ĐH Ngoại thương không thể là hình ảnh đại diện so sánh với Harvard

06/07/2012 11:43
Diệu Lan
(GDVN) - Trước khi so sánh ĐH Ngoại thương ở Việt Nam với ĐH Harvard thì nên nhìn sang các trường ở các nước Đông Nam Á, xem mình đang đứng ở đâu, đôi khi những sự “huyễn hoặc” như thế sẽ kéo lùi sự phát triển.
LTS: Sau scandal sinh viên Ngoại thương bị chê "chảnh", hay tự tin thái quá, thậm chí đánh giá trường mình ở đẳng cấp cao (Harvard Việt Nam), hơn hẳn những trường còn lại, hàng trăm độc giả đã cho rằng "sinh viên Ngoại thương quá ngạo mạn", nhưng cũng có những ý kiến cho rằng phát ngôn ấy chỉ thuộc về số ít, không phải là hình ảnh đại diện của ngôi trường này. Báo Giáo dục Việt Nam xin đăng tải quan điểm của một số du học sinh về vấn đề này.
Bạn Võ Xuân Hoài - Thạc sĩ Xây dựng - ĐH Sư phạm Cachan (Ecole Normale Superieur de Cachan), Thạc sĩ Kinh tế Tài chính - Đại học Paris 1, Tổng thư ký Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp: Nếu tự cho mình có quyền “chảnh” thì bạn chẳng phải là người giỏi thực sự

Du học sinh Võ Xuân Hoài
Du học sinh Võ Xuân Hoài

Trong thời gian qua, thông qua các phương tiện truyền thông, tôi có biết về thông tin có một số sinh viên ĐH Ngoại thương bị nhà tuyển dụng chê “chảnh”. Tuy nhiên, chính xác về thông tin này tôi cũng chưa kiểm định được.
Theo tôi được biết thì trường Ngoại thương vẫn có tiếng là đào tạo khá tốt so với hệ thống ĐH trong nước. Vì vậy, nếu nhà tuyển dụng có suy nghĩ là bỏ các ứng cử viên này ngoài danh sách tuyển dụng thì quả là đáng tiếc. Tuy nhiên, nếu vì những lý do nào đó mà nhà tuyển dụng thấy không mặn mà với sinh viên Ngoại thương cho nhu cầu tuyển dụng của mình thì hoàn toàn có thể thông cảm được.
Ở Pháp, họ quan tâm đến định hướng, mục tiêu phát triển nghề nghiệp, có thể làm được gì cho công ty, cũng như năng lực thực sự của các sinh viên mới ra trường. Với những sinh viên thể hiện "chảnh" gần như khó có cơ hội để lọt qua các mắt nhà tuyển dụng ở Pháp, cái cần của họ là ứng viên phải biết khiêm tốn, ham học hỏi và cầu tiến trong công việc dù các bạn thực sự là có năng lực.
Nếu các bạn giỏi thật mà tự cho mình có quyền "chảnh" thì tôi cho rằng các bạn chẳng giỏi mà thậm chí là đang tự làm khó mình thêm.
Mặc dù tôi vẫn luôn đánh giá cao các bạn sinh viên Ngoại thương về nhiều mặt, nhưng việc xem là Harvard của Việt Nam thì tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Trước khi đặt ra vấn đề này tôi nghĩ chúng ta nên tìm hiểu thêm ĐH Harvard ở Mỹ có những gì? Và giả sử nếu đó là đúng đi nữa thì chúng ta cũng nên nhìn ra nền giáo dục tiên tiên của thế giới, liệu chúng ta đã có những trường nào ở Top 1000?

Bạn Lê Đức (Du học sinh Mỹ): So Sánh ĐH Ngoại thương với Harvard thì quá khập khiễng

Tôi đã từng nghe thông tin nhiều sinh viên Ngoại thương kiêu ngạo, bị nhà tuyển dụng chê “chảnh”. Tuy nhiên, bạn bè tôi học Ngoại thương không ai “chảnh” cả.

