Giáo viên, nhân viên "ba không" thời Covid-19

10/04/2020 06:49
Bài và ảnh: LÊ VĂN VỴ
(GDVN) - Từ tháng 2 đến nay, các trường nghỉ học phòng chống đại dịch Covid-19, thân phận giáo viên, nhân viên hợp đồng tại các trường công lập cũng như tư thục lao đao

Theo thông tin từ Phòng tổ chức Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, hiện tại, Hà Tĩnh có khoảng 2.815 giáo viên và cô nuôi hợp đồng.

Trong đó, số giáo viên hợp đồng do tồn dư tại phòng Can Lộc là 89 người, giáo viên hợp đồng tại các trường tư thục 615 người và gần 2.000 cô nuôi hợp đồng (trong đó ngành học mầm non có 1.237, còn lại là cô nuôi hợp đồng ngành tiểu học).

Giáo viên, nhân viên thời Covid-19: Ba không

Giáo viên, nhân viên hợp đồng đồng nghĩa với thiệt thòi, bất ổn.

Lương bổng phập phù, nơi công tác rày đây, mai đó không ổn định.

Cứ hết năm học lại “ba hồn chín vía” lên ngọn cây, vì năm học mới không tái hợp đồng được, có nghĩa là mất việc, cho nên thân phận giáo viên, nhân viên hợp đồng chúng em khi nào cũng như đứng ngồi trên lửa”, cô Nguyễn Thị Trang (Thạch Hà) phàn nàn.

Nhưng từ tháng 2 đến nay, các trường nghỉ học phòng chống đại dịch Covid-19, thân phận giáo viên, nhân viên hợp đồng tại các trường công lập cũng như tư thục lao đao. 

“Từ tháng hai đến nay, chúng em ba không: Không việc làm, không lương, không có tiền để nộp bảo hiểm”, cô Lê Thị Minh (cô nuôi Trường Mầm non Đức Lâm, Đức Thọ) kể.

Lí giải điều này, cô Nguyễn Thị Nhàn - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đức Lâm cho rằng: 

“Đội ngũ cô nuôi tại các trường mầm non hợp đồng với nhà trường phục vụ bữa ăn bán trú cho trẻ trên căn bản thỏa thuận với Hội phụ huynh học sinh.

Nguồn trả lương cho các cô nuôi thu từ phụ huynh, vì vậy, các cô được kí hợp đồng từng tháng hay ba tháng một.

Hợp đồng quy định rất rõ các điều khoản lao động cũng như chế độ lương bỗng, vì vậy, các cô chỉ được trả lương theo theo phương thức, có làm là có hưởng, không làm không lương.. .

Còn muốn có bảo hiểm, phải nạp tiền túi. Nói chung lương hợp đồng của các cô nuôi dao động từ hai triệu đến hai triệu rưỡi/ tháng”.

Khối giáo dục tư đang đuối sức, kiến nghị 6 giải pháp cấp cứu khẩn
Khối giáo dục tư đang đuối sức, kiến nghị 6 giải pháp cấp cứu khẩn

Tại Hà Tĩnh có 19 trường mầm non tư thục. Trường lâu nhất đã có bảy năm hoạt động.

Ngoài ra, chín nhóm trẻ độc lập mới thành lập vào năm 2018,2019 nhằm đáp ứng nhu cầu con em học tập trên địa bàn, cho nên nguồn thu chưa đủ bù chi.

Theo cô Nguyễn Thị Huyền - Hiệu trưởng nhóm trẻ tư thục Hoa Hồng, Can Lộc, nhóm trẻ do cô thành lập đi vào hoạt động mới được một năm.

Thời điểm nhiều nhất trường đón 30 cháu và thời điểm ít nhất chỉ có 15 cháu.

Với số lượng trẻ ít ỏi như vậy, nguồn thu từ phụ huynh chỉ đủ trang trải tiền thuê mặt bằng, cơ sở vật chất cũng như trả lương cho giáo viên.

Từ tháng 2 đến nay, nhà trường đóng cửa, chưa nhìn được nguồn ở đâu để trang trải cơ sở vật chất thuê mướn, nói chi đến lương cho giáo viên hợp đồng. 

“Nếu kéo dài, em đang lo nhà trường phải giải tán mất ”, cô Huyền buồn bã tâm sự.

Trăm nẻo mưu sinh

Nghỉ việc trường, không lương, giáo viên, nhân viên hợp đồng trăm nẻo mưu sinh. 

Giáo viên tư thục nhà quê ra tỉnh lao đao mùa dịch bệnh
Giáo viên tư thục nhà quê ra tỉnh lao đao mùa dịch bệnh

“Nhưng để mưu sinh đâu dễ. Chúng em phần lớn nghèo, tay trắng, không vốn.

