Đóng cửa trường là đúng, để như Gateway dễ dẫn đến nhờn luật!

18/09/2019 06:43
Trinh Phúc
(GDVN) - Vụ việc ở trường Gateway đã tột cùng của sự đau khổ và vô cảm nhưng sau đó vẫn còn tình trạng “điếc không sợ súng” và nhờn luật.

Sau khi vụ việc Gateway xảy ra, ngày 16/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo chấn chỉnh về công tác xe đưa đón học sinh nhưng đến nay trong vòng một tháng vẫn có hai trường hợp sai phạm nghiêm trọng xảy ra.

Đó là ngày 11/9, tài xế lái xe đưa đón học sinh một trường tiểu học tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã chết do sốc ma túy trên xe (đây là sai phạm liên quan đến tiêu chuẩn quy định người đưa đón học sinh).

Tiếp đó, ngày 13/9, tại Bắc Ninh, cháu bé 3 tuổi của cơ sở Mầm non cao cấp Đồ Rê Mí (xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) bị bỏ quyên trên xe 7 tiếng đồng hồ, được phát hiện trong tình trạng nguy kịch, may mắn được cứu chữa kịp thời (sai phạm liên quan đến quy trình đưa đón).

Tình trạng "điếc không sợ súng", nhờn luật sau khi vụ việc Gateway xảy ra là điều rất lo lắng (ảnh nguồn giaoduc.net).
Tình trạng "điếc không sợ súng", nhờn luật sau khi vụ việc Gateway xảy ra là điều rất lo lắng (ảnh nguồn giaoduc.net).

Đây là những minh chứng cho tình trạng “điếc không sợ súng” hay nhờn luật của một số cơ sở giáo dục.

Vậy, tại sao lại có tình trạng này xảy ra khi mà vụ việc ở trường Gateway đã tột cùng của sự đau khổ và vô cảm?

Xét về công tác chỉ đạo thì trong công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 16/8 đã chỉ rõ, “khi sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô, cần lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có đủ điều kiện kinh doanh vận tải.

Tài xế phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định, có phẩm chất, đạo đức tốt, giao tiếp, ứng xử văn hóa với học sinh, giáo viên, phụ huynh, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, các trường phải xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy trình đưa đón học sinh bằng ô tô, trong đó phải có sự thống nhất giữa nhà trường với đơn vị cung cấp dịch vụ và gia đình học sinh”.

Bộ yêu cầu tăng cường giải pháp an toàn khi đưa đón học sinh bằng xe ô tô
Bộ yêu cầu tăng cường giải pháp an toàn khi đưa đón học sinh bằng xe ô tô

Sau chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều địa phương cũng đã thực hiện chỉ đạo khẩn đối với các cơ sở giáo dục có thực hiện dịch vụ xe đưa đón học sinh.

Do đó, nói các cơ sở không nắm được quy định về đảm bảo an toàn việc đưa đón học sinh là không đúng.

Vì thế tình trạng “điếc không sợ súng”, hay nhờn luật của một số cơ sở giáo dục chắc chắn có nguyên nhân khác.

Theo dõi vụ việc tại trường Gateway có thể thấy, đến nay quy trình tố tụng vẫn đang thực hiện đối với tài xế và người đưa đón trẻ. Tuy nhiên, các chế tài xử lý đối với trường Gateway đến nay chưa rõ ràng, kịp thời.

Bàn về trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc cháu L. tử vong thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về trường Gateway.

Phụ huynh giao con là gửi niềm tin vào nhà trường, thầy cô cho nên khi để xảy ra tai nạn thì nhà trường phải là pháp nhân đầu tiên bị pháp luật trừng trị.

Mức độ xử lý như thế nào căn cứ vào sai phạm, nhưng ai cũng biết được hậu quả xảy ra đối với cháu L. là không thể khắc phục được.

Đem so sánh chế tài xử lý trường Gateway với cơ sở giáo dục cơ sở Mầm non cao cấp Đồ Rê Mí cho thấy sự khập khiễng.

Trong khi, cơ sở mầm non cao cấp Đồ Rê Mí bị tạm thời đóng cửa nhưng trường Gateway thì không.

Gateway chưa nguôi, một bé 3 tuổi ở Bắc Ninh bị quên trên xe đưa đón 7 tiếng
Gateway chưa nguôi, một bé 3 tuổi ở Bắc Ninh bị quên trên xe đưa đón 7 tiếng

Việc đóng cửa cơ sở mầm non cao cấp Đồ Rê Mí đã nhận được sự ủng hộ của dư luận.

Bởi chính quyền Bắc Ninh thực hiện đúng nguyên tắc đảm bảo an toàn cho trẻ trước hết và dùng chế tài nghiêm khắc để xử lý với các hành vi sai phạm nghiêm trọng.

Nhưng, trong vụ việc ở trường Gateway, Hà Nội dư luận chưa thấy được điều đó.

Có hay không sự nương nhẹ trong xử lý đối với trường Gateway?

Việc xử lý trường Gateway đã đảm bảo được sự răn đe, ngăn chặn các hành vi sai phạm không?

Câu trả lời để dư luận tự phán xét nhưng có một thực tế sau vụ việc Gateway nhiều cơ sở giáo dục vẫn nhởn nhơ, buông lỏng công tác quản lý công tác xe đưa đón học sinh.

Chính vì vậy, ngoài việc ban hành các văn bản đốc thúc, chấn chỉnh công tác đưa đón học sinh thì việc áp dụng hình phạt nghiêm khắc đóng cửa trường đối với các cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm là biện pháp cần thiết.

Còn nếu cứ mơ màng xử lý, để cho các cơ sở giáo dục tồn tại mặc cho sai phạm xảy ra thì tình trạng “điếc không sợ súng”, nhờn luật vẫn sẽ là nỗi ám ảnh của cả ngành giáo dục.

Trinh Phúc