LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của cô giáo Thuận Phương, một tác giả quen thuộc trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Bày tỏ quan điểm của mình về thực trạng dạy học theo phương pháp "Bàn tay nặn bột", cô giáo Thuận Phương cho rằng để áp dụng phương pháp này, giáo viên phải chuẩn bị bài quá giảng công phu.
Vì vậy, nó chỉ phù hợp với các tiết dự giờ, thao giảng còn rất khó để triển khai trong thực tế hàng ngày.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nhiều năm trở lại đây, ngành giáo dục đã mạnh dạn thay đổi phương pháp giáo dục truyền thống “thầy đọc trò chép” thành phương pháp tích cực hơn “lấy học sinh làm trung tâm”.
Bởi thế, việc xuất hiện phương pháp “Bàn tay nặn bột” đã đem đến làn gió mới cho những nhà làm giáo dục.
Bản chất của phương pháp giáo dục này là “tạo nên tính tò mò, ham muốn khám phá, yêu và say mê khoa học của học sinh, chú ý nhiều đến việc rèn luyện kĩ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết cho các em”.
Thế nhưng sự kì vọng ấy bỗng chốc tan thành mây khói khi phương pháp dạy học này có quá nhiều điểm không phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh và rất khó triển khai trong dạy học hàng ngày ở các trường học.
Chuẩn bị rầm rộ
Để chuẩn bị triển khai đại trà phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột”, một số Hiệu phó các trường học (tiểu học và trung học cơ sở) cùng chuyên viên cấp phòng lên đường đi tập huấn (cấp quốc gia).
Phương pháp dạy học "Bàn tay nặn bột" đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị bài giảng rất công phu. (Ảnh minh họa: Baoquangninh.com.vn) |
Sau thời gian tập huấn, những thành tố tích cực này lại trở thành những báo cáo viên truyền đạt lại những điều mình đã học được cho Phó Hiệu trưởng và giáo viên cốt cán của các trường học tập.
Về trường, họ lại tiếp tục tập huấn đại trà cho giáo viên. Thời gian tập huấn từng cấp đều được rút ngắn đến mức có thể.
Nếu như đi tập huấn cấp quốc gia thời gian là 1 tuần, khi tập huấn cấp huyện thị còn 2 ngày và về trường chỉ còn một buổi hoặc cả ngày.
Chuyện chuyên viên hay cốt cán đi tập huấn về báo cáo lại những gì mình đã tiếp thu cho giáo viên lĩnh hội và thực hiện cũng có nhiều chuyện đáng nói.
Không ít Phó Hiệu trưởng, cốt cán bộ môn và Tổ trưởng chuyên môn các khối lớp dù đã được tập huấn trước đó nhưng vẫn nhận định: “Phương pháp dạy học này thấy khó áp dụng với việc dạy và học trong thực tế của chúng ta”.
Giáo viên ám ảnh, mệt mỏi, học trò bí bách loay hoay với "Bàn tay nặn bột" |
Và đương nhiên đó là nhận định vỉa hè vì ai dám lên tiếng lớn, sợ “tai bay vạ gió” thì thiệt thân.
Mỗi người mỗi kiểu
Tập huấn cùng nhau nhưng việc triển khai nội dung ấy về từng trường lại phụ thuộc vào sự tiếp thu, lĩnh hội của từng cá nhân.
Bởi thế, không tránh khỏi mỗi trường có một cách hiểu về “Bàn tay nặn bột” khác nhau.
Hiểu khác đương nhiên sẽ làm khác. Thế mới có chuyện không ít giáo viên đi thi giáo viên dạy giỏi có sử dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” để dạy, lại được giám khảo góp ý “Có bột mà không biết nặn” hay “Nặn làm sao khi học sinh lại chẳng có bột?”.
Bởi thế việc tranh cãi ai đúng, ai sai cũng chẳng bao giờ có hồi kết vì lấy ai hiểu rành rẽ mà phân xử.
Dạy giả báo cáo thật
Để dạy một tiết học theo phương pháp này giáo viên phải bỏ ra rất nhiều công sức để chuẩn bị từ câu hỏi đề xuất đến đồ dùng dạy học cho giáo viên và học sinh.
Chưa nói đến việc phần lớn học sinh của ta thụ động, ham chơi, khả năng tương tác với bạn khá yếu, lớp học quá đông, trình độ giữa các em lại quá chênh lệch.
Bởi thế, phần lớn giáo viên đều dạy mang tính đối phó, dạy qua loa chiếu lệ trên lớp.
Ngược lại, chỉ những tiết thao giảng toàn trường, tiết dạy dự thi giáo viên giỏi các cấp thầy cô mới áp dụng dạy theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” một cách bài bản.
Bởi, nếu áp dụng dạy thường xuyên trên lớp theo đúng yêu cầu một tiết học sẽ khó kết thúc trong khoảng 40 phút, thời gian bị thiếu ắt sẽ phải lấy thời gian của một số môn học khác bù vào.
Giáo dục đang bội thực với thử nghiệm nhiều phương pháp dạy học mới |
Phần nữa, chuẩn bị dạy một tiết học theo phương pháp này lại quá công phu như việc giáo viên bắt đầu soạn bài, dự kiến câu hỏi, câu trả lời cho học sinh, câu trả lời cho mình.
Việc chuẩn bị đồ dùng dạy học cho tiết dạy “Bàn tay nặn bột” cũng nhiều gấp vài lần một tiết học bình thường.
Mọi việc chuẩn bị xong, giáo viên bắt đầu việc dạy thử trên lớp của mình.
Dạy thử lần 1 trước là tự dạy để trực tiếp điều chỉnh thiết kế cho phù hợp.
Dạy thử lần 2 cho giáo viên trong tổ dự, góp ý trước khi mang dạy chính thức cho toàn trường dự. Phần nữa, đồ dùng dạy học của bậc tiểu học lại hầu như chẳng có.
Với sự chuẩn bị dạy kì công như thế, phần lớn giáo viên chỉ dạy khi thao giảng và dạy trong các hội thi là điều dễ hiểu.
Dạy như thế còn báo cáo thì sao? Gần như 100% các bản báo cáo gửi về cấp trên đều ghi rằng:
“Phương pháp Bàn tay nặn bột đã giúp học sinh tự tìm ra kiến thức, kích thích trí tò mò, lòng ham học hỏi của các em. Nhờ đó, các em hiểu và nhớ lâu bài học…”
Thiết nghĩ, một phương pháp dạy học được quảng bá rầm rộ mà chỉ áp dụng cho việc dự giờ hay phục vụ các hội thi há chẳng phải là lãng phí quá hay sao?