 2012 - TOÀN BỘ ĐÁP ÁN ĐH TOÁN, VĂN KHỐI D 2012 -TOÀN BỘ ĐÁP ÁN ĐH KHỐI C 2012 - ĐÁP ÁN ĐH CÁC MÔN NGOẠI NGỮ KHỐI D 2012

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Tải về ngay đáp án thi Đại học chính thức khối A, A1 2012

Câu chuyện xúc động về 'thần tượng' trong bài thi văn khối D

Có con là “Fan cuồng” thà đẻ ra “cái trứng để ăn” còn đáng hơn

Chùm ảnh: Muôn kiểu ngủ trưa của sĩ tử

Cô gái nhiễm chất độc da cam quyết tâm vào Đại học

Nữ Thạc sĩ xinh đẹp gây sốt cư dân mạng Trung Quốc

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Hạnh Đức