Giáo viên nhậu với học sinh, chuyện không còn là cá biệt

17/03/2021 06:59
Tùng Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mong các nhà trường, các thầy cô và các bậc phụ huynh đừng tổ chức những buổi liên hoan tốn kém không cần thiết, tránh bia rượu như câu chuyện ở Thanh Hóa.

Tuần vừa qua nhiều tờ báo đồng loạt đăng tin cô giáo X. ở Hậu Lộc (Thanh Hóa) cùng học sinh lớp 9 tổ chức liên hoan và “keng” bia nhằm “quậy tung nhà cô” rồi đăng facebook. Nhiều bạn đọc ngỡ chuyện này là cá biệt … Nhưng tôi thì không!

Theo tin trên một số mặt báo, câu chuyện xảy ra vào chiều 21/2 tại một trường trung học cơ sở ở Hậu Lộc (Thanh Hóa).

Lí do cuộc tạc thù giữa cô trò lớp 9 ở đây chưa được đăng rõ. Thiết nghĩ, lí do vu vơ mà rộn rã thế thì đến khi chia tay ra trường chắc là cuộc vui của cô trò sẽ bất tận…

Bữa liên hoan có dùng bia để “1…2…3…Zô” nói trên bị phê phán và nhiều người đặt câu hỏi: “Sao bây giờ tụi trẻ hư quá!”.

Tôi thì không bất ngờ trước thông tin này vì tôi biết trẻ em đã bị người lớn lôi cuốn vào vòng xoáy tạc thù từ lâu với đủ thứ liên hoan lí do không chính đáng cả trong lẫn ngoài học đường.

Cô giáo cùng học trò uống bia và quay clip ở Thanh Hóa bị phạt 7,5 triệu đồng. Ảnh cắt từ clip/Vietnamnet.vn

Cô giáo cùng học trò uống bia và quay clip ở Thanh Hóa bị phạt 7,5 triệu đồng. Ảnh cắt từ clip/Vietnamnet.vn

Chia tay lớp 5: Liên hoan

Từ cách đây hàng chục năm, tôi đã chứng kiến cảnh cha mẹ học sinh tổ chức liên hoan cho học sinh lớp 5 khi con được phát giấy chứng nhận Hoàn thành Chương trình Tiểu học.

Nhiều phụ huynh cho rằng đây là một mốc son trong đời con trẻ. Thế là họ chọn một ngày đẹp trời cuối tháng 5, hoa phượng rực trời, ve kêu nức nở để tổ chức chia tay mái trường mến yêu.

Rạp sự kiện được bắc lên, loa nhạc tưng bừng từ chiều tới đêm chưa dứt. Cỗ bày la liệt. Học trò lớp 5 còn nhỏ nên đi đâu cũng có sự kèm cặp của cả nhà và liên hoan cũng thế.

Vậy là bữa tiệc mặn của các gia đình học sinh lớp 5 bắt đầu. Điều đáng nói ở đây là rượu, bia, nước ngọt,… không cứ lứa tuổi, ai thích uống gì cứ uống. Vui quá sá. Nhưng lũ trẻ - nhân vật chính của buổi chia tay bằng tiệc mặn thì ăn uống rất nhanh.

Sau vài chầu “Zô zô…” là bọn chúng no bụng chạy đi chơi đâu đó. Còn lại là các bố, các mẹ tạc thù với nhau… say tới bến.

Tết Trung thu: Liên hoan

Nhiều người bảo Trung thu là Tết của thiếu nhi nhưng bây giờ tôi thấy chưa hẳn đúng. Mới mười hai, mười ba tháng Tám (Âm lịch) đã thấy lác đác rạp được dựng lên trong thôn xóm, dãy phố.

Tới mười bốn, chính Rằm thì đồng loạt đèn hoa. Khu nào cũng có. Trong rạp, trẻ con ngồi mâm trẻ con, người lớn ngồi mâm người lớn và rượu bia, nước ngọt tùy ý. Nơi tôi sinh sống, địa phương nào cũng vậy, đầu làng cuối phố đèn rạp sáng choang.

Nhưng muôn đời, trẻ con thì vẫn vậy. Chúng ăn rất nhanh rồi đi chơi, xem múa lân hoặc múa lân xin tiền.

Còn người lớn thì không say không về. Bia rượu rót tràn, keng giòn giã. Ăn uống xong chuyển sang chương trình không thể thiếu là Karaoke. Cuộc vui rất khuya mới tàn, có khi trẻ con về ngủ lâu rồi các bố vẫn hát, vẫn uống …

Chia tay lớp 9: Làm cả chương trình tri ân kèm … bia rượu

Được sự đồng ý của các thầy cô, thế là càng hoành tráng càng ấn tượng. Tuy lớp 9 mới được một nửa chặng đường đi học nhưng không cớ gì hoãn liên hoan ra trường. Chỉ có điều bây giờ chúng lớn rồi nên không có sự tham gia của cha mẹ nữa.

