Để tự chủ đại học thành công: Thu nhập giảng viên phải ở mức 50 triệu/tháng

12/02/2021 06:15
Tiến sĩ Phạm Long
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các trường đại học phải được trao quyền để chính thức chuyển đổi toàn bộ các thị trường thu nhập ngách thành một thị trường duy nhất....

Tiếp tục chuỗi chủ đề hướng tới tự chủ đại học thành công, nhân dịp đầu năm mới 2021, Tiến sĩ Phạm Long - Giảng viên Đại học Louisiana (Mỹ) đã đặc biệt dành bài viết tâm huyết nhấn mạnh đến yếu tố giảng viên, một trong những chủ thể quan trọng tại các trường đại học.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng đăng tải.

Tự chủ giáo dục đại học ở Việt Nam, có thể được xem như một cuộc cách mạng, cách tân, đổi mới, hay Khoán 10 trong giáo đục đại học, để giải phóng nguồn lực nội tại và huy động nguồn lực bên ngoài, phục vụ cho sự phát triển, hòa nhập của các trường đại học vào khu vực và thế giới.

Tiến sĩ Phạm Long - Giảng viên Đại học Louisiana (Mỹ). Ảnh: Tiến sĩ Phạm Long cung cấp

Tiến sĩ Phạm Long - Giảng viên Đại học Louisiana (Mỹ). Ảnh: Tiến sĩ Phạm Long cung cấp

Một trong những chủ thể quan trọng, cấu thành trực tiếp trường đại học đó là các giảng viên – những người giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tự chủ giáo dục đại học được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, thể hiện ở chỗ đa số giảng viên cơ hữu có bằng cấp cao nhất trong chuyên ngành, việc giảng dạy dựa trên tài liệu, kiến thức chuẩn, hiện đại, đáp ứng được đòi hỏi của thực tế, để thỏa mãn nhu cầu học tập của sinh viên, giúp sinh viên tự tin xin việc và thành công sau khi tốt nghiệp đại học.

Hơn nữa, tự chủ giáo dục đại học tạo ra động lực để giảng viên có được những công trình nghiên cứu chất lượng, ít nhất là hướng tới tiệm cận ở một mức độ nào đó của các trường đại học trên thế giới.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của giảng viên để khẳng định rõ hơn rằng nếu giảng viên thờ ơ với định hướng tự chủ giáo dục đại học, hay đích đến của tự chủ giáo dục đại học không làm cho cuộc sống của giảng viên tốt hơn, tự chủ giáo dục sẽ có thể "chết yểu" khi đang manh nha ở dạng ý tưởng.

Có nhiều khía cạnh liên quan khi nói về cuộc sống của giảng viên, nhưng có lẽ trực diện nhất chính là thu nhập hàng năm và lương hưu kỳ vọng. Nếu mức thu nhập không giúp giảng viên có một cuộc sống ổn định, thì có tuyên truyền về tự chủ giáo dục đại học như thế nào đi nữa, họ cũng không chủ động tham gia vào quá trình này.

Cá nhân tôi thấy rằng điều này hoàn toàn dễ hiểu, tự chủ hay không tự chủ, nếu cuộc sống của giảng viên không tốt hơn, thu nhập không bắt nhịp được với những biến chuyển của các mức giá cả trên thị trường, thì không có ý nghĩa hay giá trị nào biện minh cho việc triển khai tự chủ giáo dục đại học.

Đã có nhiều bài báo phân tích làm thế nào để nâng cao hơn nữa thu nhập hay đời sống của giảng viên, tuy nhiên vẫn chỉ là mang tính định tính, cái chúng ta cần để kiến nghị các cấp liên quan ban hành chính sách đó là một bức tranh cụ thể về cuộc sống tốt hơn của giảng viên.

Bức tranh đó là gì và đâu là những mảng quan trọng trong bức tranh? Mảng quan trọng nhất không gì khác, chính là thu nhập hàng tháng (năm) của một giảng viên. Giả sử nhìn một cách tổng thể nhất, không đi vào chi tiết, thì lương hàng tháng của một tiến sĩ theo thông tin tôi có được là ở mức trên dưới 10 triệu đồng.