Kinh nghiệm làm ăn buôn bán con số không tròn trĩnh. Lại gặp phải thời Covid nên trăm thứ khó”, cô Nguyễn Thị Thanh Thảo (Trường Mầm non Hoa Hồng, Thạch Hà) cho biết.

Biết là khó, nhưng các cô không phải một thân một mình mà còn cha mẹ già, con cái nhỏ, thành thử thời Covid-19, tất cả đều phải lăn lộn “tự cứu mình trước khi trời cứu”.  

Người ở vùng rừng núi thì vào rừng hái củi, người miền biển thì cào hến, bắt ngao, người đồng bằng thì trồng khoai, gieo lúa, người ở phố thì buôn bán hàng oline. Không ai bó tay. 

Cô Đàm Thị Vân (Trường Mầm non Thái Yên, Đức Thọ) đi may thuê cho hàng may Thái Lộc, cô Phan Thị Nhu (Tân Lộc, Can Lộc) ngày hai bữa cắt cỏ nuôi bò.

Cô Nguyễn Thị Phương (Trường Mầm non Tân Mỹ Hà) ngược xuôi buôn cá, cô Lê Thị Minh Hải (Sơn Châu, Hương Sơn) phục vụ bánh mướt, ram giò cho “các thượng đế” tại nhà.

Cô Nguyễn Thị Phương (Hồng Lĩnh) rửa bát cho nhà hàng và thậm chí cô Lê Thị Minh (Đức Lâm, Đức Thọ) cứ mỗi chiều đến nhà hàng đặc sản bê, nghé, xin nước rác về nuôi chó và đêm đêm đi đặt trúm, bắt cua đồng.

Cô Hồ Thị Nga (Sơn Châu, Hương Sơn) xẻ gỗ, làm chuồng tính bài vay ngân hàng đầu tư nuôi hươu. 

“Không có việc gì là chúng em nề hà. Việc gì cũng được,làm ngày hay làm đêm, lao động chân chính có thu nhập để mưu sinh qua ngày, chờ cho qua đận dịch này rồi tính”, cô Trần Thị Thành (Tân Lộc, Lộc Hà) quả quyết.  

Còn cô Thái Thị Trang (Kì Anh) tâm sự: “Nghèo khổ, nhưng quả thật chúng em không có duyên với làm ăn buôn bán nên cứ đeo đẳng với hợp đồng lâu dài. 

Em ngót nghét đã mười năm. Hầu hết các bạn có thâm niên trên dưới chục năm cả. 

Cũng có lí do yêu nghề, cũng có lí do chờ đợi hi vọng được biên chế và chủ yếu là hầu hết chúng em đã xây dựng gia đình yên ổn tại địa phương, nên cơ hội để làm lại cuộc đời khó lắm!”.

Những thân phận

Mỗi cô giáo, nhân viên hợp đồng một hoàn cảnh, một thân phận không ai giống ai. Nhưng hoàn cảnh của cô Lê Thị Hoa (Trường Mầm non Hoa Phương, thị trấn Đức Thọ) không biết trông cậy vào đâu. 

Tôi đã cùng cô Nghiêm Thị Bảo Hiền đến nhà cô Hoa, chứng kiến cô đang săn sóc mẹ chồng ung thư đại tràng mấy năm nay mà thương cảm. 

Cô Lê Thị Hoa chăm mẹ ung thư đại tràng
Cô Lê Thị Hoa chăm mẹ ung thư đại tràng

Cậu con trai duy nhất Bùi Gia Phong học Đại học Ngoại thương năm thứ hai đang thời kì nghỉ dịch giúp mẹ được những việc lặt vặt như dọn dẹp trong nhà. Cháu mồ côi bố khi đang học lớp một.

Anh Bùi Gia Hào (chồng Hoa) hơn mười năm chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo lăn lóc hết bệnh viện huyện, tỉnh đến trung ương, ra đi để lại cho vợ dại, con thơ cục nợ.

Gạt nước mắt, Hoa hai vai gánh vác việc nội ngoại. Được cô Nghiêm Thị Bảo Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường mầm non tư thục Hoa Phượng giúp đỡ, Hoa được kí hợp đồng vào trường với công việc chăm nuôi trẻ.

Một mình Hoa, với đồng lương của cô giáo hợp đồng, lăn lộn chèo chống trả nợ cho chồng, nuôi con ăn học nên người, nuôi mẹ chồng trọng bệnh.

Giáo viên hợp đồng Hà Nội không còn nước mắt để mà khóc
Giáo viên hợp đồng Hà Nội không còn nước mắt để mà khóc

Khi chưa có dịch Covid-19, mỗi tháng lương của Hoa được năm triệu đồng, tằn tiện chắt lót cũng đủ trang trải.

