Dạy thêm chính khóa lan tràn vì miếng ngon khó bỏ, cần liều thuốc cực mạnh

19/01/2018 06:49
Nguyễn Cao
(GDVN) - Không chỉ lãnh đạo nhà trường hưởng mà ngay cả lãnh đạo sở giáo dục của một số địa phương cũng hưởng, bằng cách ra quy định thu phí “cấp phép dạy thêm”...

LTS: Chỉ ra những nguyên nhân vì sao học sinh phải đi học thêm cũng như các giải pháp để khắc phục tình trạng này, thầy giáo Nguyễn Cao đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ về vấn đề trên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Điều chúng tôi khẳng định ngay đầu bài viết này là học thêm không xấu và phần lớn giáo viên hiện nay không tham gia dạy thêm.

Cái xấu chính là bức tranh học thêm hỗn độn trong hàng chục năm qua khi một số trường, một số thầy cô đã “đồng lòng” mở các lớp dạy thêm ở nhà trường, ở nhà mình và thu tiền của học sinh một cách cắt cổ.

Nhiều nhà trường đã áp dụng nhiều chiêu trò, vỏ bọc khác nhau để được tổ chức dạy thêm với một mục đích duy nhất là kiếm thêm thu nhập cho thầy cô, cho nhà trường.

Hình minh họa, nguồn: VTV.vn
Hình minh họa, nguồn: VTV.vn

Vậy, vì sao mà nhiều học sinh phải học thêm, nhiều trường bắt buộc tất cả học sinh phải thêm thêm ở trường? Theo chúng tôi có những nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, sách giáo khoa hiện hành quá nặng.

Sau những tiếng kêu than của giáo viên, phụ huynh thì Bộ đã có nhiều lần ra công văn giảm tải nội dung sách nhưng vẫn nặng, vẫn có vô vàn những kiến thức khó.

Nếu học sinh chỉ học chính khóa thì chỉ được học một cách qua loa về lí thuyết bài học. Phần bài tập không thể nào làm được trên lớp một cách thấu đáo.

Vì vậy, phần lớn các giờ học, giáo viên cố gắng lắm cũng chỉ có thể giải được một vài bài tập trong sách giáo khoa.

Thứ hai, giáo dục nước ta còn quá nặng về kiểm tra, thi cử học thuộc.

Mỗi môn học trong một học kì có vài bài kiểm tra, có những môn như môn Văn cấp trung học cơ sở đang có hơn 10 bài kiểm tra cả định kì và thường xuyên theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở của Bộ giáo dục - Đào tạo.

Khi thi chuyển hoặc xét chuyển cấp thì nhiều trường có tính cạnh tranh cao. Tỉnh nào cũng có trường chuyên, huyện nào cũng có trường điểm.

Dạy thêm chính khóa lan tràn vì miếng ngon khó bỏ, cần liều thuốc cực mạnh ảnh 2Học lấy lòng hay để lấy kiến thức?

Vì thế, khi các em còn học tiểu học đã phải học thêm để học bạ “đẹp”, phải tham gia nhiều cuộc thi để lấy thành tích làm tiêu chí phụ khi tham gia xét tuyển vào các trường lớn, trường chuẩn quốc gia.

Học xong lớp 9, lại một cuộc cạnh tranh gay gắt vào lớp 10 - đây là kì thi có tính cạnh tranh khốc liệt nhất trong hàng chục năm qua.

Chỉ tiêu trường chuyên, trường lớn thì có hạn nên học sinh phải học ngày, học đêm để có thể cạnh tranh được một suất ở các trường này. Khi xong lớp 12 lại thêm một kì thi lịch sử nữa là kì thi trung học phổ thông Quốc gia.

Những năm gần đây, sinh viên ra trường không có việc làm nên phụ huynh, học sinh luôn định hướng vào các trường đại học sau này không phải xin việc hoặc nhu cầu công việc lớn như: Quân đội, Công an, Y và một số trường kinh tế uy tín…

Ra trường, các cơ quan nhà nước luôn đòi hỏi phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo tiêu chí vị trí tuyển dụng, thành ra học sinh cấp nào cũng phải học thêm như là một nhu cầu tất yếu.

