Giảng viên chia sẻ kinh nghiệm quý về dạy tiếng Anh trực tuyến trong mùa dịch

03/04/2020 07:55
Tiến sĩ Phạm Huy Cường
(GDVN) - Điều mấu chốt đó là sự linh hoạt thích ứng trong tình hình dịch bệnh và cần phải có sự phối hợp giữa các bên liên quan.

LST: Trong bài viết này, Tiến sĩ Phạm Huy Cường (Bộ môn Ngoại ngữ, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ kinh nghiệm dạy tiếng Anh trực tuyến cho sinh viên trong thời điểm diễn ra dịch Covid-19.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy tiếng Anh là một hoạt động phổ biến trên thế giới bắt đầu từ những năm 1960 với các tên gọi khác nhau như Học ngoại ngữ với sự hỗ trợ của máy vi tính (Computer Assisted Language Learning, viết tắt là CALL), Dạy ngoại ngữ với sự hỗ trợ của máy tính (Computer-Assisted Language Teaching, CALT), Học ngoại ngữ với sự hỗ trợ của các nền tảng di động (Mobile-assisted Language Learning, MALL), Giao tiếp với sự hỗ trợ của máy tính (Computer-Mediated Communication, CMC) …

Hoạt động này bắt đầu được triển khai tại Việt Nam từ những năm 1990 với quy mô khá hạn chế và ngày càng được phổ biến với quy mô lớn hơn.

Tuy vậy, hầu hết các mô hình giảng dạy tích hợp công nghệ thông tin thường dưới dạng các chương trình thí điểm chứ chưa được áp dụng một cách đồng bộ và đại trà.

Hiện chưa có bất cứ trường đại học nào triển khai giảng dạy tiếng Anh hoàn toàn theo hình thức trực tuyến.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên phạm vi toàn thế giới và thực hiện các chủ trương của Nhà nước nhằm kịp thời ứng phó và hạn chế lây nhiễm, phần lớn các trường đại học tại Việt Nam bắt đầu triển khai giảng dạy trực tuyến với quy mô toàn trường và cho tất cả các học phần.

Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý các cơ sở giáo dục bậc đại học, giảng viên và cả người học.

Thông qua bài viết này, tôi muốn chia sẻ những trải nghiệm cá nhân trong việc giảng dạy tiếng Anh trực tuyến trong hoàn cảnh mới.

Giảng viên đang dạy trực tuyến cho sinh viên. (Ảnh minh hoạ: Báo Đà Nẵng)
Giảng viên đang dạy trực tuyến cho sinh viên. (Ảnh minh hoạ: Báo Đà Nẵng)

Phản ứng ban đầu

Là một giảng viên thường xuyên cập nhật các kiến thức công nghệ thông tin để phục vụ cho việc giảng dạy, tôi luôn cố gắng tích hợp các yếu tố công nghệ vào bài giảng. 

Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ ủng hộ việc sử dụng các lớp học trực tuyến để thay thế bài giảng trên lớp. 

Rồi học kỳ mới bắt đầu song song với giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, tôi nhận được thông báo của nhà trường cần phải tăng cường sử dụng giao diện trực tuyến để thay thế các giờ giảng truyền thống. 

Tôi cảm thấy rất bâng khuâng về việc này. Có nhiều câu hỏi được đặt ra như: Làm sao để tương tác với sinh viên? Làm sao để kiểm soát sự tham gia của các em? Làm sao để bảo đảm chất lượng giảng dạy?… 

Đối với việc giảng dạy tiếng Anh, tương tác giữa giảng viên và sinh viên và giữa sinh viên với nhau đóng vai trò rất quan trọng.

Tương tác không chỉ dừng lại ở việc sử dụng ngôn ngữ mà còn có các yếu tố phi ngôn ngữ như các cử chỉ cơ thể, đặt biệt là tiếp xúc bằng mắt. 

Tôi nghĩ thôi thì mình chỉ cần tải các tài liệu và đường link lên trang elearning của trường để hướng dẫn các em tạm thời tự học chờ tuần sau đi học lại rồi tính.   

Tập thích nghi với tình hình mới

Một tuần rồi hai tuần trôi qua, tình hình dịch bệnh không có khuynh hướng cải thiện.

Cô giáo sắp về hưu vẫn dạy học trực tuyến giỏi
Cô giáo sắp về hưu vẫn dạy học trực tuyến giỏi

Đến cuối tuần, nhà trường lại thông báo giảng viên và sinh viên tiếp tục nghỉ ở nhà để tránh dịch và yêu cầu giảng viên phải mở các lớp ảo để làm việc với sinh viên. 

Tới thời điểm này tôi nghĩ phải tiến hành giảng dạy trực tuyến - điều mà tôi hoàn toàn không mong muốn vì lo ngại không bảo đảm hiệu quả truyền tải kiến thức và phát triển các kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh cho sinh viên.

Trong khi một số anh chị giảng viên đồng nghiệp, đặc biệt là các anh chị có tuổi phải loay hoay tìm hiểu cách sử dụng, tôi có phần đỡ hơn do cũng biết đôi chút về công nghệ trong giảng dạy tiếng Anh. 