Theo tôi, sinh viên mới ra trường có 2 yếu tố quan trọng: Học lực giỏi và sinh hoạt xã hội tốt. Tất nhiên trình độ ngoại ngữ cũng là yếu tố quan trọng. Ngoài ra, nếu bạn đã có hội thực tập ở các vị trí chuyên môn trong một số công ty, bạn sẽ được chú ý nhiều hơn. Nếu ứng viên “chảnh” và tự tin, họ sẽ xem bạn có cái gì để mà so sánh và xem xét bạn có xứng đáng với điều đó không.
Tôi nghĩ, nếu bạn giỏi theo đúng nghĩa là học lực tốt, hoạt động xã hội cũng tốt và kinh nghiệm làm việc trên 2 năm thì bạn có quyền “chảnh”. Nếu chỉ giới hạn là học lực thì đừng nghĩ mình có khả năng cao nhất cho vị trí đang ứng cử.
Nếu so sánh ĐH Ngoại thương với Harvard thì quá khập khiễng.
Bạn Nguyễn Minh Phương (Du học sinh tại Italya): Không ai có quyền “chảnh”
Sống ở Italy, tôi vẫn thường xuyên xem tin tức từ Việt Nam. Tôi có biết một vài thông tin quanh việc nhiều sinh viên trường Ngoại thương kiêu ngạo, bị nhà tuyển dụng chê “chảnh”, bản thân tôi cũng từng đọc qua một vài tin tuyển dụng như thế. 
Tôi nghĩ, mức lương hàng ngàn USD là mơ ước với tất cả những sinh viên mới ra trường, nhưng theo tôi, đồng lương trả khi họ “nhìn tận mắt” thành quả của mình giá trị hơn nhiều đồng lương “hét giá”.
Tự tin là điều tất cả các nhà tuyển dụng muốn thấy ở người họ đang phỏng vấn. Khi gặp những ứng tuyển quá “chảnh” và “tự tin”, tôi nghĩ bất kì nhà tuyển dụng nào cũng sẽ có những quyết định cho riêng mình, nhận hay không nhận, đồng ý hay không đồng ý. Vì có một vài điều có thể sửa đổi khi bạn va vấp nhiều hơn, một vài thứ khác thì biến tướng gây ra những hậu quả xấu.
Tôi xin khẳng định không ai có “quyền” chảnh hay đòi hỏi bất cứ điều gì từ ai. Họ bỏ tiền ra mua công sức, mua chất xám của bạn, họ có quyền đòi hỏi bạn một thái độ đúng mực. Bạn bỏ chất xám, bỏ cái “giỏi” của mình ra để nhận đồng lương, bạn có thể yêu cầu họ trả xứng đáng với những gì bạn cống hiến. Nhưng đây là quan hệ 2 chiều, nên đòi hỏi 2 bên phải tôn trọng lẫn nhau.
Nguyễn Văn Ngân - Học viên năm nhất - Khóa học Thạc sĩ - Chuyên ngành Toán ứng dụng và Tin học - Đại học bách khoa Tomsk - Liên bang Nga: Ngoại thương không thể là đại diện để so sánh với Harvard.