Với 10 triệu đồng thì không biết có đủ trang trải các chi phí đi lại, ăn sáng, ăn trưa, và hiếu hỷ hay không? Chưa nói đến không may ốm đau bệnh tật thì thế nào? Hơn nữa, nếu giảng viên tiến sĩ này có gia đình với người bạn đời thu nhập không cao và hai con đang tuổi ăn tuổi học, thì cuộc sống của gia đình giảng viên hẳn sẽ khó khăn vất vả.

Các cụ đã đúc kết câu nói nổi tiếng “Phi thương bất phú”, đúng là như vậy, muốn giàu thì phải làm kinh doanh. Tuy nhiên, những giảng viên có bằng tiến sĩ đang đảm nhận sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, phải xứng đáng hưởng một cuộc sống trung lưu vì mồ hôi, nước mắt đã rơi trong quá trình hoàn thiện bản thân.

Thông tin về giá cả trung bình trên các thị trường ở Việt Nam cho chúng ta thấy: một lít xăng, gần 20.000 đồng; một tô phở, 50.000 đồng; một mớ rau muống, 10.000 đồng; một cân thịt lợn, 150.000 đồng; một cân thịt bò, 170.000 đồng; một cân thịt gà ta, 120.000 đồng; tiền thuê nhà cho một gia đình 4 thành viên, 7.000.000 đồng; chi phí khám chữa bệnh một lần cùng thuốc bổ (bệnh không nan y), 2.000.000 đồng – 5.000.000 đồng; chi phí học tập trường công lập và các chi phí liên quan khác cho một con một tháng: 7.000.000 đồng – 10.000.000 đồng, v.v.

Với những con số trung bình này, chúng ta có thể kết luận rằng lương một giảng viên tiến sĩ 10 triệu đồng không khác gì muối bỏ bể, nếu người bạn đời của giảng viên đó ở tình trạng tương tự. Một số giảng viên khác có thể may mắn hơn khi được cho nhà hay sống chung cùng bố mẹ. Tuy nhiên, sự may mắn này chỉ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí một phần, và nhìn chung cuộc sống trung lưu đích thực chỉ là giấc mơ với họ.

Mặc dù thang bảng lương đều hiển thị con số vô cùng nhỏ bé đối với giảng viên nói chung và giảng viên có bằng tiến sĩ nói riêng, ai cũng biết rằng các con số trong thang bảng lương này khó mà có thể đảm bảo cuộc sống cá nhân và gia đình cho giảng viên. Tuy nhiên, đã từ lâu lắm rồi, và hiện tại cũng vậy, tất cả chúng ta, cũng như các giảng viên vẫn đi qua năm tháng. Điều đó nói lên một sự thật rằng luôn có các thị trường ngách giúp chúng ta, hay các giảng viên tồn tại qua thời gian. Thị trường ngách trong một trường đại học được biểu hiện như thế nào?

Rất đơn giản, đó là việc các giảng viên phải lao vào giảng thêm các lớp ngoài định mức được phân công, phải tham gia cạnh tranh để có được các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, và tham gia hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.

Tất cả những hoạt động này đều mang lại thu nhập, thậm chí cao hơn nhiều so với mức lương chính thức của một giảng viên tiến sĩ. Đặc biệt nếu giảng viên tiến sĩ tham gia ngồi hội đồng chấm bảo vệ luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, thì thu nhập có thể cao hơn đáng kể.

Lưu ý, không phải giảng viên có bằng tiến sĩ nào cũng có nhiều cơ hội tham gia các hội đồng, tùy thuộc vào năng lực cũng như các mối quan hệ mà mức độ tham gia của từng giảng viên là khác nhau.

Các trường đại học có tính đa dạng, có trường đào tạo thạc sĩ/tiến sĩ, có trường không; có trường chỉ là cao đẳng hay trung cấp; hay ngay trong các trường đại học có đào tạo thạc sĩ/tiến sĩ, có giảng viên với nhiều cơ hội làm đề tài hay ngồi hội đồng, có giảng viên ít cơ hội hơn, thậm chí có giảng viên hầu như không có cơ hội, nhưng họ vẫn phải tồn tại, mặc cho mức lương chính thức của họ thấp.