Thứ ba, việc dạy thêm đem lại nguồn thu nhập rất lớn cho những giáo viên đang tham gia giảng dạy và các lãnh đạo trực tiếp, gián tiếp của nhà trường, nhất là đối với khối trung học phổ thông thì gần như trường nào cũng đều tổ chức dạy thêm cả 3 khối lớp.

Nhiều ban giám hiệu chỉ cần làm cái kế hoạch dạy thêm hoặc kế hoạch ôn thi học sinh cuối cấp là cuối năm học, cuối đợt ôn thi đã được hưởng một số tiền rất lớn. Những trường có nhiều lớp thì khoản thu này còn cao hơn rất nhiều lương chính mà ngân sách nhà nước đang trả.

Bởi đa phần là giáo viên giảng dạy được chi khoảng 60-70 % số tiền thu của học sinh.

Số tiền còn lại là ban giám hiệu hưởng phần lớn, ngoài ra chi cho giáo viên chủ nhiệm, kế toán nhưng chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ và giữ lại trả tiền điện nước và bảo trì cơ sở vật chất (nhưng thực chất thì tiền điện nước hay cơ sở vật chất hư hao vẫn trả bằng tiền kinh phí của đơn vị).

Những ngày cuối cùng của năm 2017, báo chí đã đề cập đến hiện tượng ngồi mát ăn bát vàng của lãnh đạo ngành giáo dục Bình Phước.

Chỉ riêng Trường trung học phổ thông Bình Long trong năm học 2015-2016 đã: chi phí cho công tác “quản lý” tại trường lên tới hơn 243 triệu. Số tiền này, ngoài các giáo viên chủ nhiệm được hưởng, là Ban giám hiệu chia nhau. 

Dạy thêm chính khóa lan tràn vì miếng ngon khó bỏ, cần liều thuốc cực mạnh ảnh 3Thanh tra tỉnh vào cuộc vụ giáo viên tố Hiệu trưởng tiêu cực bị đuổi việc

Không chỉ lãnh đạo nhà trường hưởng mà ngay cả lãnh đạo sở giáo dục của một số địa phương cũng hưởng, bằng cách ra quy định thu phí “cấp phép dạy thêm” hay phí “quản lý dạy thêm”, với mức thu từ 2-5% trên tổng số tiền thu được.

Ví dụ như Bình Phước, Quảng Bình, Quảng Trị…đã được truyền thông phản ánh. 

Chỉ riêng, Trường trung học phổ thông Bình Long trong năm 2015-2016 đã trích nộp số tiền hơn 60 triệu (tương ứng 3%).

Như vậy, chỉ trên con số ta đã nhẩm tính ra việc tổ chức dạy thêm của nhà trường này trong một năm ít nhất đã thu của học sinh 2 tỉ đồng.

Và cũng từ số liệu 1 trường đã nộp cho Sở Giáo dục và Đào tạo đến 60 triệu đồng thì toàn tỉnh Bình Phước có hơn 30 trường trung học phổ thông, số tiền “cấp phép” và “quản lý” của Sở giáo dục thu về sẽ ra một nguồn lợi từ trên lưng cha mẹ học sinh rớt xuống thật khổng lồ.

Thứ tư, công tác giảng dạy học sinh trên lớp của một bộ phận thầy cô hiện nay còn phân biệt, đối xử với những em học thêm và những em không học thêm nên nhiều học sinh dù không muốn học nhưng cũng đành miễn cưỡng theo thầy cho yên chuyện.

Nguyên nhân, có lẽ sẽ còn rất nhiều mà người viết bài này không muốn kể thêm nữa, càng kể, càng khiến phụ huynh đau lòng và bất bình.

Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng việc Bộ hay một số địa phương cấm dạy thêm cũng chỉ là chuyện làm cho vui và trấn an dư luận trong từng thời điểm nhất định mà thôi.

