Nhiều chuyên ngành có tỉ lệ đỗ 100%
Vừa qua, Trường đại học Sài Gòn công bố điểm thi đầu vào cho các chuyên ngành đào tạo trình độ cao học khiến nhiều người ngỡ ngàng vì quá dễ đỗ.
Cụ thể, trường này đào tạo tất cả 10 chuyên ngành và chúng tôi đã thống kê tỉ lệ đỗ các chuyên ngành từ thấp đến cao như sau:
- Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy bộ môn toán: Tổng số thí sinh dự thi 50, tổng số thí sinh trúng tuyển 38 (tỉ lệ đỗ 76%), điểm chuẩn 10,75.
- Chuyên ngành Lịch sử Việt Nam: Tổng số thí sinh dự thi 16, tổng số thí sinh trúng tuyển 13 (tỉ lệ đỗ 81,25%), điểm chuẩn 12,50.
- Chuyên ngành Văn học Việt Nam: Tổng số thí sinh dự thi 21, tổng số thí sinh trúng tuyển 18 (tỉ lệ đỗ 85,71%), điểm chuẩn 11,0.
- Chuyên ngành Quản lí giáo dục: Tổng số thí sinh dự thi 80, tổng số thí sinh trúng tuyển 70 (tỉ lệ đỗ 87,5%), điểm chuẩn 10,0.
- Chuyên ngành Toán giải tích: Tổng số thí sinh dự thi 24, tổng số thí sinh trúng tuyển 21 (tỉ lệ đỗ 87,5%), điểm chuẩn 11,50.
Chưa có bằng đại học vẫn được học thẳng lên thạc sĩ không có gì sai! |
- Chuyên ngành Khoa học máy tính: Tổng số thí sinh dự thi 16, tổng số thí sinh trúng tuyển 15 (tỉ lệ đỗ 93,75%), điểm chuẩn 11,50.
- Chuyên ngành Tài chính ngân hàng: Tổng số thí sinh dự thi 17, tổng số thí sinh trúng tuyển 16 (tỉ lệ đỗ 94,11%), điểm chuẩn 11,50.
- Chuyên ngành Quản trị kinh doanh: Tổng số thí sinh dự thi 23, tổng số thí sinh trúng tuyển 22 (tỉ lệ đỗ 95,65%), điểm chuẩn 10,50.
- Chuyên ngành Hóa lí thuyết và hóa lí: Tổng số thí sinh dự thi 13, tổng số thí sinh trúng tuyển 13 (tỉ lệ đỗ 100%), điểm chuẩn 10,0.
- Chuyên ngành Ngôn ngữ học: Tổng số thí sinh dự thi 10, tổng số thí sinh trúng tuyển 10 (tỉ lệ đỗ 100%), điểm chuẩn 11,50.
Điểm thi tuyển sinh của 13 thí sinh (đã trừ 1 thí sinh vắng) |
Theo thống kê, chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy bộ môn toán có tỉ lệ đỗ thấp nhất cũng đạt 76%. Chuyên ngành Hóa lí thuyết và hóa lí và Chuyên ngành Ngôn ngữ học có tỉ lệ đỗ tuyệt đối 100%.
Điểm chuẩn thấp nhất là chuyên ngành Quản lí giáo dục 10,0 điểm và điểm chuẩn cao nhất thuộc về chuyên ngành Lịch sử Việt Nam với 12,50 điểm.
Như thế, nhiều chuyên ngành, thí sinh chỉ cần đạt mức điểm trung bình ở môn cơ bản và môn cơ sở là đã trúng tuyển cao học một cách dễ dàng.
Nhìn tỉ lệ trúng tuyển cao học, nhiều người lo ngại rằng, chất lượng đầu vào của học viên khó đảm bảo cho việc học tập trong suốt quá trình học.