Họ tồn tại bằng cách nào? Theo hiểu biết của tôi, có nhiều cách, trong đó làm thêm liên quan đến lĩnh vực giáo dục, làm thêm không liên quan đến lĩnh vực giáo dục, thậm chí có thể có chút tiêu cực trong các mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên. Chúng ta hay xã hội đều hết sức đồng cảm, tất cả là vì cuộc sống mưu sinh, và hầu hết mọi người cũng thế thôi, giảng viên không là ngoại lệ, không tham gia thị trường ngách, thì sống sao đây, đó chính là nỗi khổ tâm của chính các giảng viên.

Hướng tới tự chủ giáo dục đại học thì các trường đại học phải “được” làm gì? Muốn thành công, các trường đại học phải được làm nhiều thứ, trong đó phải được trao quyền thực sự để góp phần phát triển đội ngũ giảng viên trở thành giai tầng trung lưu trong xã hội.

Hơn nữa, các trường đại học phải được trao quyền để chính thức chuyển đổi toàn bộ các thị trường ngách thành một thị trường duy nhất, ở đó thượng tôn pháp luật là bắt buộc, nỗ lực phấn đấu của giảng viên luôn được ghi nhận, thành quả trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học được tôn vinh, mức lương và lợi ích chính đáng được tôn trọng và phản ánh chỉ trong một thị trường – thị trường chính thức.

Câu hỏi đặt ra là mức lương trung bình bao nhiêu đối với một giảng viên là con số thể hiện sự hội tụ về một mối từ toàn bộ các thị trường ngách? Khó có thể có một con số chính xác, vì mỗi ngành, lĩnh vực, người giảng viên có mức thu nhập khác nhau, phụ thuộc vào tín hiệu thị trường và nhu cầu của xã hội đối với vị trí của người giảng viên trong quá trình đào tạo ra nguồn nhân lực theo từng ngành nghề cho đất nước.

Tuy nhiên, về mặt tổng quan, nếu tính tới toàn bộ các thị trường ngách và kỳ vọng hướng tới là thành viên của giai tầng trung lưu, lương trung bình một tháng (năm) của một giảng viên phải đảm bảo rằng họ có thể sống thoải mái theo nghĩa chi tiêu “hợp lý” với một gia đình gồm vợ chồng và 2 con đang tuổi ăn học tại trường công. Hơn nữa mức lương đó phải giúp được người giảng viên mua được nhà riêng trong phân khúc nhà ở cho giai tầng trung lưu. Vì trở thành thành viên của giai tầng trung lưu mà gia đình không sở hữu được ngôi nhà trong phân khúc này thì vẫn chỉ là hư danh.

Thị trường bất động sản và thị trường nhà ở đang phát triển đa dạng. Một ngôi nhà (hay căn hộ) trong phân khúc của giai tầng trung lưu có giá khoảng bao nhiêu là hợp lý? Đương nhiên câu trả lời thông mình nhất là tùy, nhưng cá nhân tôi luôn hướng tới một đáp án cụ thể và cho rằng khoảng trên dưới 5 tỷ đồng. Vậy cần một mức lương trung bình để phản ánh rằng với mức lương này, một giảng viên tiến sĩ có thể “lo toan” được cho gia đình và sở hữu được một ngôi nhà trị giá trên dưới 5 tỷ đồng, với tư cách là một thành viên của giai tầng trung lưu.

Tôi cho rằng mức lương trung bình cho một giảng viên vào khoảng 50 triệu đồng một tháng là có cơ hội biến các ước mơ của người giảng viên thành hiện thực. Tất nhiên, mỗi lĩnh vực giảng dạy, và ngành nghề khác nhau, con số trung bình là khác nhau, cao hay thấp hơn 50 triệu đồng.

