Dạy lại bài đã… hội thi

03/12/2018 09:51
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Việc dạy lại kiến thức đã học trong tiết hội thi là chuyện bình thường, đang diễn ra. Vậy làm sao vừa đảm bảo chất lượng dạy học vừa đảm bảo hội thi thực chất?

LTS: Hội thi giáo viên giỏi đang là chủ đề được nhiều giáo viên và những người làm công tác quản lý giáo dục quan tâm.

Trong bài viết này, thầy giáo Sơn Quang Huyến hiến kế để việc hội thi vừa thực chất vừa đạt được mục tiêu đề ra.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hoạt động hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, nhận được nhiều ý kiến trái chiều hiện nay. Có ý kiến cho rằng, phải duy trì, phát triển, nếu không thì không có chuẩn mực đánh giá giáo viên. 

Bên cạnh đó có nhiều ý kiến phản bác, vì cho rằng các tiết dạy mang tính chất “diễn” hơn là dạy.

Ngoài ra, việc hội giảng cũng thiếu thực chất, thiếu công bằng, là dịp “ga lăng” cho ai đó, đủ thủ tục bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình. 

Phần lớn các tiết dạy thi giáo viên dạy giỏi hiện nay, đều theo năm hoạt động (khởi động, hình thành kiến thức, luyện tập, vận dụng, tìm tòi mở rộng), sử dụng các phương pháp “tích cực” như bàn tay nặn bột, v.v...

Để phát huy tính tích cực của hội thi, phải hướng đến thực chất. Ảnh minh hoạ: http://www.pgdthanhxuan.edu.vn
Để phát huy tính tích cực của hội thi, phải hướng đến thực chất. Ảnh minh hoạ: http://www.pgdthanhxuan.edu.vn

Hoạt động của học sinh, phần lớn là hoạt động nhóm. Học sinh được phân công ngồi theo “mâm”.

Có nhiều đơn vị tuyên bố, giáo viên tham gia hội thi, không đổi mới phương pháp, không thực hiện năm bước lên lớp thì đánh trượt từ “vòng gửi xe”. 

Việc cả năm, chỉ học vài tiết theo phương pháp “hội giảng”, đã để lại hệ lụy, chỉ có giáo viên dạy lớp sau hội thi mới biết kết quả thực chất của các tiết dạy như thế nào.

Để đảm bảo tiến trình cho hội thi, nhiều trường đã phải tổ chức dạy trước, dạy bù cho các lớp. Việc một tiết, dạy hai bài trở lên là chuyện “thường ngày ở huyện”.

Ngoài ra, trong tiết đó còn phải “gà bài” vì “đồng nghiệp thân yêu”, chất lượng thế nào ai cũng hiểu. 

Sau hội thi, thầy cô ra đi, trò ở lại, giáo viên đứng lớp mới thấy hết các mặt trái của vấn đề.

Giáo viên có tâm, có trách nhiệm thì bổ sung trong tiết dạy cho các em. Còn không, đây cũng là một nguyên nhân đẩy học sinh tham gia học thêm, tăng tiết. 

Dạy lại bài đã… hội thi ảnh 2Vòng quay kì diệu của một Sáng kiến kinh nghiệm ở ngành giáo dục

Thầy T., dạy toán ở một điểm thi tâm sự:

“Hội thi dạy giỏi, giáo viên dạy cũng khổ, học trò cũng khổ; tiết dạy thường phải chạy để kịp thời gian, vì vậy một bộ phận không nhỏ học sinh bị bỏ quên. 

Trong hoạt động nhóm, chỉ có một vài học sinh khá, giỏi làm việc; bài giảng gần như học sinh không chép kịp, sau tiết học, đại đa số học sinh lơ mơ như chưa học bài; buộc phải dạy lại thầy ạ”. 

Việc dạy lại kiến thức đã học trong tiết hội thi là chuyện bình thường, đang diễn ra. Vậy làm sao vừa đảm bảo chất lượng dạy học, vừa đảm bảo hội thi thực chất?

Trước tiên, không thể ép buộc giáo viên tham dự hội thi “VNEN” hóa chương trình hiện nay.

Dù “đi tắt đón đầu” chương trình mới, cũng không thể gượng ép theo kiểu “râu ông nọ, chắp cằm bà kia” được. 

Hoạt động nhóm, không thể bắt buộc trong mọi tiết dạy, môn học.

Hoạt động nhóm dựa trên năng lực tự học của học sinh; năng lực này không em nào giống em nào, cần được bồi dưỡng suốt quá trình học tập. 

Không thể chỉ dạy đối tượng học sinh khá giỏi, bỏ quên các đối tượng học sinh khác. Vì vậy, hoạt động nhóm hay cá nhân, cần linh hoạt tùy nội dung mỗi bài mà áp dụng linh hoạt. 

Hoạt động ghi bảng cần phải có, không thể lạm dụng hoàn toàn vào trình chiếu trên máy, tốc độ trình chiếu quá nhanh, học sinh đọc còn chưa kịp chứ không nói là hiểu; hoạt động ghi bài cũng là học, ghi sâu kiến thức. 

Tiết dạy hội thi nên bất ngờ, không chuẩn bị trước, dạy trên chính đối tượng học sinh giáo viên đứng lớp, theo phương pháp, tổ chức hằng ngày vẫn thực hiện; sau tiết dạy có khảo sát chất lượng nhanh, chất lượng khảo sát phản ánh trung thực kết quả tiết dạy. 

Để phát huy tính tích cực của hội thi, phải hướng đến thực chất, thực chất từ người dạy, người học và cả người chấm.

Có thực chất, người dạy mới phấn đấu tham gia, không tự đánh … trượt chính mình.     

Sơn Quang Huyến