Du học sinh Nguyễn Văn Ngân
Du học sinh Nguyễn Văn Ngân

Thực tế đã chỉ ra rằng, ĐH Ngoại thương là một trong vài trường ĐH ở Việt Nam có chất lượng đào tạo tốt, có uy tín. Và không thể vì một lý do chủ quan nào đó mà nhà tuyển dụng lại đưa ra một nhận xét ngược lại với thực tế.
Trước kia, một bạn sinh viên ĐH Ngoại thương tại TP.HCM phát biểu rằng: "Lương dưới 1000 USD khi mới ra trường là không làm". Về vấn đề này chúng ta cũng có thể hiểu theo nhiều chiều hướng khác nhau. Hiện nay có nhiều sinh viên các trường đại học giỏi khi ra trường đã xin được những công việc phù hợp năng lực thực sự của mình với mức lương khá cao. Nhiều nhà tuyển dụng bây giờ cũng trả lương xứng đáng cho những vị trí quan trọng, những người tài giỏi nên mức lương 1000 USD cũng không phải là một điều gì đó quá xa xỉ với thu nhập của người dân Việt Nam hiện tại. Nếu chúng ta cảm thông thì có thể hiểu rằng, bạn sinh viên đó cực kỳ tự tin vào năng lực của mình và có thể xin được những công việc với mức lương cực cao. Có nhiều người bỏ ra hàng ngàn USD để học thêm, để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ thì người ta cũng có quyền yêu cầu mức lương phù hợp với những gì mình đã bỏ ra.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không ngoại trừ khả năng, bạn sinh viên đó cũng đã có vẻ gì đó kiêu ngạo và phát ngôn trong lúc bốc đồng. Cái lỗi cơ bản của bạn sinh viên là rêu rao phát ngôn của mình ra ngoài, điều này như để muốn nói cho mọi người biết rằng mình rất giỏi. Chính điều này vô tình gây ra những mâu thuẫn cho người nghe, bởi người ta biết rõ năng lực của mình, biết rõ trình độ của mình và biết rõ mức lương nào xứng đáng được nhận. Nếu là người thực sự có tài thì sẽ thể hiện bằng hành động, bằng việc làm cụ thể chứ không phải bằng những lời tuyên bố hùng hồn. Dẫu sao thì chúng ta cũng không nên quy chụp điều này để đánh giá những sinh viên Ngoại thương khác. 
Riêng bản thân tôi, với năng lực của mình thì mức lương 1000 USD là một điều quá tốt, đó không chỉ là mơ ước của đa số sinh viên mới ra trường ở Việt Nam mà còn là của những du học sinh khác.
Việc nhà tuyển dụng quy chụp từ “chảnh” cho sinh viên ĐH Ngoại thương là không nên. Chúng ta cũng không thể dựa vào cách đánh giá của một vài nhà tuyển dụng mà cho rằng sinh viên Ngoại thương kiêu ngạo, tự tin thái quá. 
Tất nhiên người Việt Nam có câu “không có lửa làm sao có khói”, cũng không đơn thuần mà tự dưng từ “chảnh” được quy chụp cho sinh viên Ngoại thương mà không phải từ ngôi trường nào khác. Hiện nay, một bộ phận sinh viên Ngoại thương rất giỏi, họ có năng lực, tự tin thể hiện mình và sớm thành công với những công ty nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân. Chính số lượng này đã làm cho cái mác Ngoại thương được đánh giá cao và vô tình nhiều sinh viên khác tự khoác lên mình chiếc áo đó cũng tự cho mình cái quyền được đòi hỏi.
Bất kỳ một ai khi đi xin việc cũng có quyền đưa ra các yêu cầu về mức lương phù hợp với vị trí làm việc cũng như năng lực của bản thân. Và tất nhiên những người giỏi hơn thì họ có quyền yêu cầu mức lương cao hơn. Đó là những người tự tin vào bản thân, những người tài giỏi, năng động, có chính kiến rõ ràng.
Việc so sánh ĐH Ngoại thương với Harvard ở Mỹ cũng là điều không nên. Chúng ta không thể phủ nhận đại học Ngoại thương là ngôi trường có uy tín ở Việt Nam, thế nhưng xét về quy mô, chất lượng đội ngũ giáo viên, phương pháp giảng dạy cũng như chương trình giáo dục thì Ngoại thương không thể là đại diện để so sánh với Harvard.
Nguyễn Quốc Vỹ, Nghiên cứu sinh Ngành Giáo dục kỹ thuật tại CHLB Đức: Trước khi so sánh ĐH Ngoại thương với ĐH Havard thì nên nhìn lại xem mình đang đứng ở đâu


Về thông tin có một sinh viên ĐH Ngoại thương Cơ sở 2 HCM có phát biểu rằng lương dưới 1000 USD khi mới ra trường là không làm, tôi nghĩ cần kiểm chứng lại nguồn tin này. Nếu chỉ “nói cho vui” trong lúc “trà dư, tửu hậu” thì không cần quan tâm lắm. Nhưng tôi chắc rằng không một người nào ở Việt Nam vừa ra trường mà “dám” nói như thế trước mặt nhà tuyển dụng.
Tất nhiên “không có lửa làm sao có khói” nhưng chắc chắn đó cũng không phải là tình trạng phổ biến trong cộng đồng sinh viên Ngoại thương.
Trước khi so sánh ĐH Ngoại thương ở Việt Nam với ĐH Havard thì nên nhìn sang các trường ở các nước Đông Nam Á, xem mình đang đứng ở đâu. Đôi khi, những sự “huyễn hoặc” như thế nó kéo lùi sự phát triển.
Diệu Lan