Chúng ta có thể có bằng chứng rằng, xét về bản chất, ở không ít các trường đại học, tổng thu nhập một tháng của không ít giảng viên tiến sĩ từ cả thị trường lương chính thức và toàn bộ các thị trường ngách có thể hơn 50 triệu đồng một tháng, nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều giảng viên không có cơ hội tiếp cận các thị trường ngách thì tổng thu nhập của họ một tháng còn thấp hơn con số 50 triệu đồng rất nhiều, và cần phải có giải pháp riêng cho nhóm này.

Hướng tới tự chủ giáo dục đại học có thể phải thực hiện một số theo trình tự hay đồng thời các giải pháp, ví dụ đưa việc xét phong giáo sư/phó giáo sư về các trường đại học, dỡ bỏ thang bảng lương tuyến tính, đi theo tiếng gọi của thị trường trong nhiều lĩnh vực, kể cả các chuyên ngành đào tạo, tuyển dụng giảng viên giỏi theo cơ cấu tối ưu bao gồm bao nhiêu có bằng tiến sĩ và bao nhiêu có bằng thạc sĩ, cơ cấu lại các phòng ban và các khoa/viện đào tạo chuyên môn trong trường, huy động các nguồn lực tài trợ từ bên ngoài, xây dựng các mức học phí phù hợp.

Tuy nhiên, nếu chỉ thực hiện các giải pháp đó là chưa đủ, mà còn cần những cải cách mang tính cách mạng và những chiến lược ở tầm vĩ mô, của nhiều ngành liên quan đến giáo dục đại học.

Chúng ta cần có một hệ thống ngân hàng, tài chính, đầu tư và bảo hiểm đa dạng hơn nữa. Nói về thị trường đầu tư và bảo hiểm ở Việt Nam, chúng ta chưa có nhiều sản phẩm liên quan đến giáo dục đại học, mà cụ thể là các sản phẩm liên quan đến hưu trí của các giảng viên.

Các giảng viên khi về hưu thường hẫng hụt vì lương hưu hiện tại thấp hơn nhiều so với trước khi về hưu. Khi triển khai tự chủ giáo dục đại học, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa trường đại học và các công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư chuyên cung cấp các sản phẩm “tài chính” chuyên biệt trong lĩnh vực giáo dục, để thiết lập các danh mục đầu tư trên cơ sở đóng góp hàng tháng (năm) của Trường và các giảng viên, sao cho vào thời điểm nghỉ hưu, mức lương hưu của các giảng viên được thanh toán từ các quỹ đầu tư này tương đương với mức lương trước khi nghỉ hưu, đảm bảo duy trì cuộc sống cho giảng viên.

Cải cách hệ thống tài chính ở Việt Nam cần hướng tới xây dựng và ban hành các luật giúp những người lao động nói chung và đội ngũ giảng viên nói riêng có khả năng tiếp cận, mua và sở hữu nhà ở, theo từng phân khúc, phụ thuộc vào thu nhập của từng người lao động.

Muốn thế, các luật được xây dựng và ban hành phải điều tiết hệ thống ngân hàng thương mại cung cấp các sản phẩm tín dụng mua nhà với mức lãi suất thấp hơn so với lãi suất của các khoản vay khác. Đã là luật thì đòi hỏi tất cả các ngân hàng thương mại phải tuân thủ, và chỉ có cách thông qua luật này, ước mơ của những người có công ăn việc làm ổn định, bao gồm cả các giảng viên về việc sở hữu một căn nhà sẽ thành hiện thực.

Cụ thể hóa hơn nữa, nếu mức lương trung bình của một giảng viên là 50 triệu đồng một tháng và lãi suất cho vay mua nhà là 5% - 7%/năm, các giảng viên hoàn toàn có thể mua nhà trả góp trong vòng 15 hay 20 năm. Vào thời điểm họ nghỉ hưu, ngôi nhà đã thuộc sở hữu của họ và cộng với lương hưu từ các quỹ đầu tư do trường đại học và giảng viên đóng góp trong suốt quá trình công tác, cuộc sống của giảng viên sẽ được đảm bảo tương đối.

