Giáo sư Mai Trọng Nhuận: Tự trị đại học mang lại tự do học thuật

20/05/2015 07:18
Xuân Trung
(GDVN) - Yếu tố tự trị mang lại thành công cho những trường đại học trên thế giới, điều này chưa hề có ngoại lệ.

LTS: Chất lượng một đại học được đánh giá qua danh tiếng và chất lượng của chương trình học, của đội ngũ giáo sư và cả sự linh hoạt trong việc thích nghi với sự thay đổi chóng mặt của khoa học thế giới. Tự trị đại học còn mang lại sự “tự do học thuật”.

Cái quan trọng nhất của tự trị đại học ngoài chuyện đổi mới giảng viên thì phải hiểu thực sự nội hàm sản phẩm của một trường đại học.

Để hiểu về điều này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với GS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. 

GS. Mai Trọng Nhuận cho biết, nói về tự trị đại học nhiều người nói là số lượng bài báo quốc tế, số lượng sách in, số lượng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, khá…điều này đúng nhưng không phải. Theo lí giải của GS. Mai Trọng Nhuận, đó chỉ là giá trị ảo chứ không phải là giá trị thật.

Mà sản phẩm thật chính là sinh viên có việc làm đúng ngành nghề, số lượng giải pháp mới, công nghệ mới, tư duy mới, đề xuất mới, dữ liệu mới được ứng dụng thực tiễn đủ đăng tạp chí quốc tế hay viết sách.

Vậy, nội hàm đầu tiên của một trường đại học chính là có cơ sở dữ liệu rồi mới nghĩ tới đổi mới. 

Bất kỳ đổi mới nào cũng phải tạo ra chất lượng cao hơn, hiệu quả cao hơn, sản phẩm nhiều hơn, đáp ứng cao hơn nhu cầu phát triển của bất kỳ xã hội, đất nước.

Giáo sư Mai Trọng Nhuận: Tự trị đại học mang lại tự do học thuật ảnh 1

GS. Mai Trọng Nhuận. Ảnh NLĐ

Ở đây đổi mới không phải là làm khác đi, mục tiêu của đổi mới không phải là làm khác đi, mà đổi mới là tạo ra giá trị mới, chất lượng mới hoặc là nâng cao chất lượng, hiệu quả cái đang có.

Liên hệ tới thực tiễn, GS. Nhuận cho biết: “Đổi mới là tạo nên giá trị gia tăng mới, sản phẩm mới chưa từng có (nhóm 1),hoặc nâng cao chất lượng, hiệu quả lên, chứ không phải là chỉ làm một lần hay hai lần (nhóm 2)”.

Theo GS. Mai Trọng Nhuận, hai nhóm vừa nêu đều là đổi mới, nhưng mỗi nhóm đổi mới sẽ có cái khó riêng. Cái khó của nhóm đổi mới là đi liền với sáng tạo, trong khi sáng tạo mình chưa có. Ở nhóm 1 rất cần để nâng cao năng lực cạnh tranh cho một quốc gia.

Bởi một quốc gia muốn cạnh tranh được, tồn tại và phát triển được trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt này thì phải sáng tạo. 

Giáo sư Mai Trọng Nhuận: Tự trị đại học mang lại tự do học thuật ảnh 2

Con đường cải tổ toàn diện giáo dục Việt Nam

(GDVN) -Tự chủ tài chính, tự trị quản lý và tự do học thuật là cái kiềng ba chân để nền giáo dục đại học ở Việt Nam có hy vọng hoàn thành được sứ mạng thật sự của mình.

Nhóm 2, đổi mới để phát triển cái cũ cho chất lượng tốt lên, hiệu quả tốt lên, đáp ứng cao hơn nhu cầu xã hội. Không thể có đổi mới là làm khác cái cũ.

Cũng theo GS. Nhuận, tiếp cận đánh giá đổi mới là theo sản phẩm đầu ra chứ không phải là đánh giá đổi mới quy trình. Và, lõi của đổi mới đại học hiện nay chính là đổi mới quản trị, vì môi trường, thể chế, chính sách nào sẽ xuất hiện những con người tương ứng. 

Mấu chốt của đổi mới là ở đầu ra của quá trình đào tạo, xã hội chỉ quan tâm sản phẩm ra có làm được việc hay không, sáng tạo khoa học có dùng được không, xã hội không chỉ cần một hay hai kỳ thi.

GS. Mai Trọng Nhuận lưu ý, nếu không thống nhất được đổi mới ở khâu nào thì càng làm làm rối và càng tốn kém. Ngay cả chuyện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, theo quan điểm của GS. Nhuận hãy nên xác định lại đầu ra từng cấp học.

“Ví dụ, chuẩn đầu ra của học sinh cấp 1 là như thế nào, biết gì, có kĩ năng gì, cấp 2 như thế nào, cấp 3 thêm năng lực gì?” GS. Nhuận nêu cụ thể.

Do vậy, vấn đề sâu sa của quản trị đại học là tạo ra môi trường, thể chế chính sách nội bộ của cơ sở giáo dục đó. Quyết định tới sản phẩm cuối cùng, mà quản trị đại học chính là nội hàm sâu của tự chủ đại học.

Đi sâu hơn, theo GS. Mai Trọng Nhuận, quản trị đại học phân nhỏ ra là sản phẩm đầu ra, theo lĩnh vực là quản trị tài chính, nhân lực, đào tạo, khoa học, dịch vụ…

Theo đó, mỗi một thứ quản trị có cách quản lí khác nhau, nhưng đều giống nhau ở đầu ra. 

“Không một quốc gia nào đổi mới giáo dục thành công chỉ bằng con đường đổi mới tuyển sinh” GS. Nhuận nhấn mạnh.

Chia sẻ về những đổi mới gần đây của Bộ GD&ĐT như về chương trình, sách giáo khoa, GS. Mai Trọng Nhuận cho rằng có vẻ làm ngược. Đổi mới sách đó với mục tiêu như thế nào, nếu đổi mới ra một học sinh biết làm việc và đổi mới để cho học sinh sáng tạo là hoàn toàn khác nhau.

Xuân Trung