Dù bão gió có cuốn cả ngôi trường, cô nhất định ở lại

20/02/2021 06:16
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô giáo Nguyễn Thị Teo là người con Tu Nâk, là minh chứng sống cho quyết tâm đi học lấy con chữ và mang chữ trở về với bản làng.

Dù trường có bị cuốn bay bởi cơn bão vừa qua và có thể sẽ bị cuốn tiếp nhiều lần sau khi dựng lên trường mới, dù cuộc sống ở Tu Nâk có vất vả, khốn khổ thì chặng đường đưa chữ về bản cho các em luôn được rọi đèn bởi cô giáo nhất định ở lại.

Ước mơ về những ngôi trường ở Tu Nâk

Có một ngôi trường kiên cố, vững chãi, rộng rãi đối với những đứa trẻ thôn 5 Tu Nâk luôn là một mơ ước. Một ngôi trường mà mưa gió, giông bão, lũ quét có đi qua thì nó vẫn luôn ở đó. Bởi ở nơi đó, tinh thần hiếu học đã được thắp sáng với những đứa trẻ và thầy cô giáo như cô Teo.

Cô Teo tên đầy đủ là Nguyễn Thị Teo, hiện đang công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Cô Teo phụ trách dạy học tại điểm trường thôn 5, bản Tu Nâk, xã Trà Cang.

Đợt thiên tai vừa qua, ngôi trường nhỏ tại thôn 5 đã bị cuốn bay mất khi cơn bão số 9 đi qua. Cô Teo nói với học sinh của mình: “Trường đã bay mất, nhưng cô vẫn ở đây, chúng ta sẽ cùng nhau xây lại trường mới”.

Đó là quyết tâm của một cô giáo với dáng người bé nhỏ, nhưng cũng là quyết tâm của đồng bào vực dậy sau đau thương, mất mát bằng một ý chí can trường.

Thôn 5, bản Tu Nâk, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh P.Đ.Q)

Thôn 5, bản Tu Nâk, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh P.Đ.Q)

Vốn dĩ điểm trường là hai lớp học bằng gỗ đơn sơ, đây là nơi đi về của những đứa trẻ muốn tìm con chữ trong bản. Số học sinh lớp 1, lớp 2 ít nên được ghép thành 1 lớp. Tất cả các con mẫu giáo được ghép vào 1 lớp. Như thế, điểm trường này có tất cả hai lớp học, học sinh chủ yếu là người dân tộc Xê-đăng.

Sau khi lớp học cũ bị cuốn mất, một lớp học mới được dựng lên nhanh chóng gần đó để đón các em đến trường. Người ta bảo đó là nhờ công cô Teo, một người con Xê-đăng, người con của Tu Nâk.

Khi còn là đứa trẻ, cô Teo đã mơ về một ngày có được con chữ, về dạy dỗ cho trẻ em nơi đây, nơi mà đồng bào vẫn còn vất vả mưu sinh với cái ăn, cho con em cái chữ còn khó khăn rất nhiều.

Cô Teo tâm sự: “Mình đi học chỉ nung nấu một điều là mang được chữ về nơi mình sống. Nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nếu bản thân người Xê-đăng chúng mình không có tri thức, kiến thức và văn hóa thì không thể nào thu nạp được cái mới ngoài xã hội.

Mình muốn trẻ em trong thôn có một phòng học kiên cố, con đường lên bản dễ đi hơn, có đủ áo ấm vào mùa rét”.

Từ điểm trường chính đến bản Tu Nâk của cô Teo 5 km đường đi bộ, 14 km đường có thể đi xe máy nhưng không dễ dàng vì toàn sỏi đá, bùn lầy và dốc núi. Đó cũng là con đường mỗi lần cô Teo phải đi qua khi xuống trường chính có việc.

Những cơn mưa dầm dề cuối tháng 11 ở Tu Nâk, là lúc những đợt tập huấn diễn ra dưới điểm trường chính.

