Giải đáp băn khoăn chuyển xếp hạng của giáo viên THCS hạng II Bắc Giang

25/11/2021 06:35
NGUYỄN ĐĂNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường hợp của các bạn là đang ở hạng II (cũ) nên nếu đủ tiêu chuẩn sẽ được xét, đề nghị để chuyển sang hạng II (mới)- theo hướng dẫn của khoản 1, Điều 7.

1. Bạn đọc Nguyễn Quang Nghĩa- giáo viên trường Trung học cơ sở Ngọc Vân, Tân Yên, Bắc Giang viết thư về Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam hỏi về việc chuyển hạng, xếp lương theo Thông tư 03/2021/TT- BGDĐT, thư có nội dung như sau:

Kính gửi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

Tôi học trung cấp Sư phạm Mĩ thuật, ra trường năm 2002 và hưởng lương trung cấp. Năm 2009, tôi có bằng cao đẳng và được hưởng lương cao cẳng. Đến năm 2013, tôi có bằng đại học sư phạm Mĩ thuật và năm 2019 thì tôi được xét thăng hạng lên Giáo viên Trung học cơ sở hạng II theo Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và được hưởng lương đại học (mã số V.07.04.11).

Hiện nay, trường tôi đang xếp hạng và lương mới cho giáo viên trong toàn trường nhưng chưa thống nhất về cách xét nên có phần lúng túng . Vì vậy, tôi viết thư hỏi Tạp chí Giáo dục Việt Nam, trả lời giúp tôi.

Tôi có được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) không ?

Theo Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT thì tôi đủ điều kiện để xếp lương vào hạng II (mã số V.07.04.31.

Hơn nữa, tại điểm b, khoản 1, Điều 7. Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở đã hướng dẫn:

1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nếu đạt các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở như sau:

b) Giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.11 được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31);

Chính vì vậy, tôi xin phép Tạp chí điện tử Giáo dục Việt nam, trả lời giúp tôi và giáo viên trong trường biết rõ hơn để thực hiện vì trường tôi nhiều giáo viên không hiểu việc xếp lương và bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.

Tôi xin cung cấp: các giấy tờ văn bằng kèm theo mong quý báo giúp !

Tôi xin cảm ơn!

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Lã Tiến

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Lã Tiến

2. Bạn Dương Thị Phương cũng đang công tác tại trường Trung học cơ sở Ngọc Vân, Tân Yên, Bắc Giang có câu hỏi tương tự như bạn đọc Nguyễn Quang Nghĩa nhưng có thêm nội dung như sau:

“Tại điểm k, khoản 4, Điều 4 của Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn:

Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Đây là trường hợp thi hoặc xét thăng hạng từ hạng III lên Hạng II thì mới cần điều kiện giữ hạng cũ 9 năm đúng không ạ? Còn trường hợp của tôi là từ hạng II cũ sang hạng II mới thì không cần áp dụng điều khoản k này đúng không?

Tôi xin chân thành cảm ơn”.

Vấn đề các bạn hỏi, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin liên quan như sau:

Thứ nhất: việc bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên Trung học cơ sở mấy năm trước đây căn cứ vào hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và phần lớn giáo viên cấp học này khi có bằng đại học, có các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thì được bổ bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hạng II (mã số V.07.04.11).

Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng II theo Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV trước đây tương đối dễ dàng và giáo viên hưởng lương theo văn bằng, bậc lương, hệ số…

Tuy nhiên, ngày 02/2/2021 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT thì việc xếp hạng của giáo viên đã trở nên khó khăn hơn.

Căn cứ vào hướng dẫn của Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT thì giáo viên hạng II (cũ) nếu đạt các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư 03 thì được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mới).

Theo Điều 4 của Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT thì giáo viên hạng II có các tiêu chuẩn như sau:

1. Nhiệm vụ

Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên trung học cơ sở hạng III, giáo viên trung học cơ sở hạng II phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp, công nghệ mới từ cấp trường trở lên; chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn hoặc tham gia xây dựng học liệu điện tử;

b) Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp trường trở lên;

c) Tham gia các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng; thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh;

d) Tham gia đoàn đánh giá ngoài; hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp trường trở lên;

đ) Tham gia ban giám khảo hoặc ban ra đề hoặc người hướng dẫn trong các hội thi (của giáo viên hoặc học sinh) từ cấp trường trở lên (nếu có).

2. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp

Ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên trung học cơ sở hạng III, giáo viên trung học cơ sở hạng II phải luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II.

4. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục trung học cơ sở và triển khai thực hiện có kết quả vào nhiệm vụ được giao;

b) Có khả năng điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học và giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương; có khả năng xây dựng bài học theo chủ đề liên môn;

c) Chủ động cập nhật và có khả năng vận dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp, công nghệ dạy học và giáo dục đáp ứng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương;

d) Chủ động cập nhật và có khả năng vận dụng sáng tạo các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và sự tiến bộ của học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;

đ) Có khả năng vận dụng có hiệu quả các biện pháp tư vấn tâm lý, hướng nghiệp phù hợp với từng đối tượng học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục;

e) Chủ động, tích cực tạo dựng mối quan hệ hợp tác lành mạnh, tin tưởng với cha mẹ học sinh, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh;

g) Chủ động nghiên cứu và có khả năng cập nhật kịp thời các yêu cầu mới về chuyên môn, nghiệp vụ; có khả năng vận dụng sáng tạo, phù hợp, có hiệu quả các hình thức nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân;

h) Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên trung học cơ sở hạng II và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao;

i) Được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở; hoặc được nhận bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi từ cấp trường trở lên, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên;

k) Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng”.

Như vậy, nếu các bạn so sánh những nhiệm vụ, văn bằng, chứng chỉ, thành tích, năm công tác…đã mình đã có, đã đạt được trong những năm qua thì các bạn sẽ được đơn vị nhà trường xét và đề nghị với cấp trên chuyển sang hạng II mới.

Thứ hai: việc áp dụng số năm công tác theo điểm k, khoản 4, Điều 4 của Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT thì đúng như bạn Phương nói, đó là chỉ thi hoặc xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II thì mới cần điều kiện giữ hạng cũ 9 năm. Còn trường hợp của các bạn là đang ở hạng II (cũ) nên nếu đủ tiêu chuẩn sẽ được xét, đề nghị để chuyển sang hạng II (mới)- theo hướng dẫn của khoản 1, Điều 7.

Ngược lại, nếu các bạn không đáp ứng được các tiêu chuẩn ở Điều 4 thì các bạn sẽ xuống hạng III (khoản 2, Điều 7).

Có một điều đáng mừng là ngày 11/11 vừa qua, Bộ Nội vụ đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, sửa đổi khẩn trương chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT- BGDĐT nên tới đây có thể sẽ có điều chỉnh những bất cập, mong rằng các bạn, cũng như nhiều thầy cô trên cả nước sẽ không phải chịu những thiệt thòi khi xếp hạng, xếp lương mới.

Những tư vấn của chúng tôi chỉ mang tính chất tham khảo. Cảm ơn các bạn đã gửi thư về Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

NGUYỄN ĐĂNG