Một số các anh chị giảng viên bắt đầu lập nhóm chia sẻ cách sử dụng hoặc tham gia các buổi tập huấn do nhà trường tổ chức.

Cảm nhận về tuần đầu tiên dạy tiếng Anh trực tuyến

Trong buổi giảng đầu tiên và cũng là lần đầu tiên tôi giảng dạy trực tuyến trọn buổi, không bàn ghế, bảng trắng, không có người học xung quanh.

Trước mặt tôi là màn hình máy vi tính và giao diện trò chuyện cùng nội dung bài giảng đã chuẩn bị sẵn. 

Tôi rất lo không biết sinh viên nghe có rõ bài giảng không, nói bằng tiếng Anh mà không có những tương tác phi ngôn ngữ như trong lớp học truyền thống liệu các em có hiểu không… 

Tôi cố gắng trình bày mọi thứ rõ ràng nhất trong các slide bài giảng và lặp đi lặp lại nhiều lần. 

Khó khăn ở chỗ là rất nhiều sinh viên không mang theo giáo trình về nhà vì nghĩ sau tết sẽ quay trở lại học bình thường, kết nối internet của sinh viên thường hay bị gián đoạn do một số em ở vùng xa, thiết bị của sinh viên không có microphone để trao đổi bằng giọng nói với giảng viên và rất nhiều vấn đề khác phát sinh trong buổi giảng. 

Sau khi kết thúc hai ca giảng hơn bốn tiếng, tôi khàn cả giọng và cảm thấy vô cùng mệt mỏi vì phải nói nhiều hơn bình thường. 

Trong các giờ tiếng Anh trên lớp truyền thống, tôi thường triển khai nhiều hoạt động để sinh viên có cơ hội tương tác và thực hành tiếng Anh và vì vậy cũng giảm bớt thời gian nói của mình.

Khi dạy trực tuyến thế này, tôi hầu như phải nói từ đầu đến cuối buổi.

Sau buổi giảng đầu, tôi nghĩ cần phải thay đổi cách tiếp cận việc giảng dạy trực tuyến.

Tôi tham khảo các trang mạng chia sẻ phương pháp dạy trực tuyến cũng như trao đổi với các anh chị đồng nghiệp xem họ làm thế nào để cải thiện các buổi dạy kế tiếp. 

Đồng thời, tôi đọc kỹ hướng dẫn mà nhà trường đã gửi để cố gắng khai thác tối đa các chức năng có sẵn của các ứng dụng giảng dạy trực tuyến.     

Và các tuần sau đó

Trong các buổi giảng tiếp theo, khi đã tương đối thạo các chức năng trên giao diện giảng dạy trực tuyến, tôi triển khai nhiều hình thức giảng bài như chiếu thêm các video clip liên quan đến bài học, thao tác và chia sẻ màn hình máy tính của mình để sinh viên cùng làm theo hướng dẫn, giới thiệu các đường dẫn đến các trang web để sinh viên làm bài tập thực hành, yêu cầu sinh viên tương tác và thảo luận nhiều hơn bằng chức năng trò chuyện qua tin nhắn, …

Học Online cần sự phối hợp tốt giữa nhà trường và phụ huynh học sinh
Học Online cần sự phối hợp tốt giữa nhà trường và phụ huynh học sinh

Các hoạt động này không chỉ giảm bớt thời gian nói của giảng viên mà còn giúp cho sinh viên chủ động hơn trong việc học và tránh lối thuyết giảng một chiều vốn không phải là đặc trưng của việc dạy tiếng Anh. 

Song song đó, tôi giao cho sinh viên nhiều hoạt động nhóm để các em làm việc với nhau ngoài giờ học, sử dụng các mạng xã hội để trao đổi và cùng nhau thực hành, viết bài gửi nộp qua email. 

Tôi cũng luôn động viên các em cố gắng tập trung vào việc học trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại. 

Các vấn đề về lỗi kỹ thuật hoặc các hạn chế về quyền truy cập, thời gian truy cập đều được trường tôi quan tâm hỗ trợ nhiệt tình và khắc phục kịp thời nên việc giảng dạy tiếng Anh trực tuyến diễn tiến khá suôn sẻ.

Có lần trong lúc giảng bài, tôi hỏi vui các em sinh viên: “Khi trường hoạt động bình thường trở lại, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục học online nhé?” Các em đồng loạt nhắn tin trả lời ủng hộ việc đó. 

Không đồng ý sao được khi các em không cần phải thức dậy sớm hay lặn lội đến trường giữa trưa nắng, có thể vừa ăn sáng vừa ngồi học, và cũng không nhất thiết ngồi vào bàn học mà có thể nằm ngay trên giường để học …

Tuy nhiên, điều mấu chốt ở đây đó là sự linh hoạt thích ứng trong tình hình dịch bệnh và cần phải có sự phối hợp giữa các bên liên quan. 

Trong các buổi học, tôi nhận thấy hầu hết sinh viên các lớp tôi đảm nhận đều đăng nhập vào tài khoản lớp học trực tuyến khá đúng giờ. 

