Dạy bơi, phải dạy cả kỹ năng phòng chống và cứu người bị đuối nước

10/05/2021 06:28
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những tấm gương hi sinh bản thân để cứu người thật đẹp, nhưng sẽ đẹp hơn nữa khi những con người vì cuộc sống người khác tiếp tục được sống, lan tỏa sự tử tế...

Mỗi năm, nước có ta có khoảng 6400 người bị đuối nước, trong đó hơn 50% là trẻ em và trẻ vị thành niên. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ ở lứa tuổi 5-14.

Như vậy, tính ra trung bình mỗi ngày có 18 người Việt Nam chết vì đuối nước!

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định, nước ta có tỷ lệ trẻ tử vong vì đuối nước cao gấp 8-10 lần các nước phát triển. Vào mùa hè, mùa mưa lũ, tai nạn đuối nước có chiều hướng tăng mạnh. [1]

Trong con số tang thương đau đớn do đuối nước, có những anh hùng đời thực đã ra đi vì hành động nghĩa hiệp của mình, cứu người đuối nước nên bị đuối nước.

Nam sinh viên Nguyễn Văn Nhã quên mình cứu các bạn bị đuối nước, đã được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Dũng cảm, công nhận Liệt sĩ. Ảnh: P. Đạt/Laodong.vn

Nam sinh viên Nguyễn Văn Nhã quên mình cứu các bạn bị đuối nước, đã được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Dũng cảm, công nhận Liệt sĩ. Ảnh: P. Đạt/Laodong.vn

Cấp cứu người đuối nước sao cho đúng?

Nếu nạn nhân còn tỉnh giãy giụa dưới nước, ném cho nạn nhân một cái phao, một khúc gỗ, hoặc một sợi dây để giúp họ lên bờ. Không nên nhảy xuống nước nếu không biết bơi, hoặc không được huấn luyện cách đưa người đuối nước còn tỉnh lên bờ.

Vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì vớ được, kể cả người cứu nạn.

Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.

Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước (chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi). Nếu không thì gọi người hỗ trợ hoặc dùng thuyền nếu có để ra cứu.

Ngay sau khi đưa được nạn nhân vào bờ, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ. Đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Nếu bệnh nhân tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ấn tim ngoài lồng ngực.

Dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.

Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 - 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt.

Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.[2]

Anh hùng giữa đời thực phải sống để lan tỏa sự tử tế

Chuyện cứu người đuối nước nhưng chính mình trở thành nạn nhân đuối nước không hiếm, họ là những anh hùng giữa đời thực, vì cuộc sống của người khác mà không màng nguy hiểm đến bản thân mình.

Mới đây nhất, nam sinh viên Nguyễn Văn Nhã quên mình cứu các bạn bị đuối nước, đã được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Dũng cảm, công nhận Liệt sĩ.

Những tấm gương đẹp hi sinh bản thân để người khác được sống, nhưng sẽ đẹp hơn nữa khi những con người vì cuộc sống người khác tiếp tục được sống, lan tỏa sự tử tế cho cộng đồng.

Trần Văn Tròn (Điện Bàn, Quảng Nam) đi dạo biển, anh chợt thấy 4 em học sinh đang nô đùa theo một tấm mút trắng, trôi ra xa bờ lúc nào không hay. Là người có kinh nghiệm, anh Tròn liếc mắt cũng biết nơi các em nô đùa là vùng nước xoáy sâu rất nguy hiểm. Định bụng chạy ra nhắc nhở các em nhưng chưa kịp đến nơi đã thấy 4 em vùng vẫy kêu cứu.

Không chần chừ, Tròn lao ngay ra cùng nước xoáy để cứu các em. Kết quả 3 em học sinh được đưa lên bờ an toàn, còn một em do sóng quá lớn, Tròn bị dội dược vào bờ, không kịp ứng cứu. [3]

Trước đó, vào khoảng 13h30 chiều 25/3/2020, một nhóm em nhỏ ra khu vực nhà văn hóa thôn Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Sơn huyện Anh Sơn, (Nghệ An) để chơi. Sau đó, bé Nguyễn Sỹ Huy (4 tuổi) không may sẩy chân xuống hố nước sâu. Thấy em gặp nạn, Nguyễn Thị Linh Đan (8 tuổi, chị gái Huy) lao xuống cứu nhưng do không biết bơi, cả hai em bị đuối nước.

Nguyễn Hữu Phúc đang đi chơi gần đó thì nghe tiếng kêu cứu thất thanh, em liền chạy tới, dùng sào tre để cho hai chị em Huy bám vào rồi kéo lên khỏi hố nước.[4]

Chính sự nhanh trí dùng sào tre để cho hai chị em Huy bám vào rồi kéo lên khỏi hố nước của em Phúc đã cứu được ... 2 mạng người và cứu cả chính mình.

Những bài học từ thực tế, nếu không biết bơi hoặc không có kĩ năng cứu người đuối nước nhưng tham gia cứu người đuối nước có thể làm hậu quả thêm đau lòng hơn.

Không biết bơi có thể chết đuối; biết bơi, bơi giỏi cũng có thể chết đuối; biết kĩ năng phòng chống đuối nước mới không bị đuối nước.

Vì thế, trước khi dạy bơi, học bơi, hãy dạy, học kĩ năng phòng chống đuối nước. Có kĩ năng phòng chống đuối nước, học sinh sẽ biết tự bảo vệ mình, biết giúp đỡ người khác đúng cách, giúp giảm hậu quả của những vụ đuối nước.

Mùa hè đang cận kề, cũng đồng nghĩa học sinh đang cận kề với tai nạn đuối nước. Để phòng tai nạn đuối nước mọi người cần lưu ý đến những việc sau đây:

- Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không.

- Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang phao khi đi bơi và đi tàu thuyền.

- Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.

- Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.

- Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, tán chuyện, chơi bài, chơi điện thoại…

- Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.

- Nhà có ao hồ nên rào kín xung quanh, có biến báo nguy hiểm; nhà có hồ bơi nên rào kín và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào.

- Nên cho trẻ tập bơi, học kĩ năng phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước. [5]

Tài liệu tham khảo:

[1]https://moh.gov.vn/web/phong-chong-tai-nan-thuong-tich/thong-tin-tuyen-truyen-dao-tao/-/asset_publisher/y1HBDqztr86t/content/giat-minh-truoc-thuc-trang-uoi-nuoc-trong-mua-he?inheritRedirect=false

[2]https://suckhoedoisong.vn/so-cuu-dung-cach-nguoi-bi-duoi-nuoc-n97420.html

[3]https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/trao-bang-khen-nguoi-cuu-ba-hoc-sinh-khoi-duoi-nuoc-637129/

[4] https://laodong.vn/xa-hoi/be-8-tuoi-dung-meo-nhanh-tri-cuu-2-ban-duoi-nuoc-khien-nguoi-lon-kham-phuc-793641.ldo

[5] https://phunu.khanhhoa.gov.vn/article/tai-lieu-tuyen-truyen/ky-nang-phong-chong-tai-nan-thuong-tich-tre-em.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến