LTS: Quan điểm của GS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khi bàn về tự chủ đại học. Trong chủ đề này ông bày tỏ, vấn đề tự chủ đại học nói riêng và giáo dục đại học nói chung còn nhiều điều cần mổ xẻ.
Tuy nhiên, ở tự chủ đại học ông nêu quan điểm rõ ràng là không nên chỉ ra những tồn tại về bản chất mà cố gắng đi tìm những giải pháp thực hiện quyền tự chủ cho tốt hơn, điều đó có ích và thực tế hơn cho các trường đại học.
Bản chất của tự chủ đại học
Khi bàn về tính tự chủ đại học, GS. Mai Trọng Nhuận cho biết, vấn đề sâu sa nhất của tự chủ đại học đó là bản chất của trường đại học đích thực phải tạo ra tri thức mới, và trường đó phải đào tạo ra những con người để đáp ứng những yêu cầu của một xã hội liên tục thay đổi.
Do đó, để quyết định được hai vấn đề này thì mặc định của trường đại học là được tự chủ.
GS. Nhuận lấy một ví dụ của luật chơi trong bóng đá rằng, khi ra sân các cầu thủ (như trường đại học – Pv) muốn đá như thế nào cũng đc, miễn là tuân theo luật chơi chung của thế giới, còn đá bên phải hay bên trái, bóng cao hay thấp thì không ai biết được hướng đi của bóng như thế nào (xã hội luôn thay đổi – pv).
Theo GS. Mai Trọng Nhuận, sứ mệnh thiên chức của trường đại học là làm ra cái mới (mới ở con người và mới tri thức, mặc dù những cái mới đó chưa từng có nhưng không thể hỏi người khác để làm ra nó), các trường phải tự quyết định để làm ra cái mới đó.
GS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh Xuân Trung |
Đó là nền tảng cơ bản nhất của một trường đại học, còn nếu một trường đại học không tạo ra cái mới, không đào tạo ra được con người đáp ứng yêu cầu xã hội, trường không có quyền lực gì thì trường đó không còn là bản chất của một trường đại học.
Hơn nữa, theo GS. Nhuân, mấu chốt các trường muốn tạo ra cái mới thì phải có quyền quyết định về đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường mình, đó mới đầy đủ nghĩa là một trường đại học. Và đã là đại học thì tất yếu phải được tự chủ.
“Nếu hiểu nôm na nhất thì đại học được quyền quyết định để thực hiện hai sứ mệnh nói trên mà không cần hỏi ai, tất nhiên phải phù hợp với khung bên ngoài là thể chế, chính sách và luật pháp. Còn nếu trường đại học muốn làm ra cái mới, tri thức mới, con người mới mà lại đi hỏi từng người làm như thế nào thì không thể làm được” GS. Nhuận cho hay.
Quyền thuộc Hội đồng, không thể giao cho Hiệu trưởng ở trường tự chủ
(GDVN) - Quyền tự chủ của nhà trường chỉ có thể trao cho Hội đồng trường, không thể trao cho Hiệu trưởng.
Nội hàm của tự chủ là tự mình quyết định các công việc đào tạo, đáp ứng nhanh chóng với sự thay đổi của xã hội, phù hợp với thể chế, chính sách của quốc gia, địa phương đó.
Và nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội còn cho rằng, khung thể chế càng rộng bao nhiêu thì quyền tự chủ của các trường càng rộng bấy nhiêu và ngược lại.
GS. Mai Trọng Nhuận một lần nữa mượn hình ảnh của môn bóng đá, nếu cầu thủ càng giỏi bao nhiêu thì tận dụng triệt để bấy nhiêu luật chơi mà cầu thủ đá để không phạm luật. Nhưng nếu cầu thủ đó không biết được rằng mình đá cánh phải hay cánh trái, đá nhanh hay chậm thì sẽ “run chân”.
Nếu trường đại học phát huy được sở trường, thế mạnh và đúng luật thì gọi là “tự chủ theo năng lực”. Ngược lại, với một trường đại học năng lực kém vừa không đào tạo được con người mới, thậm chí lại luôn luôn “phạm luật”, có thể là “trốn luật”.
“Năng lực của một trường càng tốt thì càng tận dụng tốt quyền tự chủ để làm ra nhiều cái mới đáp ứng nhu cầu xã hội, còn trường năng lực tự chủ kém thậm chí sẽ lạm dụng quyền tự chủ để làm những điều không tốt cho xã hội. Đó là hai xu hướng cùng tồn tại ở lí thuyết chứ không riêng gì ở Việt Nam” GS. Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh.
Nhận định thêm, GS. Mai Trọng Nhuận cho biết, không có một trường đại học nào có thể hoàn thành sứ mệnh trên mà không có quyền tự chủ cần thiết, nói đúng hơn thì tự chủ là quyết định sự sống còn của một trường đại học.
Thậm chí, không có tự chủ đích thực thì cũng không có một trường đại học đích thực.
Tự chủ tạo ra nguồn lực
Tầm quan trọng của tự chủ đại học được GS. Mai Trọng Nhuận phân tích thêm, ông cho rằng, tự chủ đại học không những tạo ra cái mới (vì tạo ra đầu vào phù hợp để có đầu ra) mà còn tạo ra nguồn lực.
