“Giáo sư tiến sĩ chửi bậy: Luật nào cấm tôi đặt tên Học viện Kinh tế Sáng tạo"?

12/11/2016 08:01
Trinh Phúc
(GDVN) - “Tôi là người đầu tiên nghĩ ra định nghĩa “kinh tế sáng tạo”, tôi không cần ai công nhận việc này vì bản thân tôi là người sáng tạo ra nó” – Phan Văn Hưng nói.

LTS: Ở Việt Nam, một Học viện được thành lập phải được Chính phủ công nhận.

Học viện là cơ sở giáo dục tương đương với một trường Đại học nên có vị thế rất lớn trong môi trường giáo dục quốc dân.

Tuy nhiên, theo cái lý sự của ông Phan Văn Hưng – “Giáo sư tiến sĩ chửi bậy” thì việc ông đặt trung tâm dạy tiếng Hàn Quốc do ông làm giám đốc  bằng cái tên Học viện Kinh tế Sáng tạo là do luật không cấm.

Sau các bài báo lật tẩy sự giả dối của ông Phan Văn Hưng, chúng tôi tiếp tục làm rõ hơn những nghi vấn xung quanh việc ông Hưng đưa thông tin sai sự thật nhằm thu hút người học để kiếm lợi.

Dưới đây là các thông tin cho thấy nổi lên nghi ngờ về sự mờ ám trong hoạt động của trung tâm ngoại ngữ và tư vấn du học này qua các phản ánh của độc giả.

Dấu hiệu cố tình làm sai luật

Tại buổi làm việc vào 7/11 với chúng tôi tại trụ sở Học viện Kinh tế Sáng tạo, ông Phan Văn Hưng thản nhiên nói rằng:

“Ở Việt Nam không có một văn bản pháp lý nào quy định hễ cứ gọi học viện thì phải hiểu là một trường đại học. Bản chất từ Học viện Kinh tế Sáng tạo 100%  do tôi suy nghĩ ra”.

Tên Học viện Kinh tế Sáng tạo là một chiêu trò "lập lờ đánh lận con đen" (ảnh Trinh Phúc).
Tên Học viện Kinh tế Sáng tạo là một chiêu trò "lập lờ đánh lận con đen" (ảnh Trinh Phúc).

Qua trao đổi có thể hiểu được, vì nghĩ như thế nên ông Phan Văn Hưng đã tự ý đặt tên Học Viện Kinh tế Sáng tạo và xem đây là một khám phá “khoa học” tột bậc của bản thân mà từ trước đến nay nhân loại chưa từng ai nghĩ ra.

Cụ thể, ông Hưng nói:

“Học viện Kinh tế Sáng tạo được nhà nước công nhận(?).

Cũng là cơ sở  giáo dục đầu tiên nghĩ ra định nghĩa “kinh tế sáng tạo”.

Tôi không cần ai công nhận việc này vì bản thân tôi là người sáng tạo ra thì tôi có quyền khẳng định như thế”.

Chưa dừng lại, “Giáo sư, tiến sĩ chửi bậy” – Phan Văn Hưng tiếp tục lý sự:

“Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 2015 – 2020, Học viện Kinh tế Sáng tạo thực hiện mục tiêu lên đại học, nhằm tạo tiền đề vững chắc.

Chúng tôi chưa phải là một trường đại học nhưng chúng tôi đang trên quy trình để trở thành một trường đại học.

Tên “Học viện Kinh tế Sáng tạo” tôi đã gửi hồ sơ đăng ký thương hiệu để bảo hộ có kèm theo logo tại Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học Công Nghệ).

Theo dự kiến tháng 12 này sẽ được chứng nhận”.

Trước đông đảo các nhà báo, ông Hưng tiếp tục rao giảng với phóng viên về mục tiêu phi lợi nhuận trong hoạt động của trung tâm này.

“Giáo sư tiến sĩ chửi bậy: Luật nào cấm tôi đặt tên Học viện Kinh tế Sáng tạo"? ảnh 2

Bạn học của “Giáo sư, tiến sĩ chửi bậy” lật tẩy ông Hưng gian dối, bịa đặt

Cũng như những lời nói ngụy tạo về chức danh Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, Hiệu trưởng, lần này ông Hưng còn nói về khái niệm Cơ sở Giáo dục phi lợi nhuận cũng mang đến một hàm nghĩa hoàn toàn mới lạ.

