Giáo viên kêu Trời với mẫu giáo án 5512, Vụ trưởng Thành có thấu?

16/06/2021 06:54
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên chưa được tập huấn soạn Kế hoạch bài dạy (giáo án), Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục lại triển khai Phụ lục IV của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH một cách áp đặt.

Mẫu giáo án 5512, giáo viên còn chưa được tập huấn

Ngày 1/11/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 17/2019/TT-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo đó, giáo viên các cấp phải bồi dưỡng 9 module của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó Module 4: Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, yêu cầu:

“Trình bày được một số vấn đề chung về dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông nói chung, phù hợp với đặc thù cấp học, vùng, miền;

Xây dựng, điều chỉnh kế hoạch dạy học, giáo dục và tổ chức dạy học, giáo dục đáp ứng yêu cầu chương trình môn học, hoạt động giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông, phù hợp với đặc thù cấp học, vùng, miền;

Hỗ trợ đồng nghiệp trong việc xây dựng, điều chỉnh và tổ chức hoạt động dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.” [1]

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: giaoduc.net.vn

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: giaoduc.net.vn

Như thế, sau khi giáo viên học xong Module 4 thì mới có thể “xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh” theo Phụ lục IV của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH một cách bài bản.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, hầu hết giáo viên trên cả nước chỉ vừa học xong Module 3. Hơn nữa, việc soạn Kế hoạch dạy học (giáo án) được giáo viên cốt cán, tổ trưởng chuyên môn triển khai cập rập ở đầu học kì 2 năm học 2020-2021 nên thầy cô gặp lúng túng trong việc soạn giáo án là điều hiển nhiên.

Chính bởi lẽ đó nên Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chưa triển khai Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ở học kì 2 ở năm học này.

Báo Tuổi Trẻ ngày 10/6/2021 dẫn lời ông Hồ Tấn Minh - Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh - khẳng định: “Hiện Thành phố Hồ Chí Minh chưa triển khai việc thực hiện Công văn 5512.

Dự kiến, trong tháng 7/2021 Sở Giáo dục sẽ tập huấn cho các trường về thực hiện công văn 5512 của Bộ Giáo dục. Hiện các trường đã được hướng dẫn việc thực hiện kế hoạch kiểm tra, đánh giá định kỳ”. [2]

Lãnh đạo làm theo mệnh lệnh hành chính, giáo viên than trời

Ngày 18/12/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Liền ngay sau đó, nhiều Sở Giáo dục và trường học trên cả nước ra văn bản yêu cầu triển khai Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH. Chẳng hạn như, ngày 3/2/2021, Trường trung học phổ thông Hàm Long (Bắc Ninh) ra kế hoạch số 26/KH-THPTHL triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Văn bản có một số nội dung đáng chú ý như: “Căn cứ vào Kế hoạch dạy học các môn học của tổ chuyên môn, giáo viên được phân công dạy học môn học ở các khối lớp xây dựng Kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học (theo Khung kế hoạch giáo dục của giáo viên tại Phụ lục 3); trên cơ sở đó xây dựng các Kế hoạch bài dạy (theo Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục 4) để tổ chức dạy học.

Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình tổ chức các hoạt động học được thiết kế trong Kế hoạch bài dạy thông qua các hình thức: hỏi - đáp, viết, thực hành, thí nghiệm, thuyết trình, sản phẩm học tập”. [3]

Nhiều giáo viên chia sẻ với người viết, thầy cô phải soạn Kế hoạch bài dạy cho cả học kì, nhưng nội dung bài soạn dài dòng, rườm rà nên rất áp lực, mệt mỏi.

Trong khi đó, mục III Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH - tổ chức thực hiện, có nội dung: “trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục Trung học) để được hướng dẫn giải quyết”.

Giá như hiệu trưởng các trường chỉ đạo tổ chuyên môn soạn một vài Kế hoạch bài dạy, sau đó dạy thí điểm cho một số lớp, rồi thảo luận những ưu khuyết của giáo án mới thì sẽ lắng nghe được tiếng nói của giáo viên, học sinh một cách khách quan nhất.

Đó cũng là cơ sở để lãnh đạo nhà trường báo cáo với Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục để có những đề xuất, kiến nghị lên cấp trên, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho giáo viên.

Thế nhưng, đa số lãnh đạo làm theo mệnh lệnh hành chính, bởi Điều lệ trường phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, Điều 20 quy định: “hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục đối với giáo viên có Kế hoạch bài dạy (giáo án)”.

Điều lạ lùng hơn là, khi nhận được sự than phiền của giáo viên về mẫu giáo án mới thì Vụ Giáo dục trung học có “Thư công tác” gửi các Sở Giáo dục chỉ đạo, “không yêu cầu giáo viên thay giáo án một cách hình thức mà hướng dẫn giáo viên căn cứ vào gợi ý ở phụ lục 4 hoàn thiện hơn các hoạt động học trong giáo án theo các tiêu chí tại Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH”. [4]

“Thư công tác” (không số, không con dấu và chữ ký được xác nhận của Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo [5]) chỉ đạo như thế nhưng nhiều Sở Giáo dục vẫn im hơi lặng tiếng, không có chỉ đạo gì thêm về việc soạn Kế hoạch bài dạy khiến giáo viên chỉ còn biết than trời.