Trở lại câu chuyện về tuyển dụng giảng viên, trong các bài phân tích trước, tôi cho rằng khi tuyển dụng một giảng viên có bằng tiến sĩ về trường đại học, nếu thực sự trường đại học là “tự chủ” theo đúng nghĩa của thuật ngữ, lương của giảng viên này có thể cao hơn các phó giáo sư và giáo sư trong trường, vì lương là theo tín hiệu của thị trường, phụ thuộc vào cung cầu, và chuyên môn ngành nghề của giảng viên tại thời điểm đó. Các phó giáo sư hay giáo sư cũng hoàn toàn có thể thăm dò thị trường lao động, và nếu có cơ hội, có thể xin sang trường khác với mức lương cao hơn.

Tuy nhiên, khi các phó giáo sư hay giáo sư đã công tác ở một trường đại học trong một khoảng thời gian nhất định, họ cũng đã quen với trường, môi trường sống, và bản thân họ cùng với trường đã đóng góp một khoản đáng kể vào các quỹ đầu tư cho việc hưởng lương hưu sau này, quan trọng hơn nếu đã công tác ở trường được trên dưới 10 năm, họ cũng đã chuẩn bị hoàn thành nghĩa vụ vay trả góp và sở hữu toàn bộ ngôi nhà đã mua, do đó, thông thường họ cũng không muốn chuyển công tác sang trường khác. Còn những giảng viên mới đến trường, trước mắt họ còn nhiều khó khăn thử thách, trong cả công việc cũng như cuộc sống với nhiều áp lực về tài chính vì các mức giá cả có xu hướng gia tăng, lương của họ có cao hơn so với các phó giáo sư hay giáo sư đương nhiệm cũng là lẽ thông thường, vì lương là theo tín hiệu thị trường.

Nói tóm lại trên bước đường hướng tới tự chủ giáo dục đại học ở Việt Nam, chúng ta còn nhiều việc phải làm, ở cả cấp độ vĩ mô, vi mô, cơ quan chủ quản, và bản thân trường đại học. Có nhiều tiêu chí được xem xét và đánh giá, và một trong những tiêu chí quan trọng nhất đó là phải phát triển đội ngũ giảng viên đại học chính thức trở thành giai tầng trung lưu trong xã hội.

Giai tầng trung lưu trong xã hội luôn vận động theo thời gian với tiêu chí đo lường cũng có thể thay đổi theo thời gian, tuy nhiên, những biểu hiện quan trọng trong ngắn hạn, ví dụ mức thu nhập một tháng vào khoảng trên dưới 50 triệu đồng, mức lãi suất vay mua nhà trả góp (nếu có luật) 5% - 7% một năm, mức đóng góp của trường đại học và bản thân người giảng viên vào các quỹ đầu tư chuyên biệt, để đảm bảo mức lương hưu không khác biệt so với mức lương trước khi nghỉ hưu.

Với tư cách là giai tầng trung lưu trong xã hội, các giảng viên sẽ hoàn toàn yên tâm công tác, vì họ không chỉ lo toan được cuộc sống cho bản thân họ, mà còn các thành viên trong gia đình, do đó, chúng ta hoàn toàn kỳ vọng chất lượng giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên được nâng cao.

Hướng tới tự chủ giáo dục đại học là một quá trình vô cùng gian nan, đòi hỏi sự đồng bộ về tư tưởng, tư duy chiến lược, phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan tổ chức (cả vĩ mô và vi mô), sự bắt sóng cộng hưởng của các thị trường tài chính, ngân hàng, và bảo hiểm. Hơn nữa, minh bạch hóa các hoạt động của trường đại học là rất quan trọng, để đảm bảo rằng chỉ có một thị trường lương chính thức và không có bất cứ thị trường ngách nào tồn tại biệt lập, hay nói cách khác các thị trường ngách trong trường đại học phải được minh bạch hóa vào thị trường lương chính thức. Dù khó khăn đến mấy, chúng ta luôn tin tưởng nếu thực sự triển khai tự chủ giáo dục đại học, các trường đại học sẽ hội nhập tốt hơn vào nền giáo dục đại học của khu vực và thế giới.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Tiến sĩ Phạm Long