Đổi giờ học: 2 tuần nữa sẽ... tổ chức hội nghị nghe ý kiến

03/02/2012 19:57
Theo VietNamNet
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống: "Khi các biện pháp chưa thực hiện đồng bộ mà đã đòi hỏi việc này phải tốt ngay tôi sợ là hơi vội vàng."

Trao đổi với PV sáng 3/2, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho hay cơ quan quản lý này đã nhận được nhiều kiến nghị nên kết thúc giờ học cho học sinh THPT vào 18h (thay vì 19h như đang thực thi lịch đổi giờ học hiện nay).

Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống: Ý kiến nên kết thúc giờ học cho học sinh THPT vào 18h (thay vì 19h như hiện nay) là một trong nhiều kiến nghị được Sở tập hợp. (Ảnh Vũ Điệp)
Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống: Ý kiến nên kết thúc giờ học cho học sinh THPT vào 18h (thay vì 19h như hiện nay) là một trong nhiều kiến nghị được Sở tập hợp. (Ảnh Vũ Điệp)

- Thưa ông, sau 2 ngày thực hiện lịch học mới, Sở GD-ĐT đã có thống kê và nhận được nhiều ý kiến từ các trường?

Ông Nguyễn Hiệp Thống: Thống kê thì hiện tại Sở vẫn đang đi tới các trường để đôn đốc thực hiện. Mọi ý kiến khó khăn thì thấy các báo đã nói hết và đúng đấy.

Chúng tôi có các phòng GD-ĐT. Họ chịu trách nhiệm trước UBND các quận, huyện. Về việc xử lí hiện chưa nên đề cập vào lúc này. Cái cần làm trước mắt là đôn đốc thực hiện nghiêm và xem hiệu quả thực tế đến đâu.

- Nhiều ý kiến cho rằng, nên chuyển giờ học của học sinh THPT từ 14h30 sang 13h30 để kết thúc lúc 18h thay vì sau 19h như hiện nay. Ý kiến ông thế nào?

Đó là một trong nhiều kiến nghị hiện Sở đang tập hợp. Sau 2 tuần Sở sẽ tổ chức hội nghị nghe ý kiến các phòng GD-ĐT 12 quận huyện, ý kiến của các trường THPT, chủ nhiệm câu lạc bộ các trường. Khi đó các ý kiến sẽ sâu hơn, chi tiết và đa dạng hơn.

- Theo báo cáo bước đầu của Sở GTVT Hà Nội ùn tắc giao thông sau 1 ngày thực hiện lịch học mới đã giảm đáng kể. Ông có suy nghĩ gì về kết quả này?

Sau một ngày mà cho rằng đã tốt tôi cho là hơi vội vàng. Theo truyền thống, phải hết tháng Giêng lực lượng lao động nhập cư mới trở về thủ đô làm việc ổn định. Học sinh, sinh viên thường phải sau ngày 15 âm lịch mới lên trường học.

Những bất cập về tình hình giao thông khi đó sẽ được thể hiện đầy đủ hơn. Việc đổi giờ chỉ là 1 trong nhiều biện pháp mà Hà Nội đã làm và sẽ làm, kể cả nâng cấp hạ tầng, giáo dục văn hóa giao thông, tăng cường xử phạt,…

Khi các biện pháp chưa thực hiện đồng bộ mà đã đòi hỏi việc này phải tốt ngay tôi sợ là hơi vội vàng.

Mấy ngày nay các lực lượng cảnh sát và thanh tra giao thông ra đường từ rất sớm. Người dân cũng thấy đó để tham gia với sự thận trọng nhất định. Dường như đấy cũng là liệu pháp để tình hình giao thông khá hơn một chút.

- Sở có nhận được ý kiến về những bất cập xung quanh thời điểm tan học của học sinh từ mầm non đến THCS là 17h, còn THPT là sau 19h, thưa ông?

Như tôi đã nói, hiện Sở đã nhận được nhiều kiến nghị ở mức độ khác nhau từ nhiều luồng khác nhau.

Còn đánh giá về chuyện lùi giờ hay giữ nguyên như hiện nay đã đủ hay chưa trong việc đảm bảo giao thông không nằm trong trách nhiệm của ngành giáo dục. Ngành giao thông họ sẽ đánh giá là phù hợp hay chưa.

Tôi có con đang học THPT nên cũng chịu tác động như tất cả gia đình khác, không có ngoại lệ. Con tôi đi xe buýt đến trường nên phải dậy sớm, vội vã đi học nên không kịp ăn sáng. Buổi tối thì tôi còn về muộn hơn con, 19h30 mới rời cơ quan nên gia đình tôi có truyền thống không ăn tối cùng nhau từ lâu rồi.

- Cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục

Theo VietNamNet