Muốn đầu ra được chất lượng, đỉnh cao, ngoài đầu vào còn phải luôn luôn được tự chủ để trường đại học được năng động, sáng tạo để có được thêm các nguồn lực cần thiết. Đến đây các trường đại học cũng cần có quyền tự chủ đủ lớn để tạo ra chính sách, cơ chế thu hút nguồn lực (giảng viên, người học, hệ thống cơ sở vật chất, tài chính…).
Cách hiểu mục tiêu của tự chủ là được làm tất cả, đó là cách hiểu sai, đó không phải là mục tiêu mà đó chỉ là giải pháp.
Giáo dục đại học đã từng bị đồng hóa, đâu phải bậc học tiếp theo phổ thông
(GDVN) - Ở nhiều nước phát triển và đang phát triển, các nhà làm luật đã ghi vào hiến pháp : Đại học tự trị – Viện trưởng Đại học do Tổng Thống bổ nhiệm.
“Mục tiêu của tự chủ là để tạo ra nhanh hơn, nhiều hơn, sản phẩm tốt hơn đáp ứng nhanh, cao hơn yêu cầu phát triển của xã hội không ngừng thay đổi. Tạo ra nguồn lực cần thiết để làm việc đó. Nguồn lực được hiểu không chỉ là tài chính mà còn là thể chế, chính sách, môi trường làm việc...” GS. Nhuận cho hay.
Một nghiên cứu mới đây trên 1.200 cán bộ ở Đại học Quốc gia Hà Nội về “Yếu tố nào quan trọng nhất đến tinh thần trách nhiệm?”, bảng hỏi cho 10 đáp án có sẵn, trong đó có đáp án lương, thưởng. Trước khi làm điều tra một số nhà xã hội học nhận định, lương càng cao thì trách nhiệm sẽ đi theo, điều đó là đương nhiên.
Tuy nhiên, kết quả 78% chọn điều kiện số một, đó là “Điều kiện môi trường thực hiện khát vọng nghề nghiệp”, tiền chỉ đứng thứ 7. Như vậy, lương đối với giảng viên, cán bộ đại học chỉ đứng thứ 7 trong việc thực hiện trách nhiệm và năng động sáng tạo.
Ví dụ này để thấy được rằng, nguồn lực quan trọng hơn đồng tiền, có tiền chưa chắc đã có được người giỏi về làm việc, đó còn phải là môi trường, thể chế, chính sách để thúc đẩy năng động, sáng tạo. Môi trường đó phải được đánh giá công bằng, khách quan, theo sự cống hiến của từng người.
“Một ví dụ này để thấy tính tự chủ của một trường đại học còn do chính thể chế, chính sách của trường đó để tạo ra nguồn lực, do đó trường được tự chủ, được tự ban hành chế độ trả lương, làm việc, ban hành quy định đánh giá giảng viên. Chứ không nhất thiết phải là 286 tiết giảng cứng nhắc của giảng viên. Nhưng ông hiệu trưởng phải được quyền quyết định để giảng viên được tự do nghiên cứu, sáng tạo…” GS. Nhuận cho biết.
Từ đây, GS. Mai Trọng Nhuận cho rằng, điều kiện tự chủ chính là năng lực tự chủ của chính cơ sở giáo dục đại học đó. Năng lực tự chủ được đo bằng chính năng lực của đội ngũ lãnh đạo, quản lí nhà trường và thứ nữa là đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên, phục vụ. Ở mỗi vị trí từng người có tự chủ riêng của họ.
Vấn đề quan trọng hơn nữa để các trường được tự chủ, theo GS. Mai Trọng Nhuận, đó là thể chế, chính sách. Nếu luật chơi đủ rộng để tạo ra sản phẩm tốt nhất, nhanh nhất, nhiều nhất, hiệu quả nhất, nguồn lực thu hút nhiều nhất, đó là mục tiêu của người ban hành thể chế, chính sách.
Do đó, người ban hành phải hiểu tự chủ, tạo tự chủ cho các đơn vị tự chủ. Đảng đảm bảo về đường lối, chủ trương, Quốc hội cho ra luật phù hợp, Chính phủ điều hành tốt. Đó là ba vòng để đảm bảo quyền tự chủ này.
Ở đó phải thấm đẫm tự chủ, ra những chủ trương, chính sách tự chủ đúng. Quốc hội thể chế hóa bằng luật, và cơ quan hành pháp thực hiện luật tự chủ một cách đúng nhất.
GS. Nhuận cho biết thêm, thậm chí trong phạm vi khuôn phép của hành pháp, có thể tạo ra thêm những quy định để tự chủ được tốt hơn nữa, và chính nơi đó thay mặt Đảng và Nhà nước giám sát tự chủ ở các cơ sở giáo dục đại học.
Giám sát ở đây theo quan điểm của GS. Mai Trọng Nhuận là sản phẩm đầu ra chứ không nên theo quy trình. Nhưng đánh giá tự chủ là đánh giá sản phẩm đầu ra của chính cơ sở giáo dục đó, chứ không đi đánh giá quy trình, vì quy trình chỉ là một chiếc “hộp đen” nằm giữa đầu vào và đầu ra…
Trong bài tới, GS. Mai Trọng Nhuận sẽ giải thích rõ hơn về chiếc “hộp đen” của quy trình tự chủ ở mỗi trường đại học. Chiếc “hộp đen” này đối với mỗi cơ sở giáo dục đại học sẽ phải xử lí như thế nào để được xã hội thừa nhận về chất lượng người học?