Khi tôi đặt câu hỏi, hầu hết các em đều phản hồi lại rất nhanh. Trong mỗi buổi học, tôi đều dành một ít thời gian ôn tập lại bài cũ và kiểm tra xem các em nắm được bài không mới chuyển sang bài kế tiếp. 

Ngoài ra, sinh viên có thể gửi email hoặc tin nhắn để nhờ giải đáp các vướng mắc trong quá trình học.

Tôi cảm nhận ở các em đều có thái độ khá nghiêm túc đối với việc học, có sự cảm thông và cùng nhau cố gắng phấn đấu. 

Đây là nguồn động lực lớn để tôi đầu tư thêm vào bài giảng giúp các em tiếp cận kiến thức một cách cặn kẽ, không khác gì với giờ học ở trường như thường lệ.

Một số điểm lưu ý cho hoạt động giảng dạy tiếng Anh trực tuyến

Sau hơn một tháng giảng dạy tiếng Anh hoàn toàn trực tuyến và dựa kinh nghiệm nghiên cứu của cá nhân, tôi xin có một số chia sẻ như sau với hy vọng các thầy cô đồng nghiệp có thể có những giờ dạy hiệu quả và chất lượng, cũng như đảm bảo sự phong phú, sinh động trong các hoạt động dạy và học trực tuyến:

- Tham khảo kỹ các tài liệu hướng dẫn sử dụng các công cụ/giao diện giảng dạy trực tuyến;

- Chuẩn bị bài giảng cẩn thận trước giờ giảng và nên có phương án dự phòng khi có sự cố về kỹ thuật;

- Sắp xếp giờ giảng đúng như thời khóa biểu học trên lớp để sinh viên có thể chủ động hơn trong việc tham gia các môn học khác cũng như giải quyết các việc cá nhân;

- Trong buổi học đầu, đề ra các quy định chung để đảm bảo sự chuyên cần của sinh viên trong quá trình tham gia học trực tuyến và sự công bằng giữa các thành viên lớp;

- Đừng quên bắt đầu giờ giảng bằng các câu chào hỏi thân mật, có thể hỏi thăm tình hình sức khỏe của sinh viên và gia đình sinh viên.

Đây là những điều mang tính khích lệ cao trong mùa dịch bệnh.

Đối với những sinh viên đăng nhập lớp học trễ so với giờ quy định, giảng viên cũng cần chào các em để vừa mang tính chất nhắc nhở vừa ghi nhận sự tham gia của các em;

- Thiết kế các hoạt động học sao cho người học có thể rút ra các chiến lược học tập cho bản thân, phát huy tính tự học, tự thực hành và tự nghiên cứu;

- Trong quá trình giảng dạy, thường xuyên tương tác với sinh viên để bảo đảm sinh viên có cơ hội thực hành tiếng Anh và đồng thời cũng nhằm kiểm tra mức độ chú ý của sinh viên;

- Tạo không khí thoải mái, có phong cách giảng dạy vui vẻ, thân thiện nhằm giúp sinh viên có hứng thú khi tham gia giờ học trực tuyến;

- Cần chú ý ghi nhận điểm khuyến khích để sinh viên có thêm động lực tham gia giờ học trực tuyến và các hoạt động học tập diễn ra trong suốt buổi học;

- Khuyến khích sinh viên sử dụng mạng xã hội và internet để làm việc theo nhóm và hỗ trợ nhau học tập và cùng nhau thực hành tiếng Anh thường xuyên;

- Kết thúc mỗi giờ học giảng viên cần tóm tắt lại các nội dung chính đã học và các nội dung cũng như kế hoạch cho buổi học tới;

- Chia sẻ các file tài liệu trước buổi học, bổ sung các nội dung mới sau mỗi buổi học (nếu có phát sinh) và các file ghi âm/ghi hình bài giảng (nếu có);

- Tận dụng các nguồn tài liệu có sẵn trên mạng để giúp sinh viên có thêm cơ hội thực hành.

Hiện có rất nhiều trang web cung cấp dịch vụ miễn phí như Coursera, edX, Future Learn, Newsela hoặc cho phép truy cập tài liệu miễn phí như trang của Nhà xuất bản Đại học Cambridge (Anh). 

- Tạo các nhóm nhỏ (chẳng hạn nhóm Zalo hoặc Facebook) để trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp trong và ngoài trường để cùng nhau học hỏi và cải tiến chất lượng giảng dạy, kỹ năng sử dụng công nghệ trong giảng dạy tiếng Anh. 

Từ đó có thể tạo thói quen và duy trì hoạt động sinh hoạt chuyên môn thường xuyên để không ngừng nâng cao trình độ và nghiệp vụ sư phạm;

Không có một phương thức giảng dạy nào là tối ưu; tuy nhiên trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc giảng dạy tiếng Anh trực tuyến xem như là cứu cánh. 

Giảng viên cần tìm hiểu kỹ và khai thác các tính năng có sẵn của các giao diện giảng dạy tực tuyến để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất.

Tiến sĩ Phạm Huy Cường