Như thế, đầu ra của thạc sĩ cũng chẳng khác gì đại học +2, đại học “phẩy”, và người có học vị cũng khó làm công tác nghiên cứu về sau này.
Nếu nhà trường không có một giải pháp dài hơi trong việc tuyển sinh cao học thì dễ đánh mất uy tín của mình trong việc đào tạo.
Được biết, trường đại học công lập này đã tuyển sinh hệ cao học được 10 khóa (mỗi năm tuyển 2 khóa).
Đáng chú ý, từ khóa thứ 2 của năm 2019 trở đi, trường đại học này được Bộ Giáo duc và Đào tạo cho phép đạo tạo trình độ tiến sĩ cho 4 chuyên ngành: Toán giải tích, Quản lí giáo dục, Hóa hữu cơ, Lịch sử Việt Nam.
Điểm trúng tuyển của 13 thí sinh, với tỉ lệ 100% |
Điều kiện dự thi cao học
Đối tượng dự thi đào tạo trình độ thạc sĩ là công dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đáp ứng được điều kiện sau:
Về văn bằng:
- Đã tốt nghiệp đại học ngành đúng, ngành phù hợp với ngành, chuyên ngành đăng ký dự thi đào tạo trình độ thạc sĩ theo quy định tại Khoản 1, Điều 6, Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Đã tốt nghiệp đại học ngành gần với ngành, chuyên ngành đăng ký dự thi đào tạo trình độ thạc sĩ theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 và đã học bổ sung kiến thức theo quy định tại Điều 7 Quy chế này;
- Người tốt nghiệp đại học một số ngành khác theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4, Điều 6 Quy chế này có thể đăng ký dự thi vào ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ thuộc lĩnh vực quản trị, quản lý sau khi đã học bổ sung kiến thức theo quy định tại Điều 7 Quy chế này;
- Văn bằng đại học do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải thực hiện thủ tục công nhận theo quy định hiện hành;
- Căn cứ vào điều kiện của cơ sở đào tạo và yêu cầu của ngành, chuyên ngành đào tạo, thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định cụ thể về điều kiện văn bằng của thí sinh dự thi.
Quyết định điểm chuẩn trúng tuyển |
Về kinh nghiệm công tác chuyên môn:
Tùy theo yêu cầu của từng ngành, chuyên ngành đào tạo, trên cơ sở đề nghị của hội đồng khoa học đào tạo, thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định cụ thể điều kiện về thời gian làm việc chuyên môn để tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trước khi đăng ký dự thi.
Trường hợp người có bằng tốt nghiệp ngành khác đăng ký dự thi vào ngành, chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản trị, quản lý thì phải có tối thiểu 2 (hai) năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đăng ký dự thi.
Ngoài ra, người dự thi phải có lý lịch bản thân rõ ràng, không trong thời gian thi hành kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên và không trong thời gian thi hành án hình sự, được cơ quan quản lý nhân sự nơi đang làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận.
Có đủ sức khoẻ để học tập theo quy định.
Nộp hồ sơ đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định của cơ sở đào tạo.
Tài liệu tham khảo:
[1]//dtsdh.sgu.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=841:di-m-thi-tuy-n-sinh-dao-t-o-trinh-d-th-c-si-khoa-19-2-nam-2019&catid=99:tuy-n-sinh&Itemid=1498
[2]//dtsdh.sgu.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=845:quy-t-d-nh-cong-b-m-c-di-m-chu-n-trung-tuy-n-dao-t-o-trinh-d-th-c-si-khoa-19-2-nam-2019&catid=99:tuy-n-sinh&Itemid=1498
[3]//dtsdh.sgu.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=702:thong-bao-tuy-n-sinh-dao-t-o-trinh-d-ti-n-si-khoa-19-1-nam-2019&catid=103:tuy-n-sinh&Itemid=1499
[4]//thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-15-2014-TT-BGDDT-Quy-che-Dao-tao-trinh-do-thac-si-229824.aspx