Giáo viên than phiền về mẫu giáo án 5512

Người viết đã trao đổi với các bạn đồng nghiệp giáo viên trên cả nước về Kế hoạch bài dạy (giáo án) theo Công văn 5512 và nhận về những ý kiến sau đây. Vì lí do bảo mật các thông tin cá nhân, bài viết không nêu tên giáo viên, chỉ ghi tỉnh nơi thầy cô công tác.

1 giáo viên Lâm Đồng: “Tôi thấy giáo án 5512 có những ưu điểm riêng của nó - kịch bản lên lớp được thể hiện ra ngay trong giáo án, giúp giáo viên không bị động trong mọi hoạt động.

1 giáo viên Đăk Lăk: “Giáo án 5512 tổng hợp những cái đã cũ, đã bỏ đi rồi. Giáo án chia các phần, mỗi phần đều có mục tiêu cần đạt, rồi ghi rõ các bước như giáo viên đặt câu hỏi; chuyển giao nhiệm vụ không có gì mới so với trước đây. Phần “học sinh trả lời”; “dự kiến sản phẩm”; “chuẩn bị”; “dụng cụ, thiết bị” là dư thừa không cần thiết”.

Một ban đồng nghiệp ở Phú Thọ: “Mục tiêu từng bài, từng phần là học sinh hiểu và làm được, vận dụng được, xưa nay vẫn thế, sao giờ phải ghi ở từng mục, dài dòng hình thức. Đặt câu hỏi, nêu yêu cầu... là chuyển giao nhiệm vụ rồi sao phải ghi ra. Hoc sinh suy nghĩ trả lời, rồi nhận xét bạn; cô nhận xét, đưa kết luận... thì trước đây vẫn làm, ghi ra làm gì cho tốn giấy mực”.

Từ Hà Nội, 1 giáo viên chia sẻ: “Tôi có cảm nhận giáo viên soạn giáo án mà như làm đề tài khoa học. Cụ thể từng mục đích, yêu cầu, từng bước, từng hoạt động... có phải soạn mẫu để chấm đâu. Giáo án quá dài giáo viên có khi phải gánh lên lớp”.

Còn tại Bắc Giang, bạn đồng nghiệp đánh giá: “Mỗi phương pháp, mỗi kĩ thuật dạy học giáo viên áp dụng vào bài giảng tức là phải biết triển khai nó thế nào, không cần ghi chi tiết từng bước ra. Mục tiêu từng phần đều hướng đến mục tiêu chung của bài, trong quá trình dạy giáo viên sẽ tự định hình được một cách linh hoạt, không cần phải ghi ra ở từng hoạt động”.

Cho biết quan điểm của mình, một giáo viên Hưng Yên nêu: “Giáo án quá dài dòng, nặng hình thức, tốn giấy mực, mất rất nhiều thời gian soạn và in. Cần tối giản các bước, chú trọng đến nội dung cần đạt. Phương pháp chỉ cần nêu tên vì tiến hành thế nào thì dạy mới biết, dự mới biết... Giáo án càng ngắn càng tốt, để giáo viên đầu tư vào giờ dạy học thực tế”.

Trả lời câu hỏi khảo sát của người viết về mẫu giáo án 5512, bạn đồng nghiệp từ Quảng Ninh cho biết: “Giáo viên tiểu học dạy các môn: Toán; Tập đọc; Tập làm văn; Luyện từ và câu; Chính tả; Khoa học; Lịch sử; Địa lí; Kĩ thuật; Đạo đức để soạn giáo án chỉnh chu và có chất lượng như mẫu thì quá khó”.

Còn một bạn giáo viên đang dạy ở Tây Ninh cho hay: “Giáo án mẫu mới quá cồng kềnh, cứng nhắc, dài dòng không cần thiết. Giáo viên dạy 2 khối, một tuần soạn từ 6 đến 7 tiết, trung bình 1 tiết có khoảng 8 đến 10 trang thì không có thời gian đầu tư sáng tạo trong giờ dạy thực tiễn”.

Bàn về Kế hoạch bài dạy, một giáo viên ở Tây Ninh nêu quan điểm, nên giữ lại giáo án cũ là hay nhất, đổi mới càng tệ hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1]//moet.gov.vn/content/vanban/Lists/VBPQ/Attachments/1324/17_2019_TT_BGDDT.signed.pdf

[2] //tuoitre.vn/roi-boi-voi-giao-an-4-buoc-20210609230429052.htm

[3] //thpthamlong.bacninh.edu.vn/tin-tuc-thong-bao/tin-tuc-su-kien/ke-hoach-trien-khai-thuc-hien-cong-van-5512.html

[4] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-van-bo-pho-soan-giao-an-theo-mau-moi-vi-thu-cong-tac-4-khong-post218043.gd

[5] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vu-truong-vu-giao-duc-trung-hoc-giai-thich-mau-giao-an-5512-va-thu-cong-tac-post218343.gd?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương