Giải pháp chống lạm phát học sinh giỏi, xuất sắc rởm

27/05/2019 06:59
Trúc Mai
(GDVN) - Học sinh sinh giỏi, học sinh xuất sắc hiện nay nếu ra một bài kiểm tra chưa được “học gà” không ít em làm sai bét hoặc chỉ đạt điểm trung bình, điểm khá.

Ngay sau khi, thông tin một lớp học ở Vũng Tàu có 42/43 học sinh giỏi đăng trên mạng, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vũng Tàu đã lập đoàn thanh tra về làm việc với trường Trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình để thẩm định, kiểm tra.

"Đoàn sẽ kiểm tra từng bài kiểm tra 15 phút, một tiết và học kỳ của lớp này mới có kết luận chính thức. Từ đó, nếu có sai phạm thì xử lý nghiêm", ông Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho biết.

Sau khi kiểm tra, một lãnh đạo của nhà trường cho biết trường không có gì sai, tất cả vì học sinh và đánh giá công bằng khách quan, rằng "học sinh xứng đáng thì được công nhận".

Kiểm tra, thẩm định như “cưỡi ngựa xem hoa” sao có thể tìm ra sự thật?

Mới nghe cách kiểm tra, thẩm định của đoàn “…sẽ kiểm tra từng bài kiểm tra 15 phút, một tiết và học kỳ của lớp này mới có kết luận chính thức”, chúng tôi đã biết ngay kết luận sẽ là “không sai phạm gì”.

Ảnh có tính chất minh họa, nguồn: VOV.vn.
Ảnh có tính chất minh họa, nguồn: VOV.vn.

Bởi chẳng giáo viên, chẳng trường học nào dại gì nâng điểm đại trà cả lớp để lại bằng chứng trên bài kiểm tra của học sinh như vậy.

Nâng bằng cách, dạy trước dạng đề sẽ kiểm tra, thầy cô làm sẵn đề cương cho học...ra đề y chang những gì đã học, đã ôn thì có kiểm tra đằng trời.

Chuyện một lớp học đạt gần 100% học sinh giỏi không chỉ xảy ra ở mình Vũng Tàu.

Có thể nói đây chính là hiện tượng khá phổ biến hiện nay ở nhiều trường học trên cả nước.

Một đồng nghiệp của chúng tôi nói rằng, trường mình có lớp 45/45 học sinh giỏi thì sao?

Nếu cứ kiểm tra bằng bài thi như đoàn kiểm tra ở Vũng Tàu vừa làm thì chẳng bao giờ và vĩnh viễn không bao giờ tìm ra lỗi để chất vấn.

Vậy nên muốn kết luận trường học ấy đánh giá học sinh có công bằng hay không chỉ cần khảo sát bằng một bài kiểm tra Toán, Ngữ văn bất kỳ nào đó sẽ có ngay kết quả.

Đằng sau những con điểm 9, 10

Đang có loạn điểm 9, 10 và danh hiệu xuất sắc

Một bạn đồng nghiệp nói rằng lớp 45/45 em đạt học sinh giỏi ở trường của bạn, phải công nhận rằng em nào học cũng chăm, cũng giỏi.

Tôi đã chất vấn đồng nghiệp, các em chăm học như thế nào? Và học thế nào gọi là giỏi?

Bạn đã giải thích, ngày thường đi học thêm cả lớp, kiểm tra cái gì sẽ được giáo viên dạy ngay cái đó ở lớp học thêm.

Đến cuối kỳ, cuối năm, thầy cô làm sẵn đề cương phát về, nhiều em học thuộc lòng không thiếu một chữ.

Thế nên bài làm của lớp chỉ toàn điểm 10, thấp cũng 9.5; 9.8, em nào bị điểm 9 thì buồn rầu ủ rũ, có em còn khóc như bị ai đánh.

Rồi bạn giải thích cặn kẽ, cứ tới mỗi dịp có bài kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kỳ, thầy cô ở trường luôn ra đề cương (thậm chí làm sẵn, giải sẵn) phát cho các em yêu cầu về học thuộc.

Bài làm của thầy cô hướng dẫn đương nhiên sẽ nhận được điểm cao.

Những em làm biếng không học mà mang vào phòng quay bài. Hên gặp giáo viên coi thi dễ đạt điểm cao, xui gặp thầy cô canh khó thì bị điểm thấp.

Những em muốn giành danh hiệu học sinh giỏi thì miệt mài học ngày đêm.

Học đến mức thuộc lòng như cháo, có bài chỉ mới nêu tên bài toán có em đã đọc ngay kết quả.

Thế là “mưa điểm 10”, thì tại sao không thể giỏi cả lớp?

Như vậy gọi là học giỏi ư? Phải gọi là học vẹt mới đúng, người viết tranh luận.

Bạn cười nói rằng, trong nghề ai lại chẳng biết điều đó. Nhưng nếu thầy cô không soạn và giải đề cương học sinh cũng chẳng siêng học.

Người sợ đầu tiên là các thầy cô giáo. Sợ học trò bị nhiều điểm kém mình sẽ bị khiển trách, sẽ không đạt chỉ tiêu...

Giáo viên lại mang tiếng dạy dở, sao có cơ hội dạy thêm? Phụ huynh sao có niềm tự hào vì con học giỏi để phô trương? để rồi lại quay về trách mắng thầy cô, nhà trường dạy chưa hết trách nhiệm.

Lạm phát học sinh giỏi, học sinh xuất sắc vì đâu?

"Một người giỏi nhiều người vui”, đang là giải pháp tốt nhất lúc này, bạn tôi cười sảng khoái.

Hạn chế lạm phát học sinh giỏi không thực chất bằng cách nào?

Ngay cả học sinh giỏi, học sinh xuất sắc hiện nay nếu ra một bài kiểm tra chưa được "học gà" không ít em làm sai bét hoặc chỉ đạt điểm trung bình, điểm khá.

Vậy nên muốn hạn chế lạm phát số lượng học sinh giỏi không thực chấthoặc muốn đánh giá học sinh giỏi thực chất chẳng khó gì.

Thứ nhất, nghiêm cấm các trường cho ôn thi bằng đề cương.

Nhà trường phải có ngân hàng đề, khi chọn đề kiểm tra sẽ tổ chức quay, hoặc bốc thăm ngẫu nhiên trước ngày kiểm tra 1 ngày.

Thứ hai, phải kiểm soát chặt chẽ và siết chặt tình trạng dạy thêm tràn lan như hiện nay.

Không để giáo viên tự ra đề, tự kiểm tra dù là kiểm tra 1 tiết.

Có thế mới biết em nào giỏi thật sự còn em nào chỉ là học “gạo”, học đối phó.

Và lúc đó, danh hiệu học sinh giỏi mới được trả lại giá trị cao quý như vài chục năm trước đây đã có. 

Tài liệu tham khảo:

https://tuoitre.vn/lop-co-42-43-hoc-sinh-gioi-bi-len-mang-so-lap-ngay-doan-kiem-tra-20190523173934532.htm

Trúc Mai