Buổi chia tay giã từ trường làng dần phát triển thành lễ tri ân hoặc tri âm tùy theo cách gọi của các chủ nhân buổi lễ.

Thôi thì tri âm hay tri ân không quan trọng, chữ nghĩa tính sau, cứ thuê nhà rạp và treo phông dán chữ lên cho rực rỡ là được.

Vì có nhà trường đứng sau nên buỗi lễ cũng có một vài chương trình đàng hoàng: Học sinh đọc lời chia tay, tặng quà các thầy cô, tặng quà lưu niệm nhà trường.

Đại diện cha mẹ học sinh lớp 9 phát biểu, đại diện nhà trường phát biểu chúc mừng các em tốt nghiệp một cấp học mang tính trường làng để ngày mai học lên bậc học cao hơn ở trường huyện.

Phát biểu xong là liên hoan. Thôi thì thả cửa, lại bia, rượu và nước ngọt tràn trề. Xong vụ này, ban cán sự các lớp cộng lại, chia tiền: tính cả thuê rạp, âm thanh, ánh sáng, quà lưu niệm, thực phẩm ăn uống,… mỗi bạn đóng góp ngót triệu bạc. Nhà nghèo cũng cắn răng để theo…

Lên học cấp 3, không gì ngăn nổi…

Như đã kể trên, chuyện liên hoan, ăn uống với lứa tuổi học trò đã thành nếp mỗi khi có cớ. Ngay từ nhỏ, con trẻ chúng ta đã có sẵn tư duy đó rồi thì khi học lên trung học phổ thông (cấp 3) chúng tự ý tổ chức tiệc tùng, ăn uống là lẽ đương nhiên, không gì ngăn nổi.

Học sinh cấp 3 đã là tuổi thanh niên rồi. Thôi thì đủ sự kiện để các cô, cậu học trò mở tiệc: sinh nhật, khao giấy khen, phần thưởng, nghỉ hè,…

Liên hoan ở trường, ở nhà chưa thỏa, các học sinh cấp 3 còn tổ chức du lịch, vãn cảnh đền chùa để ăn uống trên rừng, dưới biển.

Năm học 2018 2019, con trai tôi học lớp 11. Hôm họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm khen: “Lớp mình các em ngoan, học tốt và rất năng động. Chỉ mới xin phép và mời cô đi Đồ Sơn mà chúng đã thuê xe đâu vào đấy rồi…”.

Một vị trong ban đại diện cha mẹ học sinh phát biểu: “Thôi thì chúng tôi cũng cố gắng vì con cái. Nhiều lúc con xin một trăm nghìn để góp liên hoan sinh nhật tháng lại phải cho hai trăm,…”.

Tôi ngồi nghe mà buồn lòng quá. Sau tôi phát biểu, đại ý là lứa tuổi của các con không quan trọng chuyện đó mà quan trọng là học cho giỏi và về nhà đúng giờ cho bố mẹ yên tâm…

Về sau, con tôi kể là các bạn trong lớp cứ trách: “Chỉ tại bố bạn D. mà chúng mình không được đi hồ Núi Cốc…”

Trở lại câu chuyện cô giáo X. “keng” bia cùng học trò lớp 9 chiều 21/1 mà báo chí rầm rộ đưa tin hôm nay. Theo quan sát của tôi và như trên đã kể, chuyện này không còn là cá biệt mà có nguy cơ phổ biến.

Cũng còn may cho chúng ta là cô giáo X. đã đăng hình ảnh buổi liên hoan lên Facebook để dư luận có dịp phê phán.

Nếu hôm đó cô X. không đăng tin lên trang cá nhân của mình thì sự việc lại chìm vào im lặng và … thật nguy hiểm cho lớp trẻ.

Thưa bạn đọc, tôi viết những dòng này để muốn nói rằng lứa tuổi học trò là bình dị, vô tư, siêng học, chăm làm.

Mong các nhà trường, các thầy cô và các bậc phụ huynh đừng tổ chức những buổi liên hoan tốn kém không cần thiết nói trên và cần định hướng để học đường không nhuốm màu bia rượu như câu chuyện ở Hậu Lộc, Thanh Hóa.

Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, hãy giúp các em đẹp mãi tuổi học trò.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn của tác giả.

Tùng Sơn