Giáo viên hợp đồng và chuyện...giá như!

14/08/2017 07:00
THIÊN ẤN
(GDVN) - Có người ngậm ngùi, tiếc nuối, giá như ngày mới ra trường suy nghĩ khôn ngoan, hiểu biết hơn, cùng với những quan hệ, tiền bạc này, nọ thì đâu đến nỗi...

LTS: Những câu chuyện về thân phận giáo viên hợp đồng đã được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông.

Trong bài viết này, thầy giáo Thiên Ấn phản ánh thực trạng một số nơi giáo viên hợp đồng bị rơi vào cảnh mất việc.

Trong khi đó, ở một số nơi, với cách ứng xử nhân văn, các thầy cô được sắp xếp công việc một cách hợp lý.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngày 9/8, Uỷ ban nhân dân huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) có  thông báo chính thức cho 51 giáo viên thôi hợp đồng làm việc.

Trong số 51 giáo viên trên, có 44 giáo viên trung học cơ sở và 7 giáo viên tiểu học.

Hầu hết, các thầy cô giáo này có thời gian hợp đồng làm việc từ năm 2011.

Một số thầy, cô trong quá trình công tác đã đạt được nhiều thành tích, khen thưởng như: chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, nhận bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và huyện.

Hình ảnh những giáo viên hợp đồng ở Quảng Nam có nguy cơ thất nghiệp trước thềm năm học mới. (Ảnh: TT/giaoduc.net.vn)
Hình ảnh những giáo viên hợp đồng ở Quảng Nam có nguy cơ thất nghiệp trước thềm năm học mới. (Ảnh: TT/giaoduc.net.vn)

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Tấn Chân - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Tây Hòa lý giải:

Điều này là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên. Uỷ ban nhân dân huyện Tây Hòa đã có cam kết thực hiện cắt giảm 130 biên chế sự nghiệp giáo dục theo lộ trình.

Bên cạnh việc giải quyết cắt giảm số biên chế trên, chúng tôi phải tính đến số giáo viên hợp đồng ngoài biên chế này.

Trong số 51 giáo viên thôi hợp đồng có 35 trường hợp hết thời hạn hợp đồng từ ngày 4/9 và 16 trường hợp hết thời hạn từ ngày 31/1/2018. Tất cả hợp đồng đều là hợp đồng có thời hạn”.

Mới đây, tại Quảng Nam, 104 giáo viên dạy hợp đồng bậc trung học phổ thông đã gửi đơn nêu 8 kiến nghị khẩn thiết đối với cơ quan chức năng, mong muốn được xem xét giải quyết để được tiếp tục cống hiến, phục vụ cho ngành giáo dục địa phương.

Giáo viên hợp đồng và chuyện...giá như! ảnh 2

104 giáo viên hợp đồng nói Sở Giáo dục chỉ đạo nhà trường ký hợp đồng sai luật

Cùng chung tâm trạng vô cùng bất an như 17 giáo viên “tưởng trúng tuyển thành rớt”, sau kỳ thi tuyển viên chức vào tháng 2/2017, hơn 100 giáo viên trung học phổ thông đang dạy hợp đồng ở địa phương này rất hoang mang, lo lắng sau nhiều năm công tác, gắn bó với trường, lớp lại đứng trước nguy cơ bị mất việc.

Từ nhiều tháng nay các thầy cô giáo đã nhiều lần làm đơn kiến nghị về trường hợp của mình nhưng không có phản hồi.

Ông Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, Hà Thanh Quốc cho biết: “Đối với 104 giáo viên hợp đồng, trong quá trình công tác họ không có bảo hiểm xã hội nên đối chiếu quy định thì không thể áp dụng hình thức xét tuyển đặc cách nên chỉ tổ chức xét tuyển cạnh tranh.

Tất cả những giáo viên này đều thỏa thuận giảng dạy với hiệu trưởng các trường nên không có sự ràng buộc gì về pháp luật.”

Số phận của hàng trăm giáo viên hợp đồng ở hai địa phương nói trên (và những tỉnh, thành khác) thật tội nghiệp.

Trước đây, học sinh, trường lớp nhiều, chưa đủ số giáo viên cơ hữu, nhiều nhà trường cần đến họ, họ đã giảng dạy, làm việc hết mình, có đóng góp không nhỏ cho phát triển giáo dục tỉnh nhà.

Nhưng nay, trường lớp, quy mô học sinh giảm dần, giáo viên cơ hữu (biên chế) đã đủ, thậm chí dôi dư thế là giáo viên hợp đồng không còn cần thiết nữa, buộc phải thanh lý hợp đồng.

Có người ngậm ngùi, tiếc nuối, giá như ngày mới ra trường suy nghĩ khôn ngoan, hiểu biết hơn, cùng với những quan hệ, tiền bạc này, nọ thì đâu đến nỗi, chịu  kết cục thảm thương như hôm nay.

Đúng, không có nỗi khổ nào bằng nỗi khổ của giáo viên hợp đồng, đã hết thời.

Từ số phận, kết cục của hàng trăm giáo viên hợp đồng ở hai tỉnh trên, tôi nhớ đến 28 giáo viên, 1 nhân viên thuộc diện hợp đồng của Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Thành phố Quảng Ngãi) năm 2012, đơn vị tôi đang công tác cũng đứng trước nguy cơ thất nghiệp khi nhà trường vừa chuyển đổi mô hình từ trường bán công sang trường công lập theo chủ trương của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi (năm 2011). 

Giáo viên hợp đồng và chuyện...giá như! ảnh 3

Lá thư đẫm nước mắt của một giáo viên hợp đồng trước kỳ tuyển viên chức giáo dục

Họ hoang mang, lo lắng không kém. Họ liên tục khẩn cầu Ban giám hiệu chúng tôi có cách nào đó giúp họ được tiếp tục dạy tại trường, được chuyển từ giáo viên hợp đồng sang giáo viên chính thức, khi đơn vị còn thiếu biên chế.

Ban giám hiệu, hội đồng sư phạm chúng tôi tổ chức nhiều lần họp bàn… đến căng thẳng, đau đầu.

Gửi tờ trình, làm việc trực tiếp với Phòng tổ chức - cán bộ, Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi.

Rồi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi làm việc với Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi để thống nhất phương án xử lý, tháo gỡ giáo viên hợp đồng tại Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng.

Thật may mắn, năm đó, tỉnh, Sở Nội vụ Quảng Ngãi giao thêm 40 chỉ tiêu biên chế giáo viên cho bậc trung học phổ thông.

Được nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ quan tâm, ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi nhất, tất cả 29 giáo viên, nhân viên hợp đồng ấy được vào biên chế và yên tâm công tác tại trường từ năm đó đến bây giờ.

“Sóng gió” qua đi, cả hội đồng sư phạm nhà trường vui mừng khôn tả vì đã “giải cứu” thành công được 29 giáo viên và nhân viên đứng trước nguy cơ bị thanh lý hợp đồng.

THIÊN ẤN