Theo ông Hưng:

“Học viện Kinh tế Sáng tạo là cơ sở giáo dục phi lợi nhuận. Tôi rất lưu ý đây là mô hình hoạt động bằng thu học phí.

Chúng tôi thu học phí một cách minh bạch rõ ràng. Tôi một người cung cấp sản phẩm giáo dục, vận hành học sinh, tôi không đưa bất kỳ lợi nhuận  ấy ra đầu tư vào một lĩnh vực khác”.

Trong khi ông Hưng liên tục bao biện cho việc làm của mình thì các tài liệu mà chúng tôi thu được lại cho thấy nhiều điều khác, cụ thế:

Trong giấy chứng nhận có ghi rõ tên là Trung tâm ngoại ngữ Kinh tế sáng tạo (ảnh Trinh Phúc).
Trong giấy chứng nhận có ghi rõ tên là Trung tâm ngoại ngữ Kinh tế sáng tạo (ảnh Trinh Phúc).

Trong chứng nhận đăng ký hoạt động của trung tâm (giảng dạy ngoại ngữ) do Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội chứng nhận đăng ký cho ông Phan Văn Hưng mở Trung tâm có tên là, “Trung tâm ngoại ngữ kinh tế sáng tạo”;

Trong Giấy chứng nhận hoạt động dịch vụ tư vấn du học Giám đốc sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội quyết định chứng nhận dịch vụ tư vấn du học tự túc cho Trung tâm tư vấn du học – Học viện Kinh tế Sáng tạo.

Như vậy, trong hai văn bản do Sở Giáo dục và Đào tạo cấp không có văn bản nào thừa nhận tên gọi Học viện Kinh tế Sáng tạo.

Theo quy định của pháp luật, tại Điều 5, Thông tư "Ban hành quy chế Tổ chức và Hoạt động của Trung tâm Ngoại ngữ, tin học" của Bộ Giáo dục & Đào tạo (số 03/2011/TT-BGDĐT), quy định, tên của trung tâm ngoại ngữ, tin học, việc đặt tên của trung tâm ngoại ngữ, tin học theo quy định như sau:

“Trung tâm ngoại ngữ (hoặc tin học) + tên riêng; Tên của trung tâm được ghi trên quyết định thành lập trung tâm, con dấu, biển hiệu và các giấy tờ giao dịch của trung tâm”.

Khi áp dụng điều này, có thể thấy việc ông Phan Văn Hưng biến trung tâm đào tạo ngoại ngữ tiếng Hàn Quốc của mình thành Học viện Kinh tế Sáng tạo là sai quy định của pháp luật.

Những dấu hiệu thu lợi bất chính

Để làm rõ hơn hoạt động của Trung tâm này, chúng tôi đã liên hệ với một số học viên từng học và đăng ký tại đây.

Theo phản ánh của chị N.T.Th (xin được giấu tên) ở Thanh Oai, Hà Nội, chị vừa gửi hồ sơ đến trung tâm này, chưa học tập, chưa ký hợp đồng gì thì đã phải nộp số tiền hơn 17 triệu 900 nghìn đồng.

Trong khi đó, theo phản ánh của chị Th., lý do chị rút hồ sơ vì có những thông tin nhập nhèm, “tiền hậu bất nhất” trong quá trìh tư vấn của trung tâm.

Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy một tháng khi chị Th. đi xin rút hồ sơ trung tâm chỉ trả lại số tiền là 3 triệu 900 nghìn đồng, số tiền còn lại đại diện trung tâm bảo không trả lại nữa vì đó đã chi phí cho việc làm hồ sơ.

Không chỉ chị Th., một số học viên từng học tập tại trung tâm này phản ánh với phóng viên, họ theo học để được đi sang Hàn Quốc du học nhưng cuối cùng trung tâm không đưa được học sang Hàn Quốc nhưng cuối cùng vẫn chịu thiệt một khoản tiền dịch vụ lớn.

Những thông tin trên, Phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiến hành xác minh và làm rõ.

Trinh Phúc