Cô Teo phải đi ủng, mang theo ô đoạn đường đầu rồi sau đó mặc áo mưa. Tôi có thắc mắc vì sao cô không mặc áo mưa? Cô cười tươi trả lời: “Nếu mặc áo mưa ngay từ đầu thì sẽ rất nóng, bí và toát hết mồ hôi. Dù trời lạnh nhưng 5 km đường dốc núi, thậm chí còn xa hơn để đi bộ thì không thể dùng áo mưa từ lúc đi đến lúc về”.

Điều đó lí giải vì sao hầu hết học sinh nơi đây cứ có một chiếc ô bé dắt túi. Cũng những con đường gồ ghề, đầy sỏi đó, các em học sinh ở đây sẽ từ trường bán trú về nhà.

Cô Teo nói với học sinh của mình: “Trường đã bay mất, nhưng cô vẫn ở đây, chúng ta sẽ cùng nhau xây lại trường mới”. (Ảnh P.Đ.Q)

Cô Teo nói với học sinh của mình: “Trường đã bay mất, nhưng cô vẫn ở đây, chúng ta sẽ cùng nhau xây lại trường mới”. (Ảnh P.Đ.Q)

Vun đắp ước mơ cho những đứa trẻ ở Tu Nâk

“Có rất nhiều người hỏi mình rằng tại sao không đưa học sinh của mình xuống núi? Nhưng mình lại nghĩ ai cũng bỏ miền quê, đưa người đi học con chữ xuống dưới chân núi, thì thôn 5 Tu Nâk này sẽ còn ai ở lại?

Người Tu Nâk có sức sống bền bỉ, mạnh mẽ nhưng họ cũng có gì đó tự ti. Nếu nói để đi học tri thức mà phải đến ở vùng đất mới đối với họ là cả một thử thách.

Tôi nghĩ, tại sao mình làm được rồi không tạo điều kiện, môi trường cho những đứa trẻ như mình không còn vất vả để đi kiếm con chữ, cái số. Tri thức thay đổi được cuộc sống, có thể đưa tri thức dễ dàng tiếp cận đồng bào hơn tại sao chúng ta không làm.

Điều đó hàng ngày, hàng đêm thôi thúc mình tiếp tục, dù việc dạy học ở đây khó khăn vất vả còn nhiều”, Teo tâm sự, cô xem việc dạy học ở Tu Nâk như chính sinh mệnh của mình.

Cô Teo nói với học sinh của mình: “Trường đã bay mất, nhưng cô vẫn ở đây, chúng ta sẽ cùng nhau xây lại trường mới”. (Ảnh P.Đ.Q)

Cô Teo nói với học sinh của mình: “Trường đã bay mất, nhưng cô vẫn ở đây, chúng ta sẽ cùng nhau xây lại trường mới”. (Ảnh P.Đ.Q)

Với người dân ở thôn 5 Tu Nâk, cô Teo thân thương như chính người nhà của họ. Vốn dĩ mọi chuyện trong cuộc đời này không phải ngẫu nhiên mà được thế, cô Teo cũng không ngoại lệ.

Đồng bào vùng sâu họ ngại quảng giao, ngại đổi mới nhưng lại rất tin, rất nghe theo những ai thân thuộc.

Cô Teo chính là hiện diện của sự thân thuộc mà đồng bào vẫn luôn cần đến. Cô là người con Tu Nâk, là minh chứng sống cho quyết tâm đi học lấy con chữ và mang chữ trở về với bản làng.

Hơn tất thảy những tri thức đó chính là sự am hiểu, đồng cảm và chia sẻ với bà con nơi đây.

Cô Teo là người hiểu hoàn cảnh từng hộ gia đình, hiểu từng thói quen, từng tính cách của mỗi người và đặc biệt là cô hiểu các em nhỏ cần phải học ra sao, từng bước đi như thế nào để tiếp cận kiến thức hiệu quả.

Cô Teo tâm sự: “Chỉ có mang lại ánh sáng văn hóa, tri thức mới giúp bà con tự mình vươn lên. Đặc biệt là các em nhỏ, thế hệ tương lai ở đây, để các con biết chữ, biết đọc mới là giải pháp lâu dài, bền vững nhất”.

Cao Kim Anh