Mấu chốt của vấn đề dạy thêm, học thêm là sách giáo khoa, là thi cử và lợi nhuận của nhiều người. Vậy nên, chúng tôi đưa ra một số đề xuất sau:

Thứ nhất, sách giáo khoa mới trong những năm tới đây cần phải có sự tham gia của các nhà giáo đang giảng dạy tại các trường phổ thông tham gia viết sách.

Chứ Bộ cứ nhìn xem, nhìn lại trong mấy lần thay sách vừa qua chỉ toàn là nhà khoa học ở các trường đại học, học viện viết.

Dạy thêm chính khóa lan tràn vì miếng ngon khó bỏ, cần liều thuốc cực mạnh ảnh 4Mong chương trình, sách giáo khoa mới đừng đẩy học trò vào các lò học thêm

Chúng tôi không nghi ngờ khả năng, trình độ của các thầy.

Nhưng vì các thầy chuyên dạy sinh viên đại học, cao học mà lại là dạy chuyên ngành nữa nên không thể nắm bắt được trình độ thực tế của học sinh phổ thông.

Các em không phải siêu nhân, học phổ thông không phải nghiên cứu khoa học chuyên ngành.

Vì thế, sách giáo khoa phần lớn không sát với thực tế học sinh và giáo dục phổ thông. Vậy nên, vấn đề cơ bản nhất là sách giáo khoa mới tới đây cần nhẹ nhàng, cơ bản và thiết thực.

Thứ hai, cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII bỏ trường chuyên lớp chọn.

Đồng thời nên bỏ các tiêu chí trường chuẩn quốc gia, trường điểm cao chót vót như hiện nay. Chỉ có tiêu chí và công cụ đánh giá được việc dạy thật, học thật mới mong đo lường chính xác chất lượng giáo dục phổ thông.

Chính trường chuyên, lớp chọn, trường điểm, trường chuẩn quốc gia đang làm méo mó nền giáo dục phổ thông của chúng ta, đặc biệt là tại các đô thị lớn.

Đơn giản là vì chúng tạo ra các cuộc đua khốc liệt, bởi con gà tức nhau tiếng gáy.

Càng đầu tư nhiều càng tạo ra sự bất công bằng với những trường cùng cấp học trong cùng một địa bàn và vấn nạn học thêm càng không giảm bớt được.

Thứ ba, cấm tuyệt đối dạy thêm học sinh chính khóa lấy tiền, cấm tuyệt đối các sở, phòng giáo dục và nhà trường thu phí "cấp phép" hay "quản lý" dạy thêm.

Ngày nào còn % hoa hồng cho lãnh đạo nhà trường, phòng và sở giáo dục, thì ngày đó chống dạy thêm bất hợp pháp sẽ chỉ như bắt cóc bỏ đĩa.

Thứ tư, trong khi kêu gọi chính bản thân mỗi thầy cô giáo cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, có thái độ, cách ứng xử công bằng với học sinh trong giảng dạy, đánh giá kết quả học tập, thi cử của học sinh công bằng; cần xây dựng tiêu chí để học sinh, cha mẹ học sinh đánh giá thái độ và chất lượng hoàn thành công việc của giáo viên.

Suy cho cùng, chỉ người sử dụng dịch vụ mới đánh giá chính xác chất lượng và thái độ người cung cấp dịch vụ.

Muốn biết bát phở ngon hay không, hỏi người ăn hay hỏi chủ tịch phường? Chủ tịch quận? Giáo dục cũng vậy, đừng hỏi cơ quan quản lý giáo dục hay chính quyền địa phương, hãy hỏi chính học sinh và cha mẹ học sinh.

Và chỉ cần thế thôi thì nhiều thầy cô không dạy thêm cũng đỡ phải chạnh lòng, phụ huynh cũng không phải hàng ngày đóng góp quá nhiều tiền học thêm cho con em mình.

Điều quan trọng nhất là các em học sinh có một tuổi thơ đúng nghĩa, có những bài học hay, bổ ích để bước vào đời.

Nguyễn Cao