Từ tháng hai đến nay không lương, mẹ con Hoa chỉ biết trông cậy vào nồi rượu, nhưng thời Covid, quán ăn vắng khách, rượu Hoa cất cũng ế, chẳng biết bán cho ai.

Vườn tược không có, chẳng biết làm gì để sinh sống. Nhìn Hoa rơm rớm nước mắt mà chúng tôi vô cùng ái ngại.

Cũng góa chồng như Hoa, nhưng cô Lê Thị Minh (Đức Lâm, Đức Thọ) lại một nách bốn con nhỏ, với bố mẹ chồng già trên 80, ốm đau kinh niên.

Năm 2004, tốt nghiệp trung cấp kế toán, cô Lê Thị Minh hợp đồng cho doanh nghiệp.

Năm 2008, phải duyên với anh Đinh Văn Hợp người cùng quê, nên vợ, nên chồng, Minh về quê hợp đồng với Trường mầm non Đức Lâm với công việc nuôi trẻ.

Nghề trồng người mang cho Minh niềm vui và hi vọng. Minh đã bàn chồng cho đi học trung cấp chế biến thực phẩm và sau đó, học tiếp cao đẳng chế biến món ăn để có tay nghề phục vụ lâu dài.

Đêm đêm cô Lê Thị Minh thân cò, thân vạc, đặt trúm bắt cua, mãi khuya mới trở về nhà
Đêm đêm cô Lê Thị Minh thân cò, thân vạc, đặt trúm bắt cua, mãi khuya mới trở về nhà

Đang yên, đang lành, bỗng tai họa giáng xuống mẹ con Minh.

Tháng 4/2009, chồng của cô bị tai nạn giao thông bỏ lại cho Minh bố mẹ già và bốn đứa con dại với khoản nợ bốn trăm triệu đồng. 

“Rơi vào hoàn cảnh mẹ góa con côi, nhưng cô ấy có nghị lực phi thường.

Đồng nghiệp trong trường rất thương và nể phục sự quán xuyến việc trường việc nhà của cô ấy.

Chưa bao giờ đi muộn, về sớm. Chưa bao giờ nghỉ việc. Đời sống bán trú của trẻ đảm bảo an toàn, sạch sẽ, tươi sốt, chất lượng phần nhiều nhờ ở chị em nuôi dưỡng mà đặc biệt là tận tụy của cô Minh”, cô Nguyễn Thị Nhàn - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định.

Tôi đã đến nhà Minh và trực tiếp mắt thấy tai nghe nỗ lực của cô. Đã hàng chục năm nay, cô chưa bao giờ ngủ trước 12 giờ đêm.

Cứ mỗi buổi chiều, khoảng 17 giờ rưỡi, xong việc trường, cô đến quán đặc sản thịt nghé, xin nước rác về nhà nuôi đàn chó 13 con.

Nhiều đồng nghiệp của Minh nuôi gà, lơn, trâu, bò, hươu, ngan vịt, cá, nhưng Minh lựa chọn nuôi chó, “vì tận dụng được nước rác, không mất tiền vả lại chó mau lớn, dễ bán, nên em lựa chọn giải pháp này”, Minh nói.

Còn ban đêm, người đàn bà đi ủng cao su, mặc áo bảo hộ, đầu đeo đèn, tay xách ống trúm, vai mang oi, ra cánh đồng làng đặt trúm bắt lươn và bắt cua đồng.

Đồng làng hết thì lặn lội sang đồng làng bên, như thân cò, thân vạc, có khi 12 giờ đêm mới lặn lội trở về.

Bốn đứa trẻ lúc đầu còn chờ mẹ, sau quen dần ngủ lúc nào không biết.

Sáng mai, năm giờ sáng, Minh vội vàng ra chợ bán cua, mua gạo, khoai, ngô để có ăn cho cả nhà.  

Ngày son, Minh kiếm được một trăm ngàn. Ngày không son, cũng cố gắng kiếm được năm mươi ngàn.

Từ tháng 2 đến nay, không có lương, Minh đi làm phụ thêm ở quán ăn. Nhưng thời Covid-19, quán không có khách, không có việc. 

“Thì em chỉ mong làm sao cho qua dịch Covid để hàng ngày lại được đến trường tiếp tục công việc vất vả nhưng hàng tháng có hai triệu rưỡi tiền lương, buổi chiều lại đi lấy nước rác nuôi chó, đêm đêm  lại đặt trúm, bắt cua nuôi con, nuôi bố mẹ già.  

Mong trời đất cho mẹ góa con côi hai chữ bình an”. Nói xong, Minh thở dài, dán mắt về cánh đồng trước nhà.

Bài và ảnh: LÊ VĂN VỴ