Đề nghị Bộ hướng dẫn quy đổi 1 tiết dạy trực tuyến bằng 3 tiết trực tiếp

16/09/2021 06:37
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đảm bảo quyền lợi cũng chính là động viên tinh thần, là tạo động lực cho các thầy cô giáo nỗ lực, nhiệt tình hơn trong việc giảng dạy học sinh mùa dịch bệnh

Năm học 2019-2020, ngành giáo dục trong cả nước cũng đã triển khai việc dạy học trực tuyến do dịch Covid bùng phát và kéo dài khá lâu.

Ngày 22/4/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 1366/BGDĐT-NGCBQLGD về việc hướng dẫn một số nội dung về chế độ làm việc, nghỉ hè đối với giáo viên trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 năm học 2019-2020 ngày 22/4/2020 do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ký [1].

Ảnh minh họa: Kim Chi

Ảnh minh họa: Kim Chi

Trong Công văn 1366/BGDĐT-NGCBQLGD, Bộ Giáo dục và Đào tạo không hướng dẫn công thức quy đổi các tiết dạy trực tuyến chung cho cả nước mà giao quyền cho các trường học tự làm.

Công văn này nhấn mạnh, hiệu trưởng các nhà trường phải trao đổi với tổ/nhóm chuyên môn để xác định số tiết thực dạy và tính toán, quy đổi thời gian thực hiện công việc chuyên môn khác ra tiết dạy, từ đó xác định tổng số tiết dạy của giáo viên (bao gồm cả tiết quy đổi) để hưởng lương.

Nghĩa là, một tiết dạy trực tuyến được quy đổi thành mấy tiết dạy trực tiếp là do hiệu trưởng mỗi trường trao đổi với tổ, nhóm chuyên môn từ đó xác định tổng số tiết dạy của chính giáo viên ấy.

Chính điều này đã xảy ra tình trạng chỉ trong một địa bàn nhỏ, mỗi trường học có sự quy đổi tiết dạy khác nhau nên dẫn đến tình trạng trăm hoa đua nở.

Bảng quy đổi từ trường sẽ được nộp về phòng giáo dục và phải có ý kiến đồng ý của trưởng phòng mới có hiệu lực.

Trưởng phòng nhìn các bảng quy đổi từ trường cũng chẳng thể quyết định vì mỗi trường lại có cách lý giải để quy đổi khác nhau.

Vì thế, không ít địa phương đã không thực hiện việc quy đổi tiết dạy cho giáo viên, dẫn đến quyền lợi của nhà giáo bị ảnh hưởng và khiếu nại kéo dài.

Trong một địa bàn nhỏ đã thế, trong một tỉnh sẽ thế nào? Và chắc chắn trong cả nước sẽ có nhiều cách quy đổi khác nhau. Như thế, đã xảy ra tình trạng nơi quy đổi quá chặt (dẫn đến thiệt thòi cho giáo viên) nơi lại quy đổi quá thoáng (giáo viên hưởng lợi mà ngân sách lại bội chi).

Để có sự thống nhất cách quy đổi trong cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có công thức quy đổi cụ thể, rõ ràng.

Một tiết dạy trực tuyến quy đổi bằng mấy tiết dạy trực tiếp trên lớp là hợp lý?

Để có được một tiết dạy trực tuyến, giáo viên phải có sự chuẩn bị khá kỹ cho tiết dạy của mình.

Dạy trực tuyến khác xa với dạy trực tiếp, không phải kiểu dạy thầy cô chỉ ngồi đọc giáo án, độc thoại một mình vì như thế hiệu quả tiết dạy không đạt và sẽ gây nên sự nhàm chán cho các em.

Dạy trực tuyến phải thu hút được học trò chăm chú vào tiết dạy thì giáo viên bắt buộc phải làm tài liệu trình chiếu, phải thiết kế các hoạt động trò chơi hấp dẫn, phải tạo cho học sinh tương tác trực tiếp với giáo viên, với các bạn qua môi trường mạng. Để soạn được một bài giảng trực tuyến bài bản như thế sẽ tốn không ít thời gian và công sức.

Đó là chưa nói đến việc, có những thầy cô phải bỏ tiền ra mua thêm các thiết bị như camera, tai nghe, bảng điện tử để giảng bài tạo cảm giác như một lớp học trực tiếp để thu hút sự tham gia của học sinh.

Từ thực tế giảng dạy, theo người viết và ý kiến của nhiều đồng nghiệp thì công thức quy đổi hợp lý là 1 tiết dạy trực tuyến sẽ bằng 3 tiết dạy trực tiếp.

Giáo viên chủ nhiệm cũng cần được quy đổi tiết chủ nhiệm

Ở tiểu học, giáo viên chủ nhiệm cũng là giáo viên dạy gần hết các môn học của một lớp. Trước khi học trực tuyến, giáo viên phải liên hệ với phụ huynh khá nhiều, từ nhắn vào zalo nhóm, vào facebook, gọi điện thoại trực tiếp.

Vào bất kỳ thời gian nào trong ngày cũng luôn nhận được tin nhắn và trả lời cho phụ huynh về nhiều việc.

Hằng ngày, thầy cô vẫn thường trao đổi thông tin với phụ huynh về việc học của các em và yêu cầu phụ huynh giúp đỡ trong việc nhắc nhở, kiểm tra bài làm của học sinh.

Với giáo viên ở bậc trung học, giáo viên chủ nhiệm là người dạy nhiều nhất cũng chỉ dăm tiết, người dạy ít chỉ có vài tiết/tuần.

Thế nhưng, mọi chuyện xảy ra với học sinh của lớp đều được các giáo viên bộ môn phản ánh lại. Bởi thế, khi nhận thông tin phản ánh, giáo viên chủ nhiệm sẽ liên hệ với từng phụ huynh học sinh để trao đổi.

Ngoài ra, mỗi ngày thầy cô chủ nhiệm đều phải cập nhật số lượng học sinh tham gia học, thái độ học tập để có những biện pháp phối hợp giáo dục kịp thời.

Giáo viên chủ nhiệm trong mùa dịch Covid mà học sinh không đến trường còn kiêm khá nhiều công việc như thông báo mua sách vở, hướng dẫn cập nhật phần mềm bảo hiểm cho học sinh, thống kê sĩ số thường xuyên, điều tra lý lịch, hoàn cảnh gia đình từng em để báo cáo và theo dõi…

Chúng tôi cho rằng, trong thực tế, mỗi giáo viên chủ nhiệm bậc tiểu học có 3 tiết chủ nhiệm, giáo viên trung học có 4 tiết chủ nhiệm thì khi dạy trực tuyến số tiết chủ nhiệm phải được tính cao hơn (khoảng 5 tiết/tuần)vì giáo viên mất nhiều thời gian và cả tiền phải gọi điện thoại (không phải phụ huynh nào cũng có thể tương tác trên mạng).

Đảm bảo quyền lợi cho giáo viên cũng chính là động viên tinh thần, là tạo động lực cho các thầy cô giáo nỗ lực, nhiệt tình hơn trong việc giảng dạy học sinh mùa dịch bệnh.

Tài liệu tham khảo:

https://moet.gov.vn/van-ban/vbdh/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=2693

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết