Giáo dục Đại học Việt Nam: Lợi nhuận hay phi lợi nhuận?

27/08/2014 13:31
Ngọc Quang
(GDVN) - Phi lợi nhuận không có nghĩa là không có lợi nhuận, mà là việc mỗi tổ chức ứng xử như thế nào với khoản lợi nhuận thu được.

Xin được bắt đầu bằng câu chuyện mâu thuẫn nội bộ tại Trường Đại học Hoa Sen đang làm “nóng” dư luận những ngày qua. Câu chuyện đặt ra là ngay trong nhóm cổ đông của Đại học Hoa Sen – một bên nói rằng, trường hoạt động phi lợi nhuận; một nhóm lại nói trường không phải phi lợi nhuận. 

Một cổ đông của Đại học Hoa Sen đã chỉ ra rằng, những người nói trường hoạt động phi lợi nhuận cũng chưa bao giờ từ chối nhận cổ tức. Ở thời điểm cổ phần hoá trường này vào năm 2007, bà Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen sở hữu 10.800 cổ phần tương đương 0,72%, sau 7 năm với nhiều đợt chia cổ tức và cổ phiếu, đến nay bà Phượng đã sở hữu 338.614 cổ phần tương đương 4,71%.

Vậy thế nào là phi lợi nhuận? Hiểu một cách chính xác thì lợi nhuận sinh ra không phân chia cho các chủ sở hữu, cổ đông, mà chỉ được sử dụng ấy cho mục tiêu của tổ chức - đó là mô hình hoạt động của một tổ chức phi lợi nhuận. Nói cách khác, phi lợi nhuận là phần kinh doanh có lời nhưng không chia cho một hoặc một vài cá nhân nào.

Trước đây, nhiều người đã có hiểu lầm rằng, phi lợi nhuận tức là không tạo ra lợi nhuận, nhưng trên thực tế thì không phải vậy, mà bản chất của phi lợi nhuận chính là sự ứng xử của tổ chức với khoản lợi nhuận thu được – một khi nó được phân chia cho các cổ đông thì chắc chắn là “có lợi nhuận” - như trường hợp của Đại học Hoa Sen.

Khi nào Việt Nam có một trường đại học phi lợi nhuận đúng nghĩa? Ảnh minh họa, nguồn internet.
Khi nào Việt Nam có một trường đại học phi lợi nhuận đúng nghĩa? Ảnh minh họa, nguồn internet.

Năm 2013 khi Luật Giáo dục Đại học chính thức có hiệu lực, vấn đề xã hội hóa giáo dục đại học, trong đó có quy định về cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có yếu tố nước ngoài hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận cũng đã được đặt ra.

Để tránh tình trạng một cơ sở giáo dục đại học nào đó muốn lợi dụng danh nghĩa phi lợi nhuận để mưu cầu lợi nhuận, tại khoản 3 Điều 66 về quản lý tài chính của cơ sở giáo dục đại học đã quy định:

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng kính mời các chuyên gia, độc giả... gửi những ý kiến tâm huyết cho chuyên đề "Giáo dục Đại học Việt Nam: Lợi nhuận hay phi lợi nhuận?" về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn

“Phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học tư thục được sử dụng như sau:

a) Dành ít nhất 25% để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học, cho các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý giáo dục, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội. Phần này được miễn thuế;

b) Phần còn lại, nếu phân phối cho các nhà đầu tư và người lao động của cơ sở giáo dục đại học thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế”.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững của nhà trường, Luật quy định giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục và giá trị của các tài sản được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng cho cơ sở giáo dục đại học tư thục là tài sản chung không chia, được quản lý theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển; Tài sản và đất đai Nhà nước giao cho cơ sở giáo dục đại học tư thục quản lý và tài sản cơ sở giáo dục đại học tư thục được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng phải được sử dụng đúng mục đích, không chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào; 

Nhà nước và xã hội dựa vào việc sử dụng phần tài chính chênh lệch giữa thu chi và tài chính trong hoạt động của nhà trường để có chính sách phù hợp. Với quy định đó, một mặt, Nhà nước không cấm các cơ sở giáo dục đại học hoạt động vì lợi nhuận hợp lý, và mặt khác, có chính sách phù hợp, khuyến khích đối với cơ sở giáo dục đại học hoạt động không vì lợi nhuận.  

Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm Luật giáo dục đại học năm 2013 lại chính là quy định cho phép chia lợi nhuận với tỷ lệ cổ tức hằng năm lại không được vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ. Và một khi đã có chia lợi nhuận như vậy thì câu chuyện phi lợi nhuận Đại học ở Việt Nam vẫn mãi là chủ đề gây tranh cãi.

Nhiều trường đại học ra đời đã công bố hoạt động phi lợi nhuận, nhưng không ai biết chính xác họ có tôn trọng cam kết đó hay không, và ngay cả khi kiểm tra báo cáo tài chính cũng khó phát hiện ra điều gì, với thủ đoạn sử dụng hóa đơn khống, vẽ ra hàng loạt các khoản chi cao hơn mức thông thường,tất cả đều hợp pháp và được “gắn mác” hoạt động của nhà